| Hotline: 0983.970.780

Hạn, mặn bất thường

Thứ Tư 17/02/2016 , 08:35 (GMT+7)

Hạn, mặn ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã diễn ra từ nhiều năm qua, nhưng đầu năm nay đã lấn sâu vào nội đồng là điều bất thường. 

Đó là nhận định chung của hầu hết nông dân mà chúng tôi gặp.

"Gõ cửa" quá sớm

Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, là vùng trọng điểm sản xuất cây ăn trái nổi tiếng ở nam sông Hậu, tiếp giáp với TP Cần Thơ và cách cửa biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hơn 70km.

Thế nhưng, từ 28 tết đến nay nhiều vườn cây ăn trái của huyện này đã bị nước mặn xâm lấn, có nơi lên tới 3%o, nguy cơ gây ảnh hưởng đến vuờn cây ngày càng lớn.

Lão nông 75 tuổi Nguyễn Văn Thum ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành cho biết: “Gia đình tui đã bao đời sống ở vùng đất này nhưng mấy chục năm qua chưa nhưng bao giờ thấy nước mặn xâm nhập đến các con kênh ở Mái Dầm, Phú Hữu, Phú Tân…

Vì vùng này được nước ngọt từ dòng sông Hậu đổ về, bồi đấp phù sa, giúp cây sinh tốt cho ra trái thơm ngon nổi tiếng cả ĐBSCL. Vậy mà mới đầu năm nước sông đã lờ lợ, không dám bơm vào tưới cây, không biết khi vào giữa mùa hạn mặn còn lên cỡ nào nữa”.

Để bảo vệ 5 công cam và 2 công bưởi vừa thu hoạch trái bán vụ Tết xong, ông Thum phải túc trực đắp các cống đập ra vào vườn để để phòng những con nước lớn, sợ nước mặn xâm nhập vườn cây ăn trái. 

Tương tự, hộ ông Lê Văn Tâm ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, gần 2 tuần nay lúc nào cũng lo lắng sốt vó khi nguồn nước ở tuyến kênh trước nhà lúc nào cũng lơ lớ mặn không dám bơm vào vườn cây, xuống tắm người rất khó chịu, vì mình lúc nào cũng rít rít.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết, hàng chục năm nay chưa có khi nào nước mặn lại xâm nhập vào vùng đất phù sa quanh năm nước ngọt và đặc biệt mặn lại đến sớm như năm nay khiến ngành nông nghiệp không kịp đối phó. Để ngăn chặn xâm nhập mặn nhất thời, toàn huyện có 501 cống đập ngăn lũ đã cho đóng cửa để bảo vệ gần 10.000 ha vườn cây ăn trái cho nông dân.

Theo ông Hành, đợt xâm nhập mặn năm nay khá gay gắt, có thể lấn sâu vào địa phận TP Cần Thơ, đây là điều bất ngờ lớn đối với người dân. Để nắm bắt thông tin về hạn, mặn, anh Phan Văn Tài ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) lúc nào cũng kè kè chiếc radio bên mình để nghe thông tin về thời tiết, khuyến cáo của ngành chức năng.

Anh Tài có 96 công cam sành được 2 năm tuổi. Sáng 16/2 anh lo lắng điện thoại cho các chuyên gia ngành nông nghiệp hỏi thăm về tình hình nước mặn xâm nhập và tìm biện pháp khắc phục để bảo vệ vườn cây vì đã đổ hàng tỷ đồng đầu tư.

PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời cho biết, năm nay mặn đến quá sớm, hầu hết các huyện trong tỉnh đều bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Trước mắt, han, mặn chưa gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhưng nếu kéo dài thiệt hại xảy ra sẽ rất lớn.

Tại Cà Mau, hạn, mạn không chỉ gây thiệt hại cho vùng lúa - tôm mà còn xâm nhập sâu cả vào những vùng ngọt hoá. Đã nhiều năm canh tác lúa tại vùng quy hoạch ngọt hóa giáp biển Tây tại xã Khánh Hải, ông Lê Văn Thương thở dài nói rằng: “Năm nay mưa ngừng sớm, nước trên kênh rạch đã cạn hơn tháng nay, năng xuất lúa thu hoạch không bằng 70% so với năm rồi”.

Cụ thể, gia đình ông Thương vừa thu hoạch lúa vụ 2 vào mùng 3 Tết, năng suất lúa chỉ được hơn 20 giạ/công, trong khi năm rồi được hơn 35 gia. Không chỉ gia đình ông Thương mà hàng ngàn hộ dân canh tác lúa hai vụ tại vùng ngọt hóa thuộc các xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), xã Khánh Hội, Khánh Tiến… (huyện U Minh) cũng trong cảnh thất bát mùa màng do hạn đến sớm, mặn xâm nhập sâu.

Bà Tư Thanh (ngụ xã Khánh Tiến) ngắt mấy bông lúa nhẹ sọp trong ruộng lúa bạc màu do chín háp đặt trên tay, buồn rầu nói với chúng tôi: “Lúa trổ đòng xong thì nước trong ruộng đã cạn dần, nước sông thì mặn chát chúng tôi không dám bơm vào nên lúa không thể vô mẩy được. Hạt lép xẹp thế này thì lấy đâu ra năng suất cao”.

Số liệu thống kê của huyện U Minh cho thấy, trên tổng số khoảng 29.000 ha đất SX lúa 2 vụ và lúa tôm của huyện, có đến gần 11.000 ha bị thiệt hại và ảnh hưởng do xâm nhập mặn.

Trong đó, 5.011 ha lúa vụ 2 bị thiệt hại, còn lại là lúa tôm. Huyện Trần Văn Thời cũng có khoảng 10.000/28.300 ha đất trồng lúa 2 vụ bị ảnh hưởng đến năng suất. Cụ thể, diện tích bị thiệt hại trên 70 % hơn 900 ha, có 2.500 ha lúa bị thiệt hại trong khoảng 30 - 70%, phần diện tích còn lại thiệt hại dưới mức 30%.

Giải pháp tình thế

Theo ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), vùng này làm lúa 2 vụ/năm nhưng chủ yếu là dựa hoàn toàn vào nước trời nên thời tiết không thuận lợi là rất khó.

Vụ mùa vừa qua, nhận cảnh báo hạn mặn sẽ diễn biến khắc nghiệt, huyện đã thông báo bà con phải xuống giống sớm nhằm thu hoạch tránh hạn nhưng vẫn không thoát được cảnh lúa bị thiệt hại. Nếu tỉnh triển khai được kế hoạt xây dựng hồ chứa nước ngọt ngay giữa vùng ngọt hóa của mình theo kế hoạch, sẽ phần nào khắc phục được khó khăn trên.

Ông Nguyễn Văn Tranh, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau đánh giá, tình hình hạn mặn năm nay còn diễn biến khá gay gắt, không chỉ xâm nhập đến tháng 5, tháng 6 mà còn kéo dài đến hết năm. Giải pháp trước mắt là cần tăng cường kiểm soát các cống, đê, đập để hạn chế xâm nhập mặn; lên kế hoạch nạo vét các kênh mương, bố trí lịch thời vụ hợp lý đảm bảo phát triển SX; đặc biệt cần tăng cường phòng chống sạt lở ven biển, trách để biển lấn sâu vào đất liền…

Còn tại tỉnh Hậu Giang, trước tình hình hạn, mặn diễn ra gay gắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương sớm triển khai các biện pháp phòng, chống. Theo nhận định, toàn tỉnh sẽ có khoảng 28.000 - 34.000 ha vụ ĐX và HT bị ảnh hưởng hạn, mặn ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, TX Ngã Bảy, một phần của huyện Vị Thủy và TX Long Mỹ.

Vùng có khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt cho người dân chủ yếu ở TP Vị Thanh, TX Long Mỹ và huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và một phần của huyện Vị Thủy. Tỉnh này cũng lên kế hoạch dự trù nguồn kinh phí phòng chống hạn, mặn khoảng 82 tỷ đồng, chủ yếu vẫn là triển khai các giải pháp tình thế.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, các địa phương khu vực ĐBSCL cần phải tích trữ khi xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh, rạch; thực hiện quyết liệt hành động chống hạn như khai thông dòng chảy, xây dựng ao hồ chứa nước ngọt... Đặc biệt, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý.

Ở một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn nước ngọt cần phải xem xét lựa chọn loại cây trồng chịu hạn, ít sử dụng nước.

Tuy nhiên về lâu dài, các địa phương cần có chiến lược cấp nước ngọt để người dân sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, trong đó đặc biệt chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và các trạm bơm hỗ trợ các hệ thống ngọt hóa.

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.