Lần thứ 5 trong 7 năm qua, tỉnh Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến tình trạng sạt lở đê biển Tây.
Với ba mặt tiếp giáp với biển cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, Cà Mau là địa phương chịu ảnh hưởng sạt lở nặng nề nhất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Không chỉ sạt lở ven sông mà tình hình sạt lở ven biển cũng ngày càng gia tăng, nhất là vào mùa mưa bão ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân ven biển của tỉnh Cà Mau.
Phát biểu Chị NGUYỄN THỊ RỘ - Xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau: "Sạt lở dữ lắm, cứ 2 năm là phải dời nhà một lần và ở đây hơn 20 năm không nhớ là đã dời bao nhiêu lần. Bây giờ cũng chuẩn bị dời nếu không thì tới đây sóng sẽ đánh sập."
Phát biểu Ông KIM SƠN - Thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau
"Năm nay sạt lở vô khoảng một công vì sóng lớn quá nó đánh lở hết nó hút vào rất sâu."
Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, trung bình mỗi năm sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 20 đến 30m, có những điểm hơn 50m. Trong vòng 10 năm qua, Cà Mau đã mất hơn 4.000 ha đất, rừng phòng hộ ven biển và có nguy cơ vỡ tuyến đê biển Tây, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của hàng chục nghìn hộ dân ven biển.
Phát biểu Ông TÔ QUỐC NAM - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau
"Chỉ đạo cho Hạt Đê điều thực hiện giải pháp trước mắt là trải bạc để bảo vệ mái đê, bảo vệ khoảng không đê để không để sạt lở ăn sâu vào trong nữa và giải pháp công trình sẽ đi theo. Còn sạt lở ven sông thì chúng tôi giao cho Chị cục thủy lợi cấm biển cảnh báo cho người dân. Đồng thời, thực hiện việc di dời cho người dân đến nơi an toàn."
Phát biểu Ông LÊ VĂN SỬ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau
"Kiến nghị với Bộ NN&PTNT khẩn trương đánh giá sự mất ổn định nguồn cát của các công trình. Kiến nghị Chính phủ có sự hỗ trợ bằng các nguồn vốn khắc phục sạt lở bằng các công trình như hiện nay."
Phát biểu Ông TRẦN QUANG HOÀI - Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT
"Chúng tôi đã khảo sát sạt lở của Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh và Cà Mau. Trong đó, Cà Mau là tỉnh chịu tác động nặng nề nhất. Các giải pháp thì cũng đã đảm bảo căn cơ theo yêu cầu nhưng khó khăn về nguồn kinh phí, trong đó có những đoạn cần khắc phục khẩn cấp đảm bảo an toàn và tính mạng của người dân."
Vừa qua UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau, đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) và khu vực Vàm Tiểu Dừa (huyện U Minh). Đây là lần thứ 5 trong 7 năm qua, tỉnh Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp liên quan đến tình trạng sạt lở đê biển Tây.
Trong 10 năm qua, từ nhiều nguồn vốn tỉnh Cà Mau đã xây dựng hơn 54km đê kè chống sạt lở, chiếm 20% tổng chiều dài bờ biển. Tuy nhiên, với nguồn lực và tiến độ như hiện nay thì mất khoảng 40 năm nữa Cà Mau mới hoàn thành việc bảo vệ bờ biển, trong khi những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu đang và sẽ còn tiếp diễn.