| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu gì?

Thứ Bảy 01/04/2023 , 07:44 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trả lời dứt khoát các vấn đề 'nóng' mà doanh nghiệp Thanh Hóa kiến nghị tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023.

Doanh nghiệp sẽ phá sản vì áp lực mới về PCCC

Tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2023, ông Trần Quốc Trường, đại diện doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga cho biết, khu công nghiệp này có hơn 200 cơ sở sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề hoạt động.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cho biết, có hàng trăm doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC). Hiện nhiều doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động. Thực trạng trên khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao, đứng trước nguy cơ phá sản.

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp thu hút được đông đảo các doanh nhân tham gia. Ảnh: Quốc Toản.

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp thu hút được đông đảo các doanh nhân tham gia. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa cho biết, nếu áp dụng các tiêu chuẩn mới về PCCC trong doanh nghiệp thì hơn 400 doanh nghiệp dệt may, da giày cùng hơn 300.000 lao động có nguy cơ mất việc vì doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

“Hàng trăm doanh nghiệp dệt may, da dày được xây dựng và đi vào hoạt động cách đây hàng chục năm không thể đáp ứng được quy định mới về PCCC. Do đó, nếu căn cứ theo quy định mới về PCCC thì các doanh nghiệp sẽ xử phạt hành chính và buộc phải dừng hoạt động”, ông Lâm nói.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Đồng quan điểm trên, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần điện lực Thanh Hóa cho biết: "Quy định mới về PCCC rất khó khăn đối với không chỉ doanh nghiệp tư nhân mà cả doanh nghiệp nhà nước. Việc thực hiện theo quy định PCCC mới sẽ tiêu tốn số tiền lớn của nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Do đó, quy định về phòng cháy chữa cháy mới đang đẩy doanh nghiệp vào tình thế không có lối thoát", bà Hương thẳng thắn. 

Từ thực tế trên, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, tỉnh Thanh Hóa cần kiến nghị Trung ương “mở lối thoát” cho doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành, chia sẻ để các công ty duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Cơ quan chức năng cần gia hạn cho doanh nghiệp ít nhất trong thời gian 2 đến 3 năm để chúng tôi hoàn thiện hệ thống PCCC theo quy định mới. Đối với doanh nghiệp xây dựng mới thì áp dụng theo quy định mới. Như vậy mới hợp lý”, ông Trịnh Xuân Lâm kiến nghị.

Ông Cao Tiến Đoạn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, một số quy định phòng cháy chữa cháy hiện nay chưa phù hợp thực tiễn. Ông Đoan đề nghị sửa đổi hoặc ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, quy định tiêu chuẩn, chất lượng để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Trước các kiến nghị trên, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc đảm bảo công tác PCCC tại các doanh nghiệp là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cần tháo gỡ vấn đề này trên tinh thần chia sẻ đối với doanh nghiệp. Nếu chiếu theo quy định mới thì đến 99% doanh nghiệp, đơn vị không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

"Việc kiểm tra, xử lý về phòng cháy chữa cháy cần lưu ý 2 vấn đề: Thứ nhất, đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng về phòng cháy chữa cháy thì cho dừng hoạt động. thứ 2, đối với nhóm doanh nghiệp còn lại thì phải có lộ trình, thời gian để khắc phục, ký cam kết và đảm bảo không xảy ra cháy nổ. Việc kiểm tra, xử lý cần trên tinh thần chia sẻ, không máy móc, gây khó dễ đối với DN", Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nói.

Bão giá vật liệu xây dựng

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay nhu cầu về vật liệu xây dựng ở Thanh Hóa rất lớn do thi công nhiều dự án trọng điểm. Tuy nhiên, giá bán vật liệu xây dựng như đất san lấp, cát xây dựng, đá rất cao, gây khó khăn cho các nhà thầu.

Ông Nguyễn Minh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn cho biết, mặc dù các Sở, ngành có liên quan đã khảo sát, đánh giá và công bố giá vật liệu, nhưng doanh nghiệp vẫn bị “bắt chẹt”, với giá cao hơn giá công bố. Điều này gây khó khăn cho các nhà thầu trong việc tính toán phương án kinh doanh, sản xuất.

Trên cơ sở đó, ông Hải  kiến nghị tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương ban hành niêm yết giá công khai giá vật liệu tại các cơ sở khai thác, tránh trường hợp công bố giá một đằng, bán một nẻo.

Bên cạnh đó, nếu phát hiện sai phạm trong việc bán giá vật liệu không đúng với giá niêm yết, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, thậm chí phải đóng cửa mỏ. Đối với các công trình trọng điểm của tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua, ông Hải đề nghị cần có giải pháp cấp mỏ trực tiếp đối với các nhà thầu thi công để tiết kiệm được chi phí, chủ động vật liệu trong hoạt động xây dựng.

Ông Nguyễn Minh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Minh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Tiếp thu ý kiến phản ánh của một số doanh nghiệp về giá vật liệu, ông Đỗ Minh Tuấn chỉ đạo cơ quan chuyên môn cần giám sát chặt việc niêm yết, công khai giá vật liệu, tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường vật liệu xây dựng.

Ông Đỗ Minh Tuấn cũng cho rằng: “Đối với các công trình thi công quốc lộ, cần tính toán giao mỏ vật liệu xây dựng cho chủ đầu tư hoặc giao cho nhà thầu chứ không thể giao cho một doanh nghiệp nào đó rồi bán lại với giá bao nhiêu thì bán”.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai thủ tục đấu giá 16 mỏ do Hiệp hội doanh nghiệp đá Thanh Hóa đã và đang làm thủ tục. Bên cạnh đó, nghiên cứu đấu giá thêm một số mỏ đất, đá phù hợp quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông trường trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão hoạt động trên Biển Đông

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Nếu mạnh lên thành bão, thì đây là cơn bão số 10 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2024.