| Hotline: 0983.970.780

Hạn mặn đe dọa 1 triệu ha lúa ĐBSCL

Thứ Tư 03/02/2021 , 15:18 (GMT+7)

Xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 vùng ĐBSCL dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ tháng 1/2021.

Thủy điện Trung Quốc giảm xả, nước về sông Cửu Long tụt mạnh

Trong ngày 2 và 3/2, Đoàn công tác liên ngành của Bộ NN-PTNT do ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác khảo sát tình hình ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn bảo vệ cây trồng tại các tỉnh ĐBSCL.

Hầu hết các trà lúa đông xuân ở ĐBSCL hiện đã vượt qua giai đoạn bị sự đe doạ của hạn, xâm nhập mặn, đang trong giai đoạn đòng trổ và chín. Tuy nhiên, không thể chủ quan với diễn biến hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021.

Đoàn công tác kiểm tra lúa đông xuân tại Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác kiểm tra lúa đông xuân tại Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Theo nhận định, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 vùng ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn có xu thế gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ tháng 1/2021.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và 3/2021. Nguyên nhân do hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) đã giảm xả nước xuống hạ lưu (để bảo trì lưới điện), lưu lượng giảm gần 50%, hiện chỉ còn  khoảng 1.000 m3/s và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Việc giảm lưu lượng nước ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, tác động rõ nhất trong tháng 2/2021. Trong đó có đợt cao điểm từ ngày 8 - 16/2, trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, rất dễ gây thiệt hại lớn đến sản xuất do người dân thường lơ là, không chăm sóc kỹ đồng ruộng.

Tại Long An, dự báo từ ngày 11 - 15/02/2021, ranh mặn 4 gam/lít trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có khả năng xâm nhập sâu cách cửa biển 53 – 60 km sẽ làm khoảng trên 4.000 ha lúa, chanh và thanh long tại bảy địa phương bị ảnh hưởng gồm: TP Tân An, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hào, Cần Đước và Cần Giuộc.

Trước tình hình này, Sở NN – PTNT Long An đã triển khai nhiều giải pháp công trình, phi công trình, lắp đặt hai trạm bơm điện, tuyên truyền vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết: Sau hạn mặn 2019 – 2020, với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng cũng như Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT Long An đã tham mưu sớm cho UBND tỉnh công tác phòng chống hạn, mặn từ tháng 9/2020.

Về thời vụ, Long An đã gieo sạ sớm hơn hàng năm và có chỉ đạo vùng phía nam không gieo xạ tháng 11/2020. Năm nay, người dân đã có rất nhiều ý thức và đã có chuyển vụ.

Tuy nhiên với giá lúa cao nên các huyện vùng hạ, trong đó có Tân Trụ, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc có khoảng 3.000 ha sản xuất vụ thu đông (lúa vụ 3) muộn, vụ đông xuân 2020 - 2021 gieo muộn hơn một tháng nên đây là vùng có nguy cơ ảnh hưởng mặn.

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt kiểm tra độ mặn tại cống Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ). Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt kiểm tra độ mặn tại cống Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ). Ảnh: Minh Đảm.

Không lơ là dịp Tết

Tại Kiên Giang, theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN-PTNT, trong tháng 2/2021, có hai thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn nhất, đó là từ ngày 8-16/2 (trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán) và từ 24-28/2, thời điểm rằm tháng giêng. Theo dự báo, độ mặn 4 g/l xâm nhập sâu trên sông Cái Lớn từ 50-55 km (vượt khỏi địa giới tỉnh Kiên Giang, qua tới tỉnh Hậu Giang), ở mức tương đương cùng kỳ năm 2016.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống hạn, mặn, được dự báo xảy ra cao điểm trong tháng 2/2021.

Ngay từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã cho vận hành hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây (55 cống), vùng U Minh Thượng (17 cống) và dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No (35 cống) để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh.

Đồng thời, triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Tổng số đập đã thực hiện là 133 đập, trong đó có một đập bằng cừ Larsen T3 - Hòa Điền, trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên, được giữ lại từ mùa khô năm 2019 - 2020 và 132 đấp đất, ở các huyện Châu Thành, An Minh, An Biên, Kiên Lương và Gò Quao.

Theo ông Toàn, vụ lúa đông xuân 2020 - 2021, tỉnh Kiên Giang gieo trồng hơn 284 ngàn ha, đến nay nông dân mới thu hoạch được trên 4 ngàn ha. Diện tích còn lại dự kiến vùng U Minh Thượng sẽ thu hoạch dứt điểm vào khoảng đầu tháng 2/2021, vùng Tây sông Hậu vào khoảng giữa tháng 3/2021 và Tứ giác Long Xuyên là cuối tháng 3/2021.

Vì vậy, cần có các giải pháp bảo vệ hiệu quả, cả về dịch bệnh cũng như khô hạn, nhất dịp nghỉ Tết Tân Sửu 2021, người dân thường lơ là, ít quan tâm chăm sóc đồng ruộng.

Vận hành cống ngăn mặn Kênh Nhánh. Ảnh: Trung Chánh.

Vận hành cống ngăn mặn Kênh Nhánh. Ảnh: Trung Chánh.

Tại tỉnh Hậu Giang, ngành nông nghiệp đã cho triển khai nhanh xây dựng thêm các trạm đo mặn tự động trên địa bàn để cung cấp đầy đủ thông tin độ mặn cho người dân ứng phó có hiệu quả, giảm bớt thiệt hại.

