| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm vườn quýt hồng kiểu mẫu của Đồng Tháp

Thứ Sáu 06/01/2023 , 15:20 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Hội thi 'Vườn quýt hồng kiểu mẫu' nhằm tuyên dương, quảng bá hình ảnh quýt hồng Đồng Tháp đến du khách khi tham gia Lễ hội quýt hồng lần thứ I, năm 2023.

Hội thi “Vườn quýt hồng kiểu mẫu” nằm trong chuỗi sự kiện "Lễ hội quýt hồng" do Báo Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ NN-PTNT) cùng UBND huyện Lai Vung đồng tổ chức (diễn ra trong 4 ngày, từ ngày  5 - 8/2023).

Ban tổ chức Hội thi cho biết, diện tích trồng cây có múi tỉnh Đồng Tháp là 8.056ha, trong đó riêng huyện Lai Vung có diện tích 5.776ha, chiếm 72% diện tích trồng toàn tỉnh, chủ yếu là quýt hồng, quýt đường và cam xoàn. Đây là những loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế rất cao đối với người dân và tạo nên thế mạnh đặc trưng cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lai Vung.

Đây là lần đầu tiên Hội thi 'Vườn quýt hồng kiểu mẫu' tỉnh Đồng Tháp được tổ chức. Ảnh: Hồ Thảo.

Đây là lần đầu tiên Hội thi "Vườn quýt hồng kiểu mẫu" tỉnh Đồng Tháp được tổ chức. Ảnh: Hồ Thảo.

Năm 2018, huyện Lai Vung có hơn 2.000ha quýt, trong đó có trên 840ha quýt hồng, tập trung nhiều nhất ở 3 xã Long Hậu, Tân Thành và Tân Phước, bình quân cho năng suất từ 30 - 50 tấn trái/ha. Từ lâu, quýt hồng Lai Vung là loại trái cây đặc sản có tiếng ở vùng ĐBSCL và là niềm tự hào của người dân Ðồng Tháp khi thương hiệu quýt Lai Vung đã "phủ sóng" tại nhiều thị trường trong nước. Nhờ vào tên gọi và màu sắc đẹp, quýt hồng Lai Vung đáp ứng được thị hiếu của thị trường, dùng để trưng bày trong dịp Tết.

Ông Nguyễn Văn Tồn, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết: Người tiêu dùng biết đến quýt hồng bởi tên gọi mỹ miều “hồng”, từ hình dáng đến màu sắc. Quýt hồng không thể thiếu những ngày Tết của người Đồng Tháp. Loại nông sản này đã và đang phát huy giá trị, tiềm năng lớn và góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Hội thi “Vườn quýt hồng kiểu mẫu” nhằm tuyên dương những hộ gia đình tiêu biểu trong xây dựng vườn quýt hồng, làm cơ sở định hướng, nhân rộng và phát triển vườn quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung trong thời gian tới.

Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Đề án bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020 – 2024. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất và tạo động lực cho người sản xuất chú ý hơn đến các tiêu chí về mẫu mã, chất lượng sản phẩm do mình làm ra.

Hội thi 'Vườn quýt hồng kiểu mẫu' nhằm tuyên dương, nhân rộng những vườn quýt kiểu mẫu ra diện rộng. Ảnh: LHV.

Hội thi "Vườn quýt hồng kiểu mẫu" nhằm tuyên dương, nhân rộng những vườn quýt kiểu mẫu ra diện rộng. Ảnh: LHV.

Tham gia Hội thi có 25 vườn quýt trên địa bàn huyện Lai Vung đáp ứng các tiêu chí như: Nhà vườn có kiến thức về khoa học kỹ thuật, tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; nông dân biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, các hoạt động sản xuất trong vườn đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm đến môi trường và các hộ gia đình lân cận... cùng một số tiêu chí khác.

Ông Nguyễn Trí Trung, chủ vườn quýt hồng ở xã Tân Phước tham gia Hội thi cho biết: Thời gian qua, nhà vườn gặp không ít khó khăn do bệnh vàng lá thối rễ trên cây quýt hồng. Bên cạnh đó, nông dân cũng e ngại về vấn đề phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng. Nông dân mong muốn ngành nông nghiệp tìm nguyên nhân gây bệnh trên cây quýt hồng để cải tạo vườn quýt đạt hiệu quả. Các nhà vườn luôn cố gắng canh tác theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, với mong muốn trái quýt hồng đi xa hơn nữa, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Bà Đào Thị Bé Bảy, Trưởng Bộ môn Cây ăn quả (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết: Một trong những tiêu chí chấm thi cho nhà vườn là sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ đã được xử lý với số lượng từ 10 tấn/ha trở lên. Nông dân sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học có độ độc thấp, trong danh mục cho phép để phòng, trừ sâu bệnh khi cần thiết. Bên cạnh đó, vườn được dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường, thoáng, mát, xanh sạch đẹp, không gây ô nhiễm môi trường, rác thải vỏ bao bì phân bón, thuốc BVTV được thu gom tiêu hủy đúng quy định...

Đồng thời, chuồng trại chăn nuôi của bà con (nếu có) phải đảm đảm bảo vệ sinh môi trường (có sử dụng bể, hầm chứa biogas hoặc chế phẩm sinh học đảm bảo các yếu tố vệ sinh môi trường). Theo đó, nông dân phải trồng theo hàng lối, đảm bảo về mật độ trồng, cây xanh tốt, vườn ít sâu bệnh...

Vườn Quýt hồng là niềm tự hào của người Đồng Tháp qua bao thế hệ. Ảnh: Hồ Thảo.

Vườn Quýt hồng là niềm tự hào của người Đồng Tháp qua bao thế hệ. Ảnh: Hồ Thảo.

Về bệnh trên cây quýt hồng mà các nhà vườn đang quan tâm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã triển khai xây dựng được mô hình khắc phục hiện tượng chết xanh trên cây quýt hồng, giúp tỷ lệ cây bị chết xanh giảm từ 10,2 đến 18,2%. Kết quả đạt được là cơ sở khoa học cho việc quản lý hiện tượng chết xanh và rạn vỏ trên cây có múi, có ý nghĩa cho thực tiễn canh tác quýt hồng tại Lai Vung. Qua đó, góp phần quản lý hiệu quả đối với bệnh chết xanh và rạn vỏ quýt hồng, ổn định thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của đề tài “Cải thiện phẩm chất trái quýt hồng huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp” do Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì. Theo đó, sẽ đưa vào sản xuất giống quýt hồng mới có những đặc tính tốt hiện có được giữ nguyên. Đồng thời, chỉ có tối đa 05 hạt/trái, hàm lượng dịch trái trên 30%, chỉ số TSS/TA trên 15 và phải có tính ổn định.

Bên cạnh đó, Sở  Khoa học và Công nghệ tiếp tục xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác tổng hợp có hiệu quả trong phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ và héo xanh trên cây quýt hồng theo hướng bền vững tại huyện Lai Vung.

Ban tổ chức Hội thi "Vườn quýt hồng kiểu mẫu" cho biết, thời gian chấm thi thực tế tại các vườn quýt hồng diễn ra từ ngày 6 - 7/1. Thời gian trao giải lúc 14 giờ ngày 8/1/2023.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.