| Hotline: 0983.970.780

Hai dấu hỏi trước vụ ĐX 2010-2011: Hạn & giống

Thứ Sáu 26/11/2010 , 09:27 (GMT+7)

Đồng hành với một mùa đông lạnh bất thường, vụ ĐX 2010-2011 đang đối mặt với thử thách khốc liệt nữa là nguy cơ hạn nặng và thiếu nước trầm trọng.

* Lãnh đạo Sở NN- PTNT Hưng Yên: “Năm nào cũng thiếu nước thế này, sẽ quy hoạch đất lúa thành đất... công nghiệp”.  

Đồng hành với một mùa đông lạnh bất thường, vụ ĐX 2010-2011 đang đối mặt với thử thách khốc liệt nữa là nguy cơ hạn nặng và thiếu nước trầm trọng. Trước tình hình này, hôm qua Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã triệu tập hội nghị lớn, cùng các địa phương và đơn vị chức năng bàn cách đối phó. 

Thống kê của Trung tâm Dự báo KTTV TƯ cho thấy tổng lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay ở Bắc bộ bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 15- 30%. Đặc biệt khu vực Tây Bắc bộ lượng mưa hụt từ 40- 50% so với TBNN cùng thời kỳ. Kéo theo đó, dòng chảy nhiều hệ thống sông ở Bắc bộ cũng thấp hơn mức TBNN từ 15- 50%. Tháng 11/2010, lưu lượng nước vào hồ Hòa Bình đạt trị giá nhỏ nhất trong lịch sử, mực nước trên sông Lô tại Tuyên Quang xuống thấp nhất trong lịch sử quan trắc thủy văn tại đây... 

Theo Tổng cục Thủy lợi, hầu hết các hồ chứa lớn tại Trung du miền núi phía Bắc hiện đều có mực nước chỉ đạt dưới 80% dung tích thiết kế và khó có khả năng tích thêm nước. Nhận định từ tháng 11/2010 đến tháng 4/2011, dòng chảy các sông ở Bắc bộ sẽ thấp hơn TBNN từ 20 đến 40%. Lượng nước đến các hồ chứa lớn đều thiếu hụt 10-47% so với TBNN (dự báo hồ Sơn La thiếu 24%, hồ Hòa Bình thiếu 48%, các hồ Tuyên Quang, Thác Bà thiếu gần 15%).  

Tại khu vực hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình mực nước có khả năng xuống thấp kỷ lục lặp lại như đã từng xảy ra năm 2010 (tại Hà Nội có khả năng xuống 0,1m). Tương tự Bắc bộ, khu vực Bắc Trung bộ từ nay đến tháng 4/2011 dự báo cũng sẽ có chung cảnh ngộ, khi dự báo dòng chảy các sông có thể thấp hơn TBNN 40-50%.... 

 

Mặc dù còn gần một tháng nữa mới bước vào giai đoạn lấy nước đổ ải cho vụ ĐX 2010-2011, nhưng trước dự báo này, nhiều địa phương vùng ĐBSH đang tỏ ra hết sức hoang mang. Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện UBND tỉnh đã có kế hoạch cụ thể nhằm chuyển đổi một số diện tích đất khó khăn về nước tưới sang trồng màu, quyết liệt bỏ hẳn trà lúa xuân sớm và dài ngày mà chuyển 100% sang xuân muộn. Tuy nhiên, nếu việc lấy nước từ hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải không đủ, thì nguy cơ một số huyện tại khu vực giáp với Bắc Ninh sẽ rất khó xử lí. 

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã thống nhất cùng Bộ NN-PTNT mở 2 đợt xả nước để các tỉnh ĐBSH lấy nước đổ ải và gieo cấy vụ ĐX 2010-2011. Cụ thể đợt I từ 27/1 đến 2/2/2011; đợt II từ 8/2 đến 14/2/2011. Xung quanh vấn đề này, Cty Khai thác thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết với 2 đợt xả nước, vùng tưới của công trình Bắc Hưng Hải sẽ thiếu khoảng 45 triệu m3. Vì vậy cần phải có thêm 1 đợt xả thứ 3 phục vụ tưới dưỡng nữa thì may ra mới tạm ổn.

Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề nghị EVN năm nay phải xả nước đều, đúng thời gian quy định để các trạm bơm lấy nước thuận lợi, tránh tình trạng xả nước “cắc bụp” như vụ ĐX năm 2009-2010.

Tỉnh Bắc Ninh thì cho biết sẽ không chờ đến lúc ngành thủy điện xả nước mà bắt đầu từ 1/12/2010, toàn tỉnh sẽ huy động 4 trạm bơm tạm, 6 trạm bơm dã chiến sẵn sàng tích nước vào kênh chìm, ao đầm khi mực nước các sông lên cao. Cũng theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh này cho biết thì trước tình trạng thiếu nước nhiều năm liền gần đây, tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi đất lúa sang trồng cây trồng cạn. Tuy nhiên, việc thực hiện hết sức khó khăn nên nếu đất lúa không có nước thì dân chỉ còn biết bỏ hoang mà thôi.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên cũng có chung ái ngại: “Một số vùng nếu cứ thiếu nước liên tục như hiện nay, dân không chuyển sang cây trồng khác được thì chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu, quy hoạch thành... đất công nghiệp”.  Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học nêu ý kiến: “Nước thì chỉ có chừng đó mà thôi. Nếu không đủ thì chỉ còn cách chuyển sang trồng cây khác chứ chẳng còn cách nào”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo "những vùng chắc chắn không có nước cấy thì tốt nhất là chuyển sang trồng ngô. Vì ngô thì đất nào cũng phù hợp, mà giá lại đang tốt”. Về kinh phí chống hạn trong vụ ĐX tới, Bộ trưởng đề nghị ngay trong tuần tới, các tỉnh phải có báo cáo nguồn kinh phí cần cho việc chuẩn bị khắc phục hạn hán bao nhiêu, rồi gửi ngay về Bộ NN-PTNT để trình Chính phủ cho tạm ứng để kịp thời triển khai, không chờ theo nguồn phân bổ ngân sách vào đầu năm 2011 như thông lệ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất