"Mở biển" tiếp tế gấp ngư dân
Tất cả thuyền viên trên 33 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trong đợt đầu tiên đã được xét nghiệm RT-PCR và có kết quả âm tính trước khi xuất bến. Đúng 14 giờ chiều 20/9, từ Cảng Đường thủy nội địa, phường 5, TP.Vũng Tàu, có 2 tàu dịch vụ gồm BV 97677 TS và BV 97477 TS đã được rời bến ra khơi trước mang theo dầu, nước đá, nước ngọt, gas và hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm để tiếp tế cho 284 tàu với 2.635 thuyền viên đang khai thác trên biển nhiều ngày qua chưa về bờ.
Trước khi các tàu xuất bến, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu đã kịp thời có mặt tại cửa biển để trao tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và quà cho 2 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vươn khơi. Theo ông Thảnh, từ ngày 25/8, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên UBND tỉnh BR-VT đã tạm dừng tất cả tàu cá xuất bến. Trước thời điểm này, TP.Vũng Tàu đã có 284 tàu ra khơi xa và duy trì công việc đánh bắt cho đến nay. Hiện các tàu cá cùng số ngư dân nói trên đang cạn kiệt nước ngọt, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu vì không được tàu dịch vụ hậu cần ra khơi tiếp tế. Do vậy, có những tàu đã phải “mượn” tạm hàng hóa thiết yếu của tàu khác để duy trì sự sống và bám trụ trên biển.
Khi tiếp nhận được thông tin phản ánh của các chủ tàu cá, TP.Vũng Tàu và Sở NN-PTNT đã nhanh chóng đề nghị UBND tỉnh BR-VT cho phép 72 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ra biển gấp để tiếp tế nhiên liệu, lương thực thực phẩm cho bà con ngư dân dang gặp khó giữa biển xa. Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Thọ đã thị sát thực tế tại một số cảng ở Vũng Tàu để thẩm định việc phòng chống dịch. Đồng thời, UBND tỉnh BR-VT đã đồng ý cho phép 72 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ra biển sớm để “tiếp sức” kịp thời cho ngư dân.
Chiều 20/9, chính quyền TP.Vũng Tàu cùng Đồn Biên phòng Bến Đá, Cảnh sát giao thông đường thủy đã tổ chức Lễ “mở biển” cho 33 tàu đủ điều kiện xuất bến. Trước khi nổ máy ra khơi, thuyền trưởng tàu BV 97677 TS Trương Quan Khánh chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi được chính quyền cho phép xuất bến, vì đã gần một tháng nay phải nằm bờ mà hàng ngày bạn ghe ngoài biển cứ gọi điện về kêu gọi tiếp tế lương thực, nước đá, dầu... nên sốt ruột lắm!”. Theo ông Khánh, tàu của ông đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho 8 tàu cá khác ngoài biển, ở vị trí cách bờ từ 60 - 120 hải lý đang cạn kiệt nguyên liệu, cần được tiếp tế để duy trì việc đánh bắt.
Tương tự, ông Võ Văn Nhơn (phường 5) cũng chia sẻ, gia đình ông có 10 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, đã hơn 3 tháng nay chưa được về. “Ngày nào bạn ghe cũng liên lạc qua bộ đàm mong mỏi được cung cấp nhiên liệu, nước đá và nhu yếu phẩm để “tiếp sức” kịp thời do đã gần cạn kiệt, mọi người trên tàu đang phải dùng tằn tiện từng ngày!”, ông Nhơn than thở.
Cả gia đình ông Nhơn đã trình bày lên chính quyền địa phương về tình trạng này và thấp thỏm chờ đợi sự chấp thuận, giúp bà con ngư dân bị kẹt ở biển có được lương thực, nhiên liệu kịp thời.
Bắt đầu mở cảng, cam kết thực hiện IUU trước khi xuất bến
Theo phương án bảo đảm an toàn cho tàu dịch vụ hậu cần thủy sản xuất bến trong điều kiện phòng, chống dịch Covid -19, các thuyền viên trên tàu đều phải tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (trong vòng 72 giờ).
Chủ tàu và thuyền trưởng phải thực hiện cam kết trong thời gian hoạt động trên biển không tiếp xúc với các tàu cá khác ngoài tàu đã đăng ký; không đưa tàu vào cảng mà địa phương đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Đồng thời, phải đăng ký đi chuyến biển ít nhất 14 ngày và cam kết thực hiện nghiêm túc về chống khai thác IUU.
Ngoài ra, thành phố khuyến khích các chủ tàu trang bị bộ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho thuyền viên khi hoạt động trên biển để phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có phương án xử lý kịp thời. Khi tàu cá cập cảng phải thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra, kiểm soát chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU và phải bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cảng cá theo quy định. Chủ tàu, thuyền trưởng chỉ được cử một người đi làm thủ tục cho tàu nhập cảng.
Tổ liên ngành kiểm soát Covid-19 nhanh chóng tổ chức cho thuyền trưởng, thuyền viên khai báo y tế và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Sau khi được xét nghiệm nhanh, các thuyền viên phải trở lại tàu cách ly hoặc cho về địa phương. Số lượng tàu bốc dỡ hải sản tại các cầu cảng chỉ được phép tối đa từ 2 đến 3 phương tiện (tùy theo điều kiện của từng cảng) có phân luồng, phân định cụ thể, bố trí lực lượng bốc dỡ hải sản theo từng tàu. Khi bốc dỡ thủy sản xong, tàu phải rời cầu cảng ra ngoài neo đậu, người thu mua, bốc dỡ thu dọn vật dụng cùng phương tiện cũng tuyệt đối không ở lại cảng.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Sở đã phối hợp các sở ngành khảo sát thực tế tại các cảng cá cho thấy, các cảng cá đủ điều kiện giải quyết cho 72 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản xuất bến đi biển tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho 284 tàu khai thác đang hoạt động trên biển. Tuy nhiên, trong số 72 tàu dịch vụ đã tiến hành cho đăng ký, những ngày đầu mới chỉ kịp test kiểm tra và chích ngừa xong cho thuyền viên 33 tàu để giải quyết xuống hàng xuất bến trước; những ngày tiếp theo sẽ giải quyết dần cho các tàu khác”.
Theo ông Cường, các địa phương đang từng bước khôi phục việc tàu thuyền đi biển đánh bắt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh BR-VT, địa bàn nào “xanh” đến đâu thì giải quyết đến đó.
“Để bảo đảm công tác phòng chống dịch, yêu cầu chủ tàu phải có dụng cụ thử Covid-19 trên biển nhằm có phương án ứng cứu kịp thời. Chủ tàu và thuyền viên phải ký cam kết các phương án phòng chống dịch và tuân thủ 5K trong quá trình làm việc trên biển. Chúng tôi cũng đã có phương án trình UBND tỉnh về việc tiếp tục cho tàu dịch vụ hậu cần thủy sản ra khơi, thời gian hoạt động của mỗi tàu dịch vụ từ 10 - 15 ngày. Hiện các chủ tàu còn lại cũng sẽ được tổ chức thẩm định trong thời gian tới", ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBDN TP.Vũng Tàu.