Có thể khẳng định, năm 2021 là năm vô cùng khó khăn đối với người lao động Bắc Giang, việc làm bị mất, ngưng, thu nhập giảm sút, nhưng nhờ nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt của Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang, nhiều việc làm đã được kết nối đến người lao động.
Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, do vậy, lao dộng bị ảnh hưởng cũng lớn, nhưng nhu cầu sử dụng lao động của Bắc Giang cũng rất lớn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để duy trì hoạt động kết nối việc làm, hạn chế việc đi lại và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, người lao động, đồng thời bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm, cập nhật nhu cầu tuyển dụng qua các website, các trang mạng xã hội như: Fanpage Sàn giao dịch việc làm Bắc Giang, ứng dụng “Vieclambacgiang”…
Bên cạnh đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các địa bàn trong và ngoài tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động… Căn cứ nhu cầu tuyển dụng của từng doanh nghiệp, đơn vị, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang xây dựng mô hình liên kết với các cơ sở đào tạo nghề. Qua đó, giúp doanh nghiệp tuyển được nhân lực có trình độ, phù hợp với vị trí việc làm, giảm chi phí và thời gian đào tạo.
Tính đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang đã phối hợp tổ chức 76 phiên giao dịch việc làm; phối hợp với 98 doanh nghiệp thị trường trong nước và 09 doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu lao động; kiểm tra hồ sơ pháp lý, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc tuyển dụng lao động tại Trung tâm; tư vấn việc làm trong nước và xuất khẩu lao động cho trên 18.400 lao động thuộc các đối tượng có nhu cầu tìm hiểu về thông tin thị trường lao động đến giải quyết BHTN và các đối tượng có nhu cầu tìm kiếm việc làm;…
Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang coi việc giải quyết chính sách BHTN là một trong các nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ người lao động kịp thời lúc khó khăn. Theo đó, Trung tâm đã tăng cường hỗ trợ qua nhiều hình thức và kết nối hướng dẫn người lao động thông qua dịch vụ bưu chính công ích, điện thoại, Zalo, Email... giúp tiếp cận nhanh và kịp thời chính sách trợ cấp thất nghiệp.
Và, tính đến hết năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời cho 13.916 hồ sơ của người lao động, không hồ sơ nào quá hạn. Đây thực sự là một thắng lợi lớn đối với Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang.
Nắm bắt tinh thần của Chính phủ, của Bộ LĐ-TB&XH và của UBND tỉnh Bắc Giang, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang đã triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ quỹ BHTN một cách nhanh chóng, chính xác, đúng đối tượng.
Cụ thể, Trung tâm đã tiếp nhận 167 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó: 31 hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ trình Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã được phê duyệt, 127 bộ hồ sơ không đủ điều kiện hỗ trợ và 09 hồ sơ đang chờ xác minh, xác nhận của đơn vị theo quy định.
Đồng thời, Trung tâm còn phối hợp tuyên truyền chính sách BHTN và hỗ trợ người lao động trên loa, đài phát thanh tại các xã, phường, thị trấn và đăng tải trên trang website http://vieclambacgiang.vn; tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, địa bàn 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Qua đó, giúp người lao động tiếp cận, nắm bắt kịp thời chính sách BHTN và chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh để người lao động kịp thời liên hệ với Trung tâm để dược hướng dẫn giải quyết.
Để giải quyết bài toán đảm bảo việc làm, thu nhập, đảm bảo cuộc sống của người lao động hồi hương từ các tỉnh, thành phố của cả nước trở về, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động kết nối, chia sẻ thông tin về thị trường lao động cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, các địa phương, nhà máy, xí nghiệp... Qua đó, số lao động quay lại thị trường lao dộng tăng nhanh chóng.
Sau làn sóng dịch lần thứ 4, nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có hơn 7.100 doanh nghiệp hoạt động, trong đó nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại sau đại dịch, tạo việc làm cho khoảng 305.000 lao động. Riêng lao động tại khu công nghiệp là 192.000 người, tăng hơn trước đợt dịch 40.000 người. Điều này có được là có sự đóng góp quan trọng của Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang trong việc kết nối cung cầu lao động trên địa bàn Bắc Giang.
Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang:
Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến qua trang web, zalo, facebook và trực tiếp tại Trung tâm. Từ đó, Trung tâm đã hỗ trợ gần 3.000 lao động từ vùng dịch trở về có việc làm mới. Những huyện như Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên thu hút được nhiều lao động nhất. Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang cũng đã kết hợp với các huyện, thành phố kết nối được trên 1.300 lao động, hầu hết có nhu cầu tìm việc làm mới trong các khu công nghiệp. Không chỉ có vậy, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang còn phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ xét nghiệm Sars-CoV-2, kết nối để tiêm vaccine… cho người lao động để đảm bảo công tác phòng chống dịch, duy trì, ổn định sản xuất tại doanh nghiệp.