Chắt chiu từng giọt nước ở những dòng suối trơ đáy dùng làm nước uống, nước sinh hoạt, nước tưới... đang là nỗ lực cuối cùng của người dân nơi đây.
Lúa cháy
Qua khỏi con đèo Ayun ngoằn ngoèo dựng đứng, đã là lòng chảo thuộc xã Ayun. Ở đây, những ngày này là hầm hập nóng: Cái nóng hắt lên từ những cánh rừng khộp chỉ còn trơ trọi đá với đá. Cái nóng còn hắt lên từ những doi cát lóa mắt dưới những lòng suối cạn trơ...
Theo Chủ tịch xã Phạm Ngọc Thanh, Ayun có 799 hộ, nhưng có đến 673 hộ nghèo, chiếm hơn 84,2%. Vậy mà năm nay, nắng hạn kéo dài và gay gắt, khiến nguồn nước ở các ao hồ, sông suối cạn kiệt, theo đó cây lúa trên ruộng, trên rẫy cũng cháy khô, không sống nổi. Người dân đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu ăn, cái đói đang rình rập ở mỗi nóc nhà của đồng bào BahNar, J'rai nơi đây.
Ngay dưới chân đèo Ayun, hai cánh đồng Tung Ke 1, Tung Ke 2 như một chảo lửa khổng lồ, những thửa ruộng khô khốc, nứt nẻ. Các cánh đồng làng Vơng, A Chép, H'Vắk 1 và H’Vắk 2 đang sản xuất vụ ĐX 2015-2016 nhưng nhiều ngày qua đã không còn một giọt nước để tưới.
Theo đó, cây lúa nơi đây cứ dần chuyển từ màu xanh sang màu vàng, rất nhiều diện tích đã bị khô cháy. Không ít thửa ruộng nơi đây, lúa bị cháy không thu hoạch được, bà con đành chua xót... lùa bò vào cho ăn lúa cháy!
Ruộng khô cháy
Chủ tịch xã Phạm Ngọc Thanh cho biết: Theo kế hoạch vụ ĐX 2015-2016, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn xã là 35 ha (30 ha lúa, 5 ha hoa màu). Tuy nhiên, trước cảnh báo về tình hình khô hạn kéo dài, hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng, xã đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác. Mặc dù diện tích gieo trồng vụ này của xã đã giảm xuống chỉ còn gần 20 ha, tuy nhiên vẫn không đủ nước tưới.
Khoát nửa vòng, ông Thanh chỉ về phía những thửa ruộng đã cháy vàng, chua xót: "Những diện tích lúa này của những hộ dân làng A Chép đang để cho bò vào ăn, không còn khả năng phục hồi được nữa.
Xã Ayun có 14 thôn làng với hơn 3.800 nhân khẩu nhưng đa phần đều tận dụng nguồn nước mưa và nước ở các dòng sông, con suối lân cận. Do mùa mưa năm nay kết thúc sớm nên chỉ mới bắt đầu vào mùa khô, nguồn nước ở đây đã vô cùng khan hiếm. Đào, khoan giếng thì không khả thi, nhiều người khoan cả trăm mét mà vẫn không có nước.
"Giải pháp trước mắt là vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, nạo vét kênh mương, tận dụng các nguồn nước để cứu những diện tích còn có khả năng sống sót. Về nước sinh hoạt thì chỉ trông chờ nguồn nước ở thượng nguồn khi người dân không tưới tiêu, cà phê thì tranh thủ lấy nước này sử dụng. “Mặc dù biết nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh, nhưng đâu còn cách nào khác”, ông Phạm Ngọc Thanh nói. |
Mà nếu có thì nước cũng không dùng được do nước nhiễm vôi rất nặng. Hiện tại chẳng còn giếng nào có nước, bà con chủ yếu sử dụng nước sông, suối nhưng không biết sẽ cầm cự được bao lâu bởi những dòng suối ở đây cũng đã trơ đáy”.
Vắt cát tìm nước
Không chỉ cây trồng không có nước để tưới, mà người dân Ayun cũng đang quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt. Nhiều sông, hồ và giếng đào của người dân bị cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Qua kiểm tra sơ bộ, có 11 công trình giọt nước tự chảy ở các làng đã ngừng chảy hơn 1 tháng nay, còn các giếng đều trong tình trạng... trơ đáy.
Làng H'Văk 1 có 41 hộ với 239 khẩu cũng đang quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt. K'puih Thức, trưởng làng H'Vắk 1 cho biết: “Mấy sào lúa nhà tôi bị chết cháy không còn cây nào. Nước sinh hoạt thì vô cùng khó khăn.
Tôi với một anh ở cạnh nhà bỏ ra gần 50 triệu đồng khoan giếng sâu gần trăm mét mà vẫn không dám uống, bởi nước ở đây nhiễm vôi rất nặng. Người còn không có nước uống thì lấy đâu ra nước cho cây lúa”.
Để minh chứng cho lời nói của mình, K'puih Thức lấy ra cái ấm nấu nước của gia đình anh: Phía trong lòng ấm, đoạn dưới bám một mảng vàng khè mà theo anh, đó là nước nhiễm vôi bám vào thành ấm.
Cách duy nhất để tìm nước uống ở đây, đó là bà con phải đi từ hai đến ba cây số ra suối, moi những cái hố nhỏ trong lòng cát, chắt từng giọt mang về để dùng. Chị Siu Glết (làng H’Vắk 2), nhà cách suối gần 3km, mỗi ngày 3 đến 4 lần, chị và người dân trong làng ra suối Ia Pếch, moi hố cát, lấy nước cho vào bầu cõng về dùng.
Người dân khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt
Nước từ những cái hố nhỏ này được lọc qua cát và đá, trong vắt. Tuy nhiên liệu có hợp về sinh. Mà thôi, có dùng cũng đã là tốt lắm rồi. “Chưa năm nào làng bị thiếu nước sinh hoạt như năm nay, sắp tới không biết lấy đâu ra nước để dùng”, chị Glết thở dài.
Tương tự, người dân làng Chép cũng trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Không những nhiều diện tích lúa của người dân trong làng bị chết cháy, mà họ đang phải chắt chiu từng giọt nước ở những dòng suối đã trơ đáy. Bò, lợn cũng không có nước để uống, chúng chui rúc trong những bụi cây cuối cùng, tìm chút bóng mát, phì phò thở.
Chủ tịch UBND xã Ayun Phạm Ngọc Thanh cho biết, trước đây Trung tâm Nước sinh hoạt - VSMT tỉnh Gia Lai đã làm nhiều công trình nước tự chảy, lấy nước từ đầu nguồn suối Ia Pếch. Mùa mưa thì nước về nhiều lắm, nhưng mùa này là mùa tưới cà phê, tiêu ở vùng đầu nguồn nên không có nước về đến đây. Nếu có thì cũng không dám dùng vì trên đó bón phân, thuốc trừ sâu, nhiều lúc bà con nhặt được những vỏ chai thuốc trừ sâu trôi về cuối nguồn.