| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Cống dưới đê xuống cấp, gần 100km kênh thủy lợi nông đầy, ách tắc

Thứ Hai 18/11/2019 , 08:31 (GMT+7)

Hải Phòng hiện đang có gần 1 nửa cống dưới đê kém an toàn và 70 tuyến kênh thủy nông có đoạn bị nông đầy, ách tắc, cần nạo vét, đắp bờ hoặc khơi thông.

Gần 100km kênh thủy lợi cần nạo vét, khơi thông

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, toàn thành phố hiện có 5 hệ thống thủy lợi có các tuyến kênh bị nông đầy, ách tắc là hệ thống thủy lợi An Hải, hệ thống thủy lợi Tiên Lãng, hệ thống thủy lợi Đa Độ, hệ thống thủy lợi Vĩnh Bảo và hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên. Tổng chiều dài cách kênh bị nông đầy, ách tắc là rất lớn với 94.988/240.535m (94,988km/240,5km), gây ảnh hưởng không khỏ đến việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đoạn kênh cấp 2 tại xã Kiến Thụy Hải Phòng bị bèo, muống phủ kín đặc... thuộc diện cần nẹo vét, khơi dòng. Ảnh: Đinh Mười.

Đoạn kênh cấp 2 tại xã Kiến Thụy Hải Phòng bị bèo, muống phủ kín đặc... thuộc diện cần nẹo vét, khơi dòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tại hệ thống An Kim Hải có 19.223m kênh thì có tới 3.810m kênh bị nông đầy, ách tắc, trong đó kênh trục chính Kim Xá có 460m phải nạo vét, đắp bờ và khơi thông dòng chảy. Còn lại các kênh trục chính khác như Kênh Hòa Phonng, Kênh sau cổng Thanh Mai 1, 2, 3 đều phải nạo vét và đắp bờ từ 400-600m.

Còn tại hệ thống Thủy lợi Tiên Lãng dài 11.205m thì có tới 3.300m kênh nông đầy, ách tắc phải nạo vét, đắp bờ. Riêng hệ thống thủy lợi Đa Độ có tới 56.890m/89.260m kênh nông đầy, ách tắc…phải nạo vét đắp bờ. Trong đó, kênh tưới tiêu kết hợp Cống Thống 1 là kênh cấp 1 nhưng có 4.500/6.080m bị nông đầy, ách tắc; kênh liên huyện An Lão – Kiến Thụy toàn bộ bị nông đầy, ách tắc… cần phải bố trí nhân lực thường xuyên khơi thông, nhất là mùa mưa bão.

Ngoài ra, theo Chi cục Thủy lợi & Phòng chống thiên tai (TL &PCTT) Hải Phòng, các hệ thống thủy nông đang có một số cống, đập điều tiết trên bờ kênh khẩu độ nhỏ không đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa lớn, tình trạng bèo phát triển dày đặc trên nhiều tuyến kênh,làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều hành nguồn nước trên hệ thống và tiêu nước.

Ông Nguyễn Hữu Vì – Chủ tịch UBND xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng cho biết: Trên địa bàn xã có 5 tuyến kênh cấp 3 phục vụ nuôi trồng thủy sản và tưới tiêu trong vùng chuyển đổi cây trồng làm từ năm 2003, mỗi tuyến dài gần 2km nhưng đến nay đã ách tắc hết cả. Mới chỉ có 1 tuyến kênh được nạo vét, khơi thông. Rất ảnh hưởng đến việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân 1 phần do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên dẫn đến một số tuyến kênh đất bị nông đầy, không đảm bảo khả năng dẫn nước, nhất là trong mùa mưa bão cần nạo vét.

Theo ông Phạm Phú Xuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều lý do khách quan và chủ quân. Trước hết cơ chế chính sách đầu tư còn chưa hợp lý, chú trọng đầu tư xây dựng mới, đầu tư công trình đầu mối mà chưa quan tâm nhiều đến đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa, hoàn chỉnh hệ thống nên thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác. Nhiều hệ thống công trình thủy lợi lớn được xây dựng xong công trình đầu mối, kênh chính nhưng còn thiếu công trình điều tiết nước, kênh mương nội đồng nên chưa khai thác hết năng lực theo thiết kế.

Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi vẫn còn thấp, bộ máy quản lý Nhà nước về thuỷ lợi, phần giao nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành còn nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong điều hành chỉ đạo. Một số địa phương vẫn còn có sự trùng lẫn giữa chức năng quản lý Nhà nước và quản lý sản xuất, chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công ích của nhà nước. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa bám sát thực tiễn và chưa được coi trọng, các thủ tục hành chính còn rườm rà.

