Thắng lợi kép trong thiên tai, dịch bệnh
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2020, Nam bộ gieo sạ lúa ước đạt trên 4,3 triệu ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 25,8 triệu tấn, tăng 134.000 tấn so với cùng kỳ.
Trong đó, vùng ĐBSCL gieo sạ trên 4 triệu ha, đóng góp vào sản lượng chung gần 24,5 triệu tấn. Mặc dù diện tích gieo trồng toàn vùng giảm gần 28.000ha, nhưng nhờ năng suất trung bình tăng 0,76 tạ/ha, nên sản lượng tăng thêm 140.000 tấn so với năm 2019.
Cụ thể, vùng ĐBSCL đã giảm gieo sạ trên 58.000ha lúa trong vụ đông xuân 2019-2020. Diện tích giảm do ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn nên phần lớn diện tích lúa được chuyển đổi sang trồng cây hằng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản có nhu cầu nước tưới ít hơn và hiệu quả kinh tế chuyển đổi cao hơn so với trồng lúa.
Ngược lại, vụ lúa thu đông 2020 lịch gieo sạ được kéo dài, diện tích tăng mạnh, nhờ lợi thế về nguồn nước và giá cả tiêu thụ. Diện tích lúa thu đông toàn vùng lên tới trên 800.000ha, tăng 76.000ha, sản lượng đạt 4,4 triệu tấn, tăng 429.000 tấn so thu đông 2019.
“Diện tích lúa thu đông 2020 tăng chủ yếu ở các tỉnh vùng thượng nguồn do năm nay lũ về muộn, lũ nhỏ và giá bán lúa thương phẩm cao. Những tỉnh có điều kiện mở rộng diện tích thu đông thuận lợi như: Tiền Giang tăng trên 28.000ha, An Giang 14.000ha, Kiên Giang 11.000ha, Sóc Trăng 9.000ha, Cần Thơ 5.000ha và Hậu Giang 1.000ha”, ông Lê Thanh Tùng cho biết.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năm 2020 việc tổ chức triển khai kế hoạch sản xuất các vụ lúa trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, bất lợi về thời tiết và dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ bố trí lịch thời vụ sản xuất linh hoạt, hợp lý ở các tiều vùng sinh thái nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện trong chỉ đạo sản xuất, phòng chống hạn mặn hiệu quả.
Công tác khuyến nông trong trong sản xuất lúa được triển khai có hiệu quả, với các chương trình, dự án, như: mô hình canh tác lúa tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Dự án Cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với với biến đổi khí khậu. Đẩy mạnh phong trào giảm lượng giống gieo sạ…
“Kiên Giang đã có một năm sản xuất lúa gặt hái thắng lợi trên cả ba mặt: diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng đều tăng. Tổng diện tích gieo trồng đạt gần 726.000ha, tăng 2,23% so kế hoạch, năng suất bình quân đạt 6,23 tấn/ha, sản lượng thu hoạch trên 4,5 triệu tấn, tăng gần 5% so với kế hoạch cũng như cùng kỳ năm 2019. Đây là năm tỉnh đạt sản lượng lúa cao nhất trong nhiều năm trở lại đây”, ông Toàn đánh giá.
Chuyển đổi nâng cao hiệu quả sản xuất
Theo Cục Trồng trọt, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2020 của Nam bộ đạt trên 88.000ha, trong đó riêng vùng ĐBSCL chuyển đổi hơn 68.000ha. Chủ yếu là chuyển đổi qua cây hàng năm (gần 63.000ha), còn lại là cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản.
Việc chuyển đổi này không đơn thuần là đáp ứng theo nhu cầu thị trường, cho thu nhập tốt hơn mà cái chính là sản xuất “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong nhiều trường hợp thời tiết bất lợi nếu tiếp tục làm lúa sẽ không hiệu quả, thậm chí là thiệt hại, thất mùa.
Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tăng cao nhất là chuyển đổi từ đất lúa qua trồng cây lâu năm, doanh thu ước đạt hơn 600 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 200 triệu mỗi ha. Trồng cây hàng năm ước tính đạt khoảng 180 triệu đồng/ha, lợi nhuận là trên 110 triệu đồng mỗi ha. Nuôi trồng thủy sản lợi nhuận thu được trên 1 ha ước đạt khoảng trên 40 và lợi nhuận tăng thêm so với trồng lúa là 13 triệu/ha.
Ông Lê Hữu Toàn cho biết, từ năm 2017 cho đến nay, tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn chuyển đổi gần 25.000ha, chủ yếu là từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang đã chuyển đổi nhiều diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa, trồng mía cho thu nhập thấp sang phát triển cây ăn quả.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 42.000ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 15% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, diện tích còn lại sản xuất theo hướng an toàn.
Thời gian qua, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã gây rất nhiều khó cho nhà vườn, thậm chí là thiệt hại nặng gây mất mùa, chết cây. Tuy nhiên, nhiều nơi nông dân cũng đã có các giải pháp thích ứng khá hiệu quả, như chủ động tích nước ngọt, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, phủ gốc chống thất thoát hơi nước.
Đặc biệt là phát triển các vườn mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát vừa tăng tính chống chịu hạn, mặn, vừa tăng hiệu quả kinh tế cho nhà vườn.
Theo TS Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, để phát triển nghề vườn thì chọn tạo giống là công tác chiến lược, lâu dài, nhất là phát triển các dòng giống lai mới, có những đặc tính ưu việt hơn bố mẹ. Biện pháp canh tác, cần tạo mương vườn lớn hơn để trữ nước, không xử lý cho cây ra hoa, ra trái vào mùa khô hạn, kết thúc mùa vụ sớm trước khi hạn, mặn xâm nhập, sử dụng một số loại cây gốc ghép có khả năng chịu mặn.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ thường xuyên, hạn hán, xâm nhập mặn những năm gần đây gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất cây ăn quả trong vùng. Vì vậy, cần có những giải pháp căn cơ cả công trình và biện pháp kỹ thuật để phát triển bền vững, hiệu quả hơn.
Nhìn chung, hiện cơ cấu sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL đang chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, cây ăn quả và giảm lúa, nhằm “thuận theo tự nhiên” và theo đúng với tinh thuần Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.
PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, cả nước hiện có trên 1 triệu ha cây ăn quả, trong đó riêng ĐBSCL chiếm khoảng 261.000ha. Sản lượng của khu vực ĐBSCL đạt gần 3,5 triệu tấn/năm, gồm: xoài, nhãn, chuối, bưởi, cam, sầu riêng, thanh long, khóm, chôm chôm… Sản xuất cây ăn quả khu vực ĐBSCL đang có một vị trí rất quan trọng trong nền nông nghiệp nước nhà về sản lượng và giá trị.
Biến đổi khí hậu gây mưa bão bất thường, nắng hạn gay gắt, xâm nhập mặn, buộc nhà nông ĐBSCL phải thay đổi phương thức canh tác, cơ cấu lại mùa vụ để thích ứng. Đồng thời, những diện tích trồng lúa có nguy cơ thiếu nước, nhất là vùng ven biển được khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước.
Vụ đông xuân 2020-2021, Cục Trồng trọt xây dựng kế hoạch và khuyến cáo xuống giống sớm từ tháng 10, sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng có nhiều khả năng bị thiệt hại do hạn mặn. Lúa thu hoạch vào tháng 1, 2 và 3 nằm trong thời kỳ khô ráo, nắng nhiều giúp cho lúa thương phẩm có chất lượng tốt, đồng thời việc tiêu thụ lúa hàng hóa của nông dân cũng thuận lợi hơn.