Tại buổi họp báo bế mạc Festival Huế 2016 sáng 5/5, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông tin vụ cá biển và cá nuôi lồng ở cửa biển tỉnh này chết hàng loạt thời gian qua.
Theo ông Khanh, cá chết ở Thừa Thiên - Huế từ 15/4 đến nay có thể chia ra 3 đợt. Đợt 1 từ 15 đến 21/4 cá chết nổi lên ở vùng ven bờ các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Đợt 2 từ 26 đến 29/4 hải sản chết bất thường ở đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô) và xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc).
Cá chết ở Thuận Anh được thu gom ngày 4/5. Ảnh: N.Đ.
Đợt 3 từ ngày 2/5 đến nay, hiện tượng cá chết bất thường trở lại ở Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), xã Phú Thuận, Phú Hải, cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang). Có khoảng 800 kg cá biển chết dạt vào bờ biển ở đợt 3. Riêng cá nuôi lồng chết đang được thống kê cụ thể để còn hỗ trợ cho người dân, nhưng khối lượng lên đến hàng tấn.
"Đây là một sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra ở nước ta từ vùng biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, vì vậy cần xác định nguyên nhân và thực hiện một cách khẩn trương nhưng thận trọng", ông Khanh nói và cho biết phía tỉnh đã lấy mẫu hải sản chết, cả những mẫu rong trắng mới xuất hiện và gửi cho cơ quan chức năng phân tích, đánh giá.Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng quan trắc tại các điểm, bãi tắm, cửa biển, bờ sông, một ngày hai lần và công bố trên cổng thông tin điện tử. "Dù Huế có 3 đợt cá chết, nhưng tất cả điểm quan trắc đánh giá môi trường nước biển đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia về giới hạn an toàn nước biển. Đến hôm nay, nước biển vẫn đạt chỉ số an toàn", ông Khanh nói và khẳng định "mọi việc đang được kiểm soát".
Phía tỉnh cũng tiêu hủy lượng cá chết phát hiện được, nghiêm cấm người dân sử dụng cá chết dạt vào bờ biển cũng như hải sản chết chưa rõ nguyên nhân dưới bất cứ hình thức nào. Việc cấp giấy chứng nhận vùng đánh bắt an toàn trên 20 hải lý cho ngư dân được chính quyền xác định trên cơ sở tọa độ định vị của các tàu cá, từ đó tiêu thụ các sản phẩm an toàn.
Cá biển chết dạt vào bờ biển xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) chiều 4/5. Ảnh: N.Đ.
Nguyên nhân cá chết đang được điều tra, tuy nhiên theo nhận định của ông Khanh, cá chết ở Thuận An là "chết cục bộ". Hầu hết hộ nuôi cá lồng là tự phát, kỹ thuật nuôi chưa đảm bảo. Có thể do lồng nuôi dày, thiếu oxy dẫn đến cá chết. Chi cục Thủy sản khuyến cáo người dân nâng lồng nuôi lên vì quy định lồng nuôi cách đáy một mét để đảm bảo nước lưu thông và tạo thêm oxy.
"Chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp và thấy hợp lý, như sục oxy thì thấy cá chết giảm hẳn. Nếu có bất kỳ cảnh báo nguy hiểm nào, chúng tôi sẽ cảnh báo ngay", Chánh văn phòng tỉnh nói thêm.Trong hôm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục thống kê, xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Thực trạng hải sản chết bất thường được chính quyền khẳng định "đang kiểm soát rất chặt từ điểm nuôi đến các điểm tiêu thụ". Riêng những ngư dân ở bãi ngang được khuyến cáo không đánh bắt ở trong vùng 20 hải lý.
"Tất cả cá ngư dân đánh bắt về chúng tôi đều kiểm tra lấy mẫu, nếu đảm bảo an toàn mới cho bán ra thị trường", ông Khanh nhấn mạnh. Giải thích về việc chính quyền địa phương hạn chế người dân chụp ảnh cá chết, ông Khanh nói chính quyền khuyến cáo người dân như thế vì lo ngại những hình ảnh này dễ phát tán lên mạng xã hội, có bình luận không đúng gây nhiễu động trong nhân dân.Từ đầu tháng 4 đến nay, cá biển chết hàng loạt xảy ra ở dọc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. 70 tấn cá chết đã được thu gom. Tại Huế, 4 ngày trở lại đây, người dân phát hiện hàng tấn cá nuôi lồng ở cửa biển và cá chết ngoài biển dạt vào bờ. Nguyên nhân cá chết ở miền Trung vẫn đang được điều tra.