| Hotline: 0983.970.780

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa ví quy hoạch như 'người công binh mở đường'

Thứ Sáu 31/03/2023 , 18:09 (GMT+7)

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh, việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. 

Chiều 31/3, tại Trung tâm Hội nghị 25B, UBND tỉnh Thanh Hóa công bố Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến đến tất cả các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch có vai trò quyết định

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh, đây là sự kiện rất có ý nghĩa, khẳng định khát vọng, tầm nhìn để Thanh Hóa khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, vững vàng trên hành trình trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

“Công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được ví như người công binh mở đường, quyết định đến thắng lợi của cuộc chiến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần khẳng định: “Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt", ông Hưng nói.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Ông Đỗ Trọng Hưng cho biết thêm, Thanh Hóa cũng là tỉnh thứ 4 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

"Đây là sự kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương.

Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh", ông Hưng nói. 

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nền tảng quan trọng giúp Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Mục tiêu đặt ra là, đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Tầm nhìn đến 2045 đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại...

Những việc phải làm ngay

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cũng cho rằng, việc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng mới là kết quả bước đầu.

Do đó, để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, đưa tầm nhìn quy hoạch và khát vọng Thanh Hóa phát triển trở thành hiện thực, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.

Ngay sau hội nghị này, các ban, sở, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần làm tốt công tác truyền thông, công bố, công khai nội dung quy hoạch đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương… trên tất cả các nền tảng thông tin để cán bộ, công chức, viên chức, các nhà tư vấn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn dân hiểu được khát vọng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.  

Thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Thứ hai: Trên cơ sở nội dung quy hoạch; các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Quy hoạch với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Các cấp, các ngành chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực trong thực hiện theo quy hoạch.

Thứ ba: Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch. Chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. 

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn như các trục giao thông chính tại các đô thị, trục giao thông kết nối cao tốc Bắc – Nam với các vùng kinh tế động lực, các dự án hạ tầng cung cấp điện, nước sạch, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng xã hội cấp tỉnh, cấp huyện… 

Thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nâng cao hiệu quả các dự án khai thác quỹ đất để tạo nguồn ngân sách cho đầu tư phát triển.

Thứ tư: Tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì ở thứ hạng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Kế hoạch giải phóng mặt bằng năm 2023 và các năm tiếp theo.

Tổ chức thực hiện tốt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (DDCI), tạo môi trường thuận lợi xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Trong lĩnh vực công nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển theo các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực dịch vụ, phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Tập trung phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh với 03 loại hình chính là du lịch biển, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa; đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn về du lịch của cả nước.

Thứ năm: Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực, chất lượng, uy tín các cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đào tạo, dạy nghề.

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo, dạy nghề, đẩy mạnh cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo của tỉnh với các cơ sở trong và ngoài nước trong đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các ngành nghề trọng điểm.

Đẩy mạnh liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành trong nước và quốc tế để đề xuất thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính đột phá, thúc đẩy việc nghiên cứu, khoa học - công nghệ trong tỉnh phát triển.

Tập trung phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ; đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Thông tin ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ Thanh Hóa; hỗ trợ, kết nối các chương trình, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả...

Thứ sáu: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tập trung xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm về môi trường và khôi phục hiện trạng môi trường, nhất là những vấn đề bức xúc, tồn đọng kéo dài, các khu xử lý rác thải tập trung, không để phát sinh thêm các điểm ô nhiễm môi trường mới.

Khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là các tài nguyên không tái tạo. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.