UBND quận Ô Môn, TP Cần Thơ vừa ban hành hai Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí theo Nghị định 02/2011 (Quyết định số 8940 và 8941) đối với cá nhân là ông Nguyễn Thanh Tài, ngụ tại phường Trường Lạc và bà Trần Thị Kim Sang, ngụ tại phường Châu Văn Liêm.
Theo quyết định mỗi cá nhân bị xử phạt 25 triệu đồng về hành vi cố ý làm hư hỏng phương tiện hoạt động báo chí của nhà báo và thu giữ trái phép phương tiện hoạt động báo chí của nhà báo.
Trước đó do có hành vi cản trở phóng viên báo Cần Thơ đang tác nghiệp, hai người này đã có những việc làm manh động làm hư hỏng dữ liệu và máy ảnh của phóng viên. Sự việc sau đó được công an quận Ô Môn thụ lý, dự định khởi tố hình sự nhưng sau đó chuyển sang UBND quận xử lý hành chính.
Có lẽ đây là những quyết định hiếm hoi của cấp chính quyền ở địa phương áp dụng theo Điều 6 Nghị định 02/2011 (với mức phạt lên cao nhất tới 30 triệu đồng cho các hành vi cản trở, hành hung, đe dọa nhà báo đang tác nghiệp).
Hiếm hoi vì gần như trên cả nước, kể cả Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành văn minh khác việc cản trở, đe dọa, thậm chí hành hung nhà báo liên tục diễn ra nhưng chưa nơi nào xử phạt các đối tượng này theo chế tài xử lý hành chính trong lĩnh vực báo chí, ngoại trừ Đăk Lăk xử phạt được một trường hợp với mức 5 triệu đồng hồi đầu năm. Ngay cả vụ hai nhà báo VOV bị đánh ở Hưng Yên vừa qua, nhóm đối tượng thủ phạm cũng chỉ bị phạt đến mức 1,5 triệu đồng theo chế tài gây rối trật tự công cộng!
Sở dĩ nhắc lại việc này là vì mặc dù Nghị định 02/2011 được ban hành gần 2 năm nhưng hầu như chỉ sử dụng đến các điều khoản phạt… nhà báo và cơ quan báo chí. Các đối tượng khác xâm phạm hoạt động báo chí, có lúc ở mức thô bạo, không bị xử lý hoặc được ưu ái áp dụng quy định khác với chế tài “nhẹ hều” so với hậu quả của họ gây ra khiến cho báo giới bức xúc.
Đặc biệt là hiện tượng quan chức nhà nước né tránh cung cấp thông tin, là loại hành vi cản trở phổ biến nhất bị chế tài theo Điều 8 Nghị định 02 (với mức phạt cao nhất đến 3 triệu đồng), cũng chưa bao giờ được thực hiện.
Nhà báo bị cản trở thì 76% người dân cho rằng thiệt hại thuộc về xã hội - đó là kết quả một nghiên cứu mới công bố. Vì thế trước hai quyết định “hiếm hoi” trên cũng nên cổ vũ cho Cần Thơ!