| Hotline: 0983.970.780

Hàng nghìn người dân Nga Sơn mất ngủ vì lo vỡ đê

Thứ Ba 18/04/2023 , 14:50 (GMT+7)

THANH HOÁ Tuyến đê dài khoảng hơn 50m tại xã Nga Điền (huyện Nga Sơn) bị sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn người dân ở các thôn 3,4,5,6.

Thức trắng đêm canh đê

Bà Hoàng Thị Liên ngồi bên hiên nhà, tay chống cằm một hồi lâu, nhìn về phía con đê vừa sạt lở sâu vài mét cách đây vài hôm. Bà lo lắng cho sự an toàn của người dân thôn 5, xã Nga Điền trước nguy cơ vỡ đê: “Mấy hôm nay, người dân chả mấy khi ngủ vì lo vỡ đê. Có hôm, dân trong thôn kéo nhau lên đê trực từ tối đến sáng để canh đê, đề phòng bất trắc”.

Bà Liên bảo, sống hơn nửa đời người chưa bao giờ thấy cảnh tượng hãi hùng đến vậy. Bởi thế, hầu như nhà nào nhà nấy sống dưới mái đê vừa bị sạt lở đều cắt cử một người ở nhà để trông nom tài sản phòng khi sự cố xảy ra.

“Thân đê chạy dọc theo theo khúc cua của dòng chảy, đến địa phận thôn 5 thì lõm vào, trông như âu chứa nước. Cho nên mỗi khi nước đổ dồn về đây gây ra hiện tượng xoáy nước ăn sâu vào bờ đê. Người dân ở đây rất lo lắng, chỉ biết trông cậy vào chính quyền địa phương để nhanh chóng khắc phục sự cố. Cứ thế này, dân còn mất ăn mất ngủ”, bà Liên cho biết.

Bà Liên lo lắng cho an toàn của gia đình trước sự cố sạt lở đê Nga Điền. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Liên lo lắng cho an toàn của gia đình trước sự cố sạt lở đê Nga Điền. Ảnh: Quốc Toản.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), vào hồi 17h ngày 16/4/2023, đoạn đê từ Km8+103.5 đến Km8+159.20 (đoạn chạy qua xã Nga Điền) xảy ra sụt lún đất đắp mặt mái đê, gây ảnh hưởng đến quá trình thi công và chất lượng công trình. Rất may, thời điểm xảy ra sự cố không gây thiệt hại về người.

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại hiện trường tuyến đê cấp IV, đoạn chạy qua xã Nga Điền, toàn bộ mái đê, thân đê vừa được lu lèn, bị sạt lở mất một nửa và bị đẩy ra phía bờ sông. Mặt đê và thân đê - nơi tiếp giáp với vị trí sạt lở xuất hiện hàng trăm vết nứt chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục sạt lở nếu không được khắc phục kịp thời. Đặc biệt, có đoạn đê bị sạt lở sâu tới 3m tính từ mặt đê xuống chân đê.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, dựng rào chắn, cắt cử lực lượng túc trực tại hiện trường và nghiêm cấm người và phương tiện qua lại khu vực này.

Đoạn đê dài hơn 50m bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quốc Toản.

Đoạn đê dài hơn 50m bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quốc Toản.

Được biết, tuyến đê này đang được nâng cấp, nằm trong Dự án tu bổ, khắc phục trọng điểm xung yếu tuyến đê tả sông Càn đoạn do UBND huyện Nga Sơn làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần xây dựng Vacic (địa chỉ tại TP. Thanh Hóa) với giá trúng thầu hơn 6,3 tỷ đồng. Chiều dài tuyến đê thi công hơn 400m. 

Tuyến đê tả sông Càn là đê cấp IV có nhiệm vụ ngăn lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân xã Nga Điền và các xã lân cận của huyện Nga Sơn. Hiện nay đơn vị thi công đã đắp đất thân mái và cấp phối đá để chuẩn bị thi công, đổ bê tông mặt đê. Vị trí sạt lở được xem là xung yếu, từng xảy ra tình trạng sạt lở nhưng mức độ nhẹ.

Khẩn trương ứng cứu

Được biết, xã Nga Điền có 4 thôn (3,4,5,6) nằm tiếp giáp với mặt đê với dân số hơn 4 nghìn người. Đây vừa là tuyến đê ngăn lũ phục vụ công tác phòng chống thiên tại, vừa phục vụ đi lại, sinh hoạt của người dân. Vị trí sạt lở chỉ cách khu vực người dân sinh sống vài chục mét.

Theo UBND xã Nga Điền, trường hợp đê bị hư hại nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, nguy cơ hơn 200ha lúa của xã Nga Điền sẽ bị nhiễm mặn nếu nước dâng và ngập sâu vào trong làng.

Vị trí sạt lở được xem là xung yếu, từng xảy ra tình trạng sạt lở nhưng mức độ nhẹ. Ảnh: Quốc Toản.

Vị trí sạt lở được xem là xung yếu, từng xảy ra tình trạng sạt lở nhưng mức độ nhẹ. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết, sự cố trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan.

“Tuyến đê này trước đây được đắp đất thủ công, chưa đủ đảm bảo mặt cắt của đê trong công tác phòng chống lũ lụt. Bên cạnh đó, đây là vị trí xung yếu, địa chất yếu, qua nhiều năm không được đầu tư, tu bổ nên dễ xảy ra sạt lở. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng túc trực 24/24 tại hiện trường để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện xung quanh khu vực này", ông Huyên nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, hiện nay cơ quan chức năng phối hợp với nhà thầu thi công tính toán, gia cố mặt đê để đảm bảo thi công an toàn cho thân đê. Tuy nhiên, dự án này liên quan tới sử dụng ngân sách nên việc sửa chữa, gia cố cần tính toán, bàn bạc kỹ lưỡng.

Chiều nay (18/4), lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các sở ngành liên quan sẽ trực tiếp xuống hiện trường để cùng địa phương và đơn vị thi công đánh giá sự cố để có hướng xử lý tiếp theo.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm