| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm ha rừng dương bị 'khai tử'

Thứ Sáu 27/09/2019 , 09:29 (GMT+7)

Thật khó tin, hàng trăm héc ta rừng phòng hộ ven biển nằm trên địa bàn 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước (Bình Định) bị phá trắng trong thời gian dài mà không bị ