| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt vựa cua bị lừa tiền tỉ

Thứ Ba 06/11/2012 , 09:52 (GMT+7)

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đang ráo riết điều tra làm rõ vụ lừa đảo hàng loạt chủ vựa cua để chiếm đoạt số tiền lớn. Đối tượng lừa mua cua với giá cao để xuất sang Trung Quốc, tuy nhiên lại bán tháo ngay tại địa phương...

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đang ráo riết điều tra làm rõ vụ lừa đảo hàng loạt chủ vựa cua để chiếm đoạt số tiền lớn. Đối tượng lừa mua cua với giá cao để xuất sang Trung Quốc, tuy nhiên lại bán tháo ngay tại địa phương với giá rẻ bèo, khi hay tin thì đối tượng bỏ trốn.

Cơ quan CSĐT cho biết đang nhận được nhiều đơn của các chủ vựa cua tố giác họ bị một đối tượng lừa đảo mất tiền tỉ. Chị Lê Việt Triều, chủ vựa cua Trang Tùng, ấp 13, xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu) cho biết, giữa tháng 10/2012, ông Trương Văn Lập (chủ vựa cua gần nhà chị) cùng ông Tiến (không rõ họ, địa chỉ) sang chị đặt vấn đề là người chị của ông Tiến có vựa cua ở TP.HCM cần mua lượng lớn cua để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời đặt mua cua gạch với giá 250.000 đồng/kg, cao hơn giá bán cho các mối lái khác 20.000 đồng/kg.

Vốn là người mua bán lâu năm, chuyện tiền nong luôn rất kỹ lưỡng, nhưng chị Triều vẫn bị mắc lừa. Chị Triều nói: “Ông Tiến thuê đất rừng phòng hộ ven biển gần nhà chị để nuôi tôm gần nửa năm nay. Ông ta cất một cái chòi lá nhỏ, hàng ngày ở một mình. Bỗng dưng nay ăn mặc sang trọng, đi xe 7 chỗ ngồi, có người lái, giống thương gia thật. Dù hoài nghi nhưng do là chỗ quen biết với ông Lập, vả lại ông Tiến nói mua cua sẽ trả tiền trong ngày nên cả tin, cuối cùng bị lừa”.

Theo chị Triều, trong mấy ngày đầu ông Lập tổ chức thu mua cua của chị để giao cho ông Tiến. Mỗi ngày khoảng 500 - 600 kg cua gạch, tiền bạc thanh toán đầy đủ, sòng phẳng. Ngày 18/10, ông Tiến trực tiếp gọi điện thoại đến vựa của chị Triều, cho biết thương lái Trung Quốc cần mua cua với số lượng lớn. Đồng thời dặn chị Triều trực tiếp giao cho ông, không thông qua ông Lập nữa. Lần này, chị Triều gom hết các lái cua nhỏ được gần 800 kg cua, với số tiền khoảng 200 triệu đồng, nhưng chưa trả tiền.


Chị Triều và nhiều chủ vựa cua khác bị lừa đảo

Hôm sau, ông Tiến tiếp tục điện thoại căn dặn chị mua gấp đôi, sẽ thanh toán luôn cho cả hai ngày vì chưa nhận được tiền thương lái chuyển đủ. Lần này, chị Triều thông báo cho hàng chục lái cua nhỏ ở các huyện Hòa Bình, Đông Hải, TP Bạc Liêu… chạy vỏ lãi vô tận hộ dân gom được hơn 1 tấn cua. Cua tập hợp về vựa nhưng chờ hoài không thấy ông Tiến đến nhận hàng. Điện thoại thì tắt nguồn không liên lạc được, hỏi thăm thông tin từ các chủ vựa khác mới biết Tiến bị lật tẩy đã cao chạy xa bay. Cua chị Triều mua trong dân giá 230.000 đồng/kg, phải bán đổ bán tháo tại các chợ giá chỉ 130.000 đồng/kg vì sợ để lâu cua chết sẽ mất trắng, thiệt hại thêm gần 150 triệu đồng. Tổng cộng số tiền mà chị Triều bị lừa mất 350 triệu đồng.

Không chỉ chị Triều mà ông Lập cũng bị Tiến lừa hơn 600 triệu đồng. Ông Lập nói: “Ban đầu Tiến nhờ đặt mua cua từ các chủ vựa khác bán lại giá cao, có lời sẽ chia tiền. Tiến nuôi tôm gần nhà, ăn nói đàng hoàng nên rất tin tưởng”. Do đó, ông Lập cùng con trai thu mua cua trong dân giao cho Tiến 4 lần, hơn 3 tấn cua gạch, trị giá hơn 600 triệu đồng nhưng Tiến chưa trả đồng nào. Tiền chia đâu không thấy, chỉ thấy cha con ông Lập còn phải ôm nợ trong dân 180 triệu đồng tiền mua cua chưa trả. Đồng thời phải bỏ công ăn việc làm chạy khắp nơi tìm tên thương lái lừa bịp. Ngoài ra, còn có ông Huỳnh Văn Tuấn, một vựa cua ở thị trấn Hòa Bình, (huyện Hòa Bình) tố bị Tiến lừa đảo trên 123 triệu đồng…

Theo trình báo của các chủ vựa cua, sau khi Tiến gom được cua không xuất bán sang Trung Quốc mà thuê xe tải bán lại cho chủ vựa ở các chợ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời thuê nhà bà Trần Thị Hằng tại thị trấn Hòa Bình rồi mướn thêm 5 - 6 phụ nữ, với giá 300.000 đồng/ngày để cắt bỏ dây kiến (bằng nhựa) đã buộc trên thân cua theo đặt hàng của thương lái Trung Quốc rồi buộc lại bằng dây rừng (dây lác, dây chuối) để dễ bán ra trong dân. Tại đây, ông Tiến thông báo do thương lái Trung Quốc đột ngột “không ăn hàng” nên thuê người bán lại với giá rẻ để lấy lại ít vốn.

Trong khi những chủ vựa cua ở ven biển thuộc Vĩnh Hậu (Hòa Bình) bị lừa cho khóc ròng thì hầu hết hàng trăm hộ dân ở xóm nghèo thuộc thị trấn Hòa Bình được ăn sang cả tuần, họ ăn toàn cua gạch son đỏ chói, giá rẻ bèo. Ông Ngô Tú Quỳnh, ở cạnh nhà bà Hằng cho biết, chỉ trong 5 ngày ông Tiến chở nhiều xe cua gạch, mỗi con khoảng 500g, trọng lượng khoảng 6 tấn rồi tổ chức bán lẻ trong dân với giá rẻ chưa từng có, chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. “Chưa từng bỏ tiền để mua cua gạch ăn, nhưng do họ bán quá rẻ nên người dân ùn ùn kéo đến mua. Người 2 kg, người 5 kg, có người mua cả chục kg. Họ mua để ăn, làm quà tặng bà con ở xa. Ăn không hết, sợ cua chết không ngon nhiều người nghĩ kế đem về bỏ nguyên con vô tủ đông, người chặt cua ra xào cả chảo để dành ăn suốt cả tuần lễ đến phát ngán” - ông Quỳnh cho biết.

Theo bà con nơi đây, trong suốt nhiều ngày Tiến ngồi trên xe du lịch sang trọng trực tiếp chỉ đạo công nhân bán cua. Khi các chủ vựa cua hay tin thì Tiến kịp thời bỏ trốn. Theo điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT, đây là vụ lừa đảo trắng trợn, còn chiếc xe 7 chỗ sang trọng mà Tiến thường sử dụng để đi giao dịch chỉ là xe thuê.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm