Tham quan vườn quýt hồng, là chuỗi sự kiện nằm trong Lễ hội Quýt hồng lần thứ I, huyện Lai Vung do Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng UBND huyện Lai Vung đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 5-8/1/2023.
Theo ghi nhận, những ngày này hàng nghìn lượt khách đến tham gia Lễ hội quýt hồng từ các tỉnh thành trên cả nước. Tại đây, nhiều du khách khá thích thú khi được tham quan vườn quýt, tạo dáng chụp ảnh bên những cây quýt hồng xum xuê trĩu quả. Bên cạnh trải nghiệm, khách du lịch còn thưởng thức các món ăn từ quýt hồng và một số đặc sản của huyện Lai Vung. Sau khi trải nghiệm cảnh sắc và thưởng thức các món ăn, những người đến đây đều hài lòng và dành tình cảm đặt biệt cho vùng đất Lai Vung.
Bà Nguyễn Ngọc Châu, đến từ TP. HCM cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến Lai Vung tham gia lễ hội và rất ấn tượng với cách trang trí hình ảnh trái quýt hồng trên các tuyến phố, cùng với đó là những tấm băng rôn có những dòng chữ đầy ý nghĩa, gợi niềm lưu luyến cho khách thập phương. Theo đó là được tham quan vườn cây và chụp ảnh bên những trái quýt hồng tươi, mang đậm phong vị những ngày Tết cổ truyền. Đặc biệt, quýt ở đây tôi nếm có vị ngọt vừa phải, thơm ngon. Chính những điều này đã thuyết phục tôi quay trở lại đây thêm nhiều lần nữa".
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng cây có múi là 8.056 ha, trong đó riêng huyện Lai Vung có diện tích là 5.776 ha, chiếm 72% diện tích trồng toàn tỉnh, chủ yếu là quýt hồng, quýt đường và cam xoàn. Theo đó, huyện Lai Vung có hơn 2.000 ha quýt, trong đó có trên 840 ha quýt hồng, tập trung nhiều nhất ở 3 xã Long Hậu, Tân Thành và Tân Phước, bình quân cho năng suất từ 30-50 tấn trái/ha. Từ lâu, quýt hồng Lai Vung là loại trái cây đặc sản có tiếng ở vùng ĐBSCL và là niềm tự hào của người dân Ðồng Tháp khi thương hiệu quýt Lai Vung đã "phủ sóng" tại nhiều thị trường trong nước.
Trước đây, đa số nhà vườn tại huyện Lai Vung đa số chỉ trồng để bán trái. Bà Nguyễn Thị Hồng, ấp Tân Lợi, xã Tân Thành, huyện Lai Vung cho biết, mấy năm gần đây, nhiều khách du lịch hiếu kì nên nông dân mở cửa cho khách vào tham quan. Dần nhà vườn phát triển mô hình này ngoài quảng bá hình ảnh cây quýt hồng đến du khách gần xa. Qua đó, còn góp phần nâng giá trị cho trái quýt hồng. “Lúc đầu, tôi tập sử dụng mạng xã hội để đăng vườn quýt lên giới thiệu, sau đó được nhiều khách hàng đến tham quan và mua trai tại vườn, với giá cao. Hiện nay, vườn quýt nhà tôi đã giảm khoảng 70% thuốc và phân hóa học. Chúng tôi thay thế bằng phân hữu cơ vừa tiết kiệm chi phí, song trái quýt còn có thể bảo quản lâu hơn”, bà Hồng thông tin.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: Cây quýt hồng được trồng ở đất Lai Vung đầu thế kỷ 20. Ban đầu từ một loại quýt bình thường, nhưng khi được trồng trên đất Lai Vung, thì giống quýt này trở nên đặc biệt. Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp đã khiến cho quýt hồng Lai Vung cho những trái to, ít hạt, vỏ mỏng, màu sắc vàng cam bắt mắt, mọng nước, thơm dịu và có vị ngọt, chua nhẹ đặc biệt ít nơi nào bì kịp.
Hiện nay, Lai Vung đã và đang chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, tạo ấn tượng trong lòng du khách về một vùng đất hiền hoà, với những con người nghĩa tình, năng động và sáng tạo. Tất cả đã góp phần định vị ngày càng rõ nét hình ảnh quê hương đất quýt hồng.
Theo đó, Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I - năm 2023 được kỳ vọng không chỉ mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị, thưởng thức những chương trình hoạt động đặc sắc, mà còn là cơ hội để kết nối, phát huy giá trị kinh tế về quýt hồng, đưa sản phẩm quýt hồng Lai Vung cùng với nem Lai Vung và các sản phẩm OCOP đặc sắc khác vươn lên tầm cao mới.
Đồng thời, khẳng định tiềm năng phát triển của quýt hồng, thúc đẩy phát triển du lịch, nông sản theo chiều sâu và bền vững. Nâng cao nhận thức từ hệ thống chính trị đến người dân Lai Vung về phát huy tiềm năng, khơi dậy nguồn lực và khát vọng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đồng Tháp