Gần 1 nửa cống dưới đê kém an toàn

Theo Chi tục Thủy lợi & Phòng chống thiên tai  Hải Phòng,, trên địa bàn thành phố hiện có 08 trạm bơm đầu mối tiêu, kết quả kiểm tra đánh giá hiện có 05 trạm bơm hoạt động tốt, đảm bảo công suất thiết kế và 03 trạm trong tình trạng xuống cấp cần sửa chữa, nâng cấp.

Các trạm bơm hoạt động tốt, đảm bảo công suất thiết kế gồm trạm bơm thượng Đồng, Trạm bơm Cộng Hiền, trạm bơm Sinh Đan và trạm bơm Hoàng Lâu. Các trạm bơm kém chất lượng bao gồm trạm bơm Bát Trang và Quang Hưng.

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, tại những trạm bơm đã xuống cấp, máy bơm trục ngang đã cũ, lạc hậu không đảm bảo khi cần thiết phải hoạt động hết công suất, nhà trạm hư hỏng, bể xả, bể hút trượt sạt nhiều chỗ, hệ thống điện đã xuống cấp nhiều năm không đảm bảo an toàn nhất là trong mùa mưa bão. Còn tại trạm bơm Thượng Đồng (cũ) đã xuống cấp hư hỏng nặng.

Đối với hệ thống cống dưới đê nhiều nơi cũng đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Theo thống kê của Chi cục TL & PCTT, toàn thành phố Hải Phòng hiện có 387 cống dưới đê thì có tới 122 cống kém an toàn và 55 cống xung yếu. Ngoài một số công trình cống đầu mối tiêu, phần lớn các cống còn lại là cống nhỏ có khẩu độ dưới 5m, có nhiệm vụ tưới, tiêu độc lập trong phạm vi nhỏ. Một số cống nhỏ được xây dựng từ lâu bằng nhiều loại vật liệu khác nhau (gạch xây, đá xây, bê tông) với nhiều hình thức kết cấu khác nhau (cống ống buy, cống hộp, cống vòm...).

Các cống được đánh giá xung yếu đều được xây dựng từ những năm 1960-1970, đến nay nhiều công đã bị hư hỏng nặng và phải hoành triệt tạm thời trong mùa lũ để sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Bá Tiến - Chi cục trưởng Chi cục TL &PCTT Hải Phòng cho hay: “Tình trạng chung của các cống xung yếu là được xây dựng từ lâu, hết thời hạn sử dụng và quy mô kết cấu hạn chế, hầu hết là cống ngắn hơn so với mặt cắt để, không có sân tiêu năng, bộ phận đóng mở hoạt động kém hoặc không có. Một số đã hư hỏng thường gặp là nứt gãy tường thân, nứt bản đáy, xói lở sân tiêu năng thượng hạ lưu, sạt lở mang cống, xói ngầm đất thân đế. Rò xuyên tâm, xuyên mang, tường, kè thượng hạ lưu, kè mái, kè hướng dòng, sạt lở lớn làm sụt mặt để, giàn công tác hư hỏng, máy đóng mở hỏng, cánh van rò rỉ ... gây mất an toàn”.

Trạm bơm Quang Hưng trên địa bàn huyện An Lão, được xây dựng từ những năm 80, nay đã xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: Đinh Mười.

Trạm bơm Quang Hưng trên địa bàn huyện An Lão, được xây dựng từ những năm 80, nay đã xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: Đinh Mười.

Được biết, trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã hướng dẫn các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi, các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng chống úng, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy cho từng khu vực trong phạm vi được giao quản lý của từng đơn vị.

Hải Phòng hiện có 3.833 tuyến kênh chìm từ cấp 3 trở lên với tổng chiều dài 4.059,2 km, 1.296 km kênh cứng sau trạm bơm điện, 15.510 tuyến kênh nội đồng sau điểm giao nhận có tổng chiều dài 4.818,6 km. Trong đó có 70 tuyến kênh có đoạn bị nông đầy, ách tắc với tổng chiều dài là 94.988/240.535m, hệ thống kênh xuống cấp nhiều nhất là Đa Độ với 56.890m, thứ 2 là Thủy Nguyên với hơn 22.000m.

Một đoạn kênh cấp 3 tại xã Quang Hưng, huyện An Lão. Ảnh: Đinh Mười.

Một đoạn kênh cấp 3 tại xã Quang Hưng, huyện An Lão. Ảnh: Đinh Mười.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.