| Hotline: 0983.970.780

Hàng nghìn hecta vùng 'Xứ Đoài' mòn mỏi chờ nước gieo cấy vụ đông xuân

Thứ Năm 09/02/2023 , 16:47 (GMT+7)

HÀ NỘI - Nhiều công trình thủy lợi dọc sông Hồng tại TP Hà Nội không lấy được nước dù EVN đã vận hành tối đa các nhà máy thủy điện thượng nguồn để bổ sung nguồn nước.

Nhiều trạm bơm, cống lấy nước dọc sông Hồng... bị treo

Theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 8/2 (kết thúc Đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2022 – 2023 khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ), tổng diện tích đã lấy được nước tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ là 473.782ha trong tổng số 498.359ha gieo cấy, đạt 95,4% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Các tỉnh chưa hoàn thành 100% diện tích gồm Vĩnh Phúc (95%), Hải Dương (94%), Bắc Ninh (92%).

Mặc dù nỗ lực lắp đặt các trạm bơm dã chiến dọc sông Hồng, tuy nhiên TP Hà Nội vẫn không thể lấy nước kịp tiến độ. Ảnh: Minh Phúc.

Mặc dù nỗ lực lắp đặt các trạm bơm dã chiến dọc sông Hồng, tuy nhiên TP Hà Nội vẫn không thể lấy nước kịp tiến độ. Ảnh: Minh Phúc.

Đặc biệt, diện đủ nước tại thành phố Hà Nội đến hết ngày 8/2 mới đạt 81%, trong đó diện tích phụ thuộc vào dòng chảy sông Hồng tổng cộng khoảng 3.622 ha, thuộc các huyện Hoài Đức (184 ha), Thạch Thất (1.046 ha), Ba Vì (1.314 ha), Sơn Tây (327 ha), Phúc Thọ (751 ha).

Báo cáo mới nhất của Cục Thủy lợi cho thấy, trong 8 ngày lấy nước Đợt 2, hàng loạt công trình thủy lợi quan trọng dọc theo sông Hồng trên địa bàn Hà Nội không thể lấy được nước vì mực nước sông Hồng không đạt mực nước thiết kế.

Cụ thể, trạm bơm Trung Hà (huyện Ba Vì, Hà Nội) không thể lấy được nước vì mực nước thiết kế (mực nước yêu cầu) của công trình là 7,5m, tuy nhiên mực nước sông Hồng trung bình cả đợt chỉ đạt 5,46m; cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có mực nước thiết kế là 5,35m trong khi mực nước trung bình cả đợt trên sông Hồng là 2,32m.

Cùng chung thực trạng, cống Liên Mạc cũng bị “treo” vì mực nước thiết kế là 3,77m trong khi mực nước trên sông Hồng trung bình cả đợt là 1,74m. Cống Long Tửu (huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng không đủ điều kiện vận hành do mực nước thiết kế là 2,58m trong khi thực tế mực nước bình quân sông Hồng cả đợt là 1,60m.

Vụ đông xuân 2022 – 2023, Hà Nội dự kiến lấy nước cho 81.128ha. Tuy nhiên, đến ngày 8/2 (tức là kết thúc toàn bộ các đợt lấy nước gieo cấy vụ đông xuân theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT), thành phố mới có 65.318 đủ nước.

Đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội đánh giá khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng lượng xả các hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Hồng trong 2 đợt xả nước tăng cường phục vụ đổ ải, sản xuất vụ đông xuân 2022 – 2023 vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ là 3,62 tỷ m3.

Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vận hành tối đa các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để bổ sung nước cho hạ du từ 14 giờ ngày 29/1/2023 (trước ngày đầu tiên của Đợt 2 gần 2,5 ngày). Mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội bình quân toàn Đợt đạt 1,61 m, cao nhất đạt 2,08 m vào ngày 5/2. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong Đợt 2 là 2,21 tỷ m3 nước

Trong thời gian lấy nước của Đợt 2, khu vực Bắc bộ đã có mưa nhỏ, mưa phùn. Tổng lượng mưa lũy tích từ ngày 1/2 đến 8/2 ở khu vực miền núi phía Bắc từ 15-50 mm, Trung du và Đồng bằng Bắc bộ từ 10-30 mm. Lượng mưa tuy không lớn nhưng đã hỗ trợ việc lấy nước hiệu quả hơn.

Để đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, vừa bảo đảm tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, Cục Thủy lợi đề nghị: Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, tổng kết công tác lấy nước vụ đông xuân 2022-2023, rút kinh nghiệm để triển khai công tác lấy nước tiết kiệm, hiệu quả hơn trong các năm tới.

Đặc biệt, Sở NN-PTNT thành phố Hà Nội đánh giá khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi trong vụ đông xuân 2022-2023; báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ NN-PTNT nhu cầu lấy nước sau khi kết thúc Đợt 2 (nếu cần); báo cáo UBND TP Hà Nội đầu tư xây dựng khẩn cấp các trạm bơm dã chiến Trung Hà, Liên Mạc; đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng trạm bơm Trung Hà thay thế trạm bơm hiện tại, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước, không phụ thuộc dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đầu tư xây dựng nâng cấp, bổ sung công suất các trạm bơm Đại Định, Bạch Hạc, Liễu Trì, bảo đảm chủ động vận hành không phụ thuộc dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, đáp ứng việc giảm dần/không có các đợt điều tiết bổ sung dòng chảy từ các hồ chứa thủy điện.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.