Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM muộn so với một số các tỉnh thành khác với mức bình quân là 5,76 tiêu chí/1 xã. Sau 10 năm, 100 các xã ở Hải Phòng đều đã về đích NTM, 3 huyện hoàn thành tiêu chí xây dựng huyện NTM. Kết quả này gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước và nhiều tiêu chí cao hơn mức bình quân cả nước như đường giao thông nội đồng được bê tông hóa, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo.
Và TP Hải Phòng được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về huy động nguồn lực và đầu tư ngân sách cho xây dựng NTM với tổng nguồn lực huy động gần 47.000 tỷ đồng (trong đó có tới 45% là huy động từ xã hội). Nhiều người dân đóng góp, ủng hộ cả tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan các sản phẩm nông nghiệp của Hải Phòng |
Tuy nhiên, xác định việc hoàn thành xây dựng NTM không phải là đích cuối cùng, các tiêu chí luôn được các địa phương rà soát và bổ sung, như trạm y tế xã, trường học, nhà văn hóa, giao thông, đặc biệt là giao thông nội đồng và hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hải Phòng đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có bốn đơn vị đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu và 30 xã NTM nâng cao, 20 xã NTM kiểu mẫu; 100 thôn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2 đến 2,5 lần so với năm 2020.
Trước mắt, đến hết năm 2020, Hải Phòng phấn đấu có 100% số huyện đạt chuẩn huyện NTM và 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là: xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo; xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng; xã Tân Dân, huyện An Lão; xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy; xã Đồng Thái, huyện An Dương; xã Gia Minh, xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên; xã Xuân Đám, huyện Cát Hải.
Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2020 – 2025 gồm 5 lĩnh vực với 17 tiêu chí. Trong đó, lĩnh vực Hạ tầng kinh tế - xã hội gồm 6 tiêu chí (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở); lĩnh vực phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân gồm 4 tiêu chí (sản xuất, lao động, thu nhập, hộ nghèo); lĩnh vực Giáo dục - Y tế - Văn hóa; lĩnh vực Môi trường; lĩnh vực Quốc phòng - Anh ninh trật tự - Hành chính công.
Người dân xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, đưa cơ giới hóa vào sản xuất gạo ruộng rươi - sản phẩm OCOP |
Ông Bùi Quang Hoằng - Phó Chánh VP chuyên trách VPĐP chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM TP Hải Phòng cho biết: “Đến năm 2019, 139/139 xã trên địa bàn TP đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Giai đoạn 1 ở cấp xã có thể nói là hoàn thành. Năm 2020, TP thực hiện thí điểm xây dựng NMT kiểu mẫu ở 8 xã. Đây là những xã có tiêu chí NTM đạt cao, có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, huy động nhân dân tham gia xây dựng NTM”.
TP Hải Phòng là nơi có hoạt động công nghiệp – dịch vụ diễn ra sôi động nhưng hiện tại vẫn có hơn 50% dân số sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua, dù chưa phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh nhưng lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, cả hệ thống chính trị quan tâm. Nhất là trong chương trình xây dựng NTM, cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân TP đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai, đưa phong trào phát triển sâu rộng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn thành phố Cảng.
Thời gian tiếp theo, để đạt được những mục tiêu nói trên, Hải Phòng tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu, huyện NTM, tổ chức sản xuất theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sản xuất. Triển khai tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm, gắn xây dựng NTM với xây dựng, sản xuất nông lâm thủy sản, tạo ra sản phẩm sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tăng cường liên kết tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, cần chú trọng tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch NTM phù hợp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa của địa phương. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ sở ở nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp, hình thành các vùng quê đáng sống đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.