| Hotline: 0983.970.780

Phá sản vì dịch tả lợn Châu Phi, người nuôi chờ 'giải cứu'

Thứ Tư 29/03/2023 , 19:46 (GMT+7)

Năm 2021, hơn 1.000 con lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, khiến anh Cự phá sản trong chốc lát.

Không có cơ hội tái đàn

Năm 2015, anh Đặng Xuân Cự vay mượn, cầm cố ngân hàng, đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng chuồng nuôi và nhập con giống. Có thời điểm trang trại của anh Cự duy trì khoảng 2.000 con lợn và cung cấp ra thị trường cả trăm tấn thịt lợn mỗi lần xuất bán.

Dù có kinh nghiệm nuôi lợn nhiều năm, nhưng trang trại của anh Cự vẫn không tránh được thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào cuối năm 2021. Tại thôn Trung Thượng (xã Hoằng Hải, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) gia đình anh là hộ dân bị thiệt hại nặng nhất thời điểm đó.

“Khi trang trại phát hiện lợn có biểu hiện ốm, tôi đã báo cáo với cán bộ thú y xã để lấy mẫu đi xét nghiệm. Sau khi cơ quan chức năng kết luận vật nuôi dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi, gia đình đã chấp hành quy định, tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh, đồng thời chủ động mua vôi bột khử trùng xung quanh chuồng trại”, anh Cự cho biết.

Thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi khiến gia đình anh Cự không còn vốn để tái đàn. Ảnh: Quốc Toản.

Thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi khiến gia đình anh Cự không còn vốn để tái đàn. Ảnh: Quốc Toản.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, khi phát hiện lợn bị nhiễm dịch tả, trang trại của anh Cự buộc phải tiêu hủy 130 con heo nái và hơn 1.000 con heo thịt, thiệt hại gần 5 tỷ đồng. Hiện nay, cả hệ thống chuồng trại của gia đình anh Cự bị bỏ không và chưa biết đến khi nào mới có cơ hội tái đàn.

Bị tiêu hủy lứa lợn đến thời kỳ xuất chuồng, anh Cự lâm cảnh nợ nần chồng chất. Số tiền gốc và lãi vay ngân hàng cùng khoản tiền vay mượn từ người thân, bạn bè đến kỳ phải trả lên tới hơn 10 tỷ đồng. Bởi vậy, anh Cự phải biệt xứ mấy tháng nay để lo tiền trả nợ. Tiền công làm thuê mà anh nhận được hằng tháng không thấm vào đâu so với khoản nợ phải trả.

Mọi khoản chi tiêu sinh hoạt hằng ngày và đóng học phí cho con cái anh Cự cũng phải đi vay lãi để duy trì cuộc sống với hy vọng sẽ có cơ hội bắt đầu lại từ đầu.

Anh Cự cho biết thêm, sau khi tiêu hủy số lợn nói trên, gia đình đã kê khai thiệt hại, gửi cơ quan chức năng với hy vọng nhận được một phần hỗ trợ của nhà nước để tái đàn, nhưng chưa nhận được hồi âm chính thức. 

“Nếu không có vốn hỗ trợ để tái đàn thì không biết khi nào gia đình mới trả được nợ. Tôi đã làm đơn đề nghị UBND xã, huyện xem xét hỗ trợ thiệt hại nhưng họ bảo chờ chủ trương”, anh Cự cho hay.

Anh Cự mong muốn được nhà nước hỗ trợ vốn để tái đàn. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Cự mong muốn được nhà nước hỗ trợ vốn để tái đàn. Ảnh: Quốc Toản.

Trang trại của anh Lê Bá Đức (thôn Hải Phúc 2, xã Hoằng Thắng) có quy mô nhỏ hơn trại lợn của gia đình anh Cự, nhưng thiệt hại do dịch tả lợn gây ra cuối năm 2021 cũng khiến hộ dân này lao đao. Ước tính, dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại cho gia đình anh gần 400 triệu đồng.

“Tiền đầu tư chuồng trại và mua giống tôi đều phải vay ngân hàng và vay ngoài. Khi nghe tin lợn bị tiêu hủy do nhiễm bệnh, nhiều chủ nợ đến tận nhà hối thúc đòi tiền. Vì không còn tiền nên gia đình phải đi vay lãi ngoài để trả nợ. Giờ tôi tiếp tiếp tục cầm cố tài sản ngân hàng để vay ngân hàng với mong muốn tái đàn để gỡ gạc lại phần vốn đã mất do dịch bệnh gây ra”, anh Đức chia sẻ.

Người nuôi chờ giải cứu

Theo Chi Cục Chăn nuôi - Thú y Thanh Hóa, năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 644 hộ nuôi tại 12 huyện bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi; toàn tỉnh phải tiêu hủy hơn 4,1 nghìn con lợn. Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện quyết liệt các giải pháp để ngăn chặn, khống chế loại bỏ dịch bệnh. Chỉ trong một thời gian ngăn, dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát, khống chế hoàn toàn, giúp bà con nông dân giảm thiệt hại.

UBND huyện Hoằng Hóa đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do dịch bệnh nhưng chưa nhận được phản hồi. Ảnh: Quốc Toản.

UBND huyện Hoằng Hóa đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do dịch bệnh nhưng chưa nhận được phản hồi. Ảnh: Quốc Toản.

Tuy nhiên, sau khi lập danh sách, thống kê thiệt hại của các hộ nuôi, một số địa phương đã đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí do dịch tả lợn Châu Phi gây ra cho các hộ nuôi theo quy định nhưng chưa nhận được phản hồi.

“Hiện tại các hộ dân đang rất khó khăn về vốn để tái đàn. Tuy nhiên, theo thẩm quyền, huyện chỉ kiến nghị cấp trên xem xét hỗ trợ người dân bị thiệt hại chứ không thể giải quyết chính sách hỗ trợ cho người dân”, ông Lê Văn Quyết, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa chia sẻ.

Trong khi đó, theo Chi cục Chăn nuôi - Thú ý Thanh Hóa, hiện nay Trung ương chưa ban hành chính sách hỗ trợ các hộ nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra năm 2021. Do đó, cơ quan chức năng chưa có cơ sở và nguồn lực để triển khai hỗ trợ các hộ nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.

Thiệt hại hàng tỷ đồng do dịch tả lợn Châu Phi gây ra cộng với những khó khăn trong việc quay vòng vốn, khiến nhiều hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp khó trong việc tái đàn.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.