Chi cục Thủy lợi triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn sát hợp với tình hình thực tế trước trong và sau Tết. Theo dõi chặt chẽ độ mặn tại các cửa sông chính để kiểm soát mặn xâm nhập từ biển Đông và biển Tây vào địa bàn tỉnh. Thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, khô hạn, xâm nhập mặn tới người dân nhằm nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Đến thời điểm này, hầu hết các trà lúa ĐBSCL đã vượt được sự đe doạ của hạn, xâm nhập mặn. Nếu tình hình mặn diễn ra gay gắt hơn năm trước, vẫn có thể tránh được ảnh hưởng.

Đối với tình hình dịch hại trên cây lúa, thời điểm này chưa xảy ra sự cố lớn. Như vậy, ước sản lượng lúa vụ đông xuân 2020-2021 sẽ tăng hơn so với cùng kỳ năm trước và lượng gạo hàng hoá dành cho xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo.

Hạn mặn diễn biến khó lường

Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2020-2021, ĐBSCL đã xuống giống trên 1,5 triệu ha. Đến cuối tháng 1/2021, các vùng đã nhiễm mặn (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng) đã chủ động xuống giống sớm và đã thu hoạch hơn 200.000 ha. Trong tháng 2/2021, sẽ tiếp tục thu hoạch 400.000 ha và trong tháng 3/2021 sẽ thu hoạch dứt điểm.

Như vậy, việc các địa phương tổ chức sản xuất tập trung để tránh xâm nhậm mặn, đồng thời tập trung xuống xuống để phân bố sản lượng lúa cho thị trường trong nước và xuất khẩu đã cho kết quả rất tốt.

Đoàn công tác kiểm tra tình hình ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn trên vườn cây ăn trái. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác kiểm tra tình hình ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn trên vườn cây ăn trái. Ảnh: Minh Đảm.

Qua kiểm tra thực tế, các trà lúa đông xuân (trong đó có diện tích chuẩn bị thu hoạch trong tháng 2/2021) đều đang phát triển rất tốt, nước trên đồng đầy đủ, lúa sinh trưởng tốt, đảm bảo được năng suất và chất lượng gạo.

Tuy nhiên hiện tại, vẫn còn một đợt mặn gay gắt từ ngày 8 - 2 đến 16 - 2 (tức 25 tháng chạp đến mùng 5 Tết Tân Sửu) sẽ có khả năng làm khoảng một triệu ha lúa ĐBSCL thuộc các tỉnh vùng sông Tiền và Sông Hậu có nguy cơ thiếu nước. Trong đó, có khoảng 400 ngàn ha lúa ở giai đoạn đồng trổ, khoảng 600 ngàn ha ở giai đoạn đẻ nhánh.

Mặc dù vậy, nếu các địa phương chủ động được phương án tích nước một cách đầy đủ trong các kênh mương thủy lợi cũng như đưa nước lên đồng khi lượng nước về ĐBSCL thấp, vẫn có thể qua được khi tình hình khô hạn xẩy ra. 

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các địa phương vùng ngọt như Cần Thơ, Đồng Tháp… cần quan tâm, không chủ quan về tình xâm nhập mặn. Bởi năm nay, mặn có đặc điểm thay đổi biên độ bất thường, dao động khó lường.

Chủ động bảo vệ cây ăn trái

Tại Tiền Giang, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Tình hình xâm nhập mặn năm nay trễ hơn mùa khô 2015 - 2016 khảng 20 ngày và trễ hơn mùa khô 2019 - 2020 45 ngày.

Ông Võ Văn Men (phải), Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Kiên Giang kiểm tra ẩm độ gốc sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Võ Văn Men (phải), Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Kiên Giang kiểm tra ẩm độ gốc sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Tuần qua, độ mặn trên sông Tiền và kênh Chợ Gạo tăng cao do ảnh hưởng của triều cường và gió chướng mạnh. Độ mặn 2g/l trên sông Tiền đã vượt khỏi vườn hoa Lạc Hồng (TP Mỹ Tho). Độ mặn xấp xỉ 0,3g/l đã xâm nhập sâu nội đồng 55km.

Vụ đông xuân năm nay, Tiền Giang xuống giống gần 50,7 nghìn ha, đạt trên 98% kế hoạch. Hiện tại, trà lúa đông xuân của tỉnh đang ở gia đoạn đòng trổ và ngả chín, giai đoạn đẻ nhánh rất ít. Thực hiện cắt vụ thu đông, Tiền Giang đã đẩy sớm lịch thời vụ, nhờ vậy trà lúa của tỉnh an toàn trước hạn mặn và nguy cơ thiếu nước.

Tuy nhiên đối với cây ăn trái, theo đánh giá chung của tỉnh thì vẫn còn trên 36,6 nghìn ha có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Ông Võ Văn Men khuyến cáo: Từ nay đến Tết Nguyên đán, nông dân trồng sầu riêng cần thường xuyên theo dõi về tình hình độ mặn, để ngăn mặn cũng như lấy nước ngọt kịp thời. Bà con nên trữ nước ngọt tối đa, giữ cỏ trữ ẩm cho cây bằng rơm rạ, cỏ mục..., dưới mương vườn phải có nước không được để khô nứt nẻ.

  • Tags:
Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.