| Hotline: 0983.970.780

Hạn chế khâu trung gian trong tiêu thụ nông sản

Thứ Ba 08/03/2022 , 15:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Qua nhiều khâu trung gian trong sản xuất, tiêu thụ dẫn đến giá cả nông sản tại nơi sản xuất bị đội giá lên nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng.

Các sản phẩm nông nghiệp bị đội giá lên nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng cơ bản do trải qua quá nhiều khâu trung gian. Đinh Mười.

Các sản phẩm nông nghiệp bị đội giá lên nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng cơ bản do trải qua quá nhiều khâu trung gian. Đinh Mười.

Những năm qua, các cơ quan chuyên môn của Sở NN-PTNT Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực để giúp người dân gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định.

Đơn cử như việc tích tụ ruộng đất, mở rộng các mô hình liên kết hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp, qua đó, phần nào đã góp phần thúc đẩy các mặt hàng chủ lực, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các HTX và nông dân trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Dù vậy, hiện tại, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế so với tiềm năng, lợi thế, số lượng còn ít, chủ yếu là vừa và nhỏ, nguồn lực thấp, còn các hợp tác xã chuyển đổi hoặc thành lập mới hoạt động hiệu quả không nhiều, việc ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm ít.

Các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nông sản, cơ bản chưa phát huy vai trò là đầu mối, điều phối, dịch vụ sản xuất, khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cho nông, ngư dân.

Mặt khác, chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản nhiều, nhưng chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để thu hút đầu tư vào sản xuất quy mô lớn.

Có những mặt hàng nông sản, tại đồng ruộng rẻ như cho nhưng qua nhiều công đoạn, khi đến các chợ dân sinh thì giá cả đã tăng lên gấp cả chục lần. Ảnh: Đinh Mười.

Có những mặt hàng nông sản, tại đồng ruộng rẻ như cho nhưng qua nhiều công đoạn, khi đến các chợ dân sinh thì giá cả đã tăng lên gấp cả chục lần. Ảnh: Đinh Mười.

Do đó, về cơ bản lượng lớn hàng hóa, nông sản của nông dân sản xuất ra, để đến tay người tiêu dùng thường phải trải qua rất nhiều khâu trung gian, việc này đồng nghĩa với giá thành sản phẩm được thổi lên cao so với giá thực tế tại đồng ruộng.

Anh Phạm Văn Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm thủy sản Nam Việt cho biết, đã tham gia trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm, nông sản trên địa bàn TP Hải Phòng và một số tỉnh lân cận nhiều năm nay, nguyên nhân dẫn đến việc nông sản bị đội giá là do phải qua quá nhiều khâu trung gian và người tiêu dùng phải chịu các chi phí liên quan.

Để đưa nông sản từ cánh đồng đến bàn ăn, thường phải thông qua các khâu như: qua đầu buôn lớn tại nơi sản xuất, sau đó mới phân phối đi các đầu mối to ở các tỉnh, thành, từ đó mới chia cho các lái buôn nhỏ, từ đây lại bán cho các chợ, lúc đó mới đến tay người tiêu dùng

“Bây giờ, một phần do cước vận tải đi các tỉnh, thành rất lớn, do đó giá nông sản tại nơi tiêu thụ cuối cùng sẽ được cộng thêm cước vận tải, sẽ đội giá lên rất cao. Ví dụ như thanh long, có những năm tại vườn chỉ có 2-3 nghìn đồng/1 kg nhưng đến tay người tiêu dùng thì giá cả vẫn cao ngất ngưởng từ 15-20 nghìn đồng”, anh Quyên chia sẻ.

Cần những cánh đồng mẫu lớn với những doanh nghiệp, các cá nhân đủ năng lực tham gia sản xuất quy mô, đảm bảo được cả việc tối ưu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cần những cánh đồng mẫu lớn với những doanh nghiệp, các cá nhân đủ năng lực tham gia sản xuất quy mô, đảm bảo được cả việc tối ưu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cũng theo anh Quyên, để giải quyết được vấn đề này cần kết nối thẳng giữa người mua và người bán, phải cắt bớt được khâu trung gian, chỉ thông qua 1 đầu mối duy nhất để kết nối, không thông qua quá nhiều cầu như hiện nay.

“Cần tích tụ những diện tích đất bỏ hoang để cho những doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc những cá nhân có năng lực cải tạo, hình thành những cánh đồng sản xuất lớn và tổ chức sản xuất lại, vừa sản xuất vừa liên kết tiêu thụ nông sản. Qua đó mới giảm được chi phí sản xuất và hạn chế được các khâu trung gian không cần thiết”, anh Quyên bộc bạch.

Vấn đề này, ông Đỗ Đức Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân Hải Phòng cũng thừa nhận “trung gian là khâu yếu nhất trong liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay” khiến nông dân thiệt thòi.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thời gian tới cần tiếp tục làm tốt công tác giám sát, phản biện để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đồng bộ để tạo môi trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Mặt khác, cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất nông sản, thực phẩm đủ điều kiện ATTP, có truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Mặt khác, khuyến kích các tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực chế biến bảo quản nông sản, thực phẩm cũng như thường xuyên nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa của các địa phương, đặc biệt là các địa phương có khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các sản phẩm, hỗ trợ tổ chức tiêu thụ trên địa bàn.

Hiện nông sản của TP. Hải Phòng vẫn tiêu thụ nội địa là chính, tiêu thụ dưới dạng sản phẩm tươi thông qua thương lái và các chợ truyền thống, sản lượng cung ứng cho chế biến không đáng kể, một số ít sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như dưa hấu với sản lượng trung bình 300 - 500 tấn/năm.

Để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân, cơ quan chức năng TP. Hải Phòng đã và đang rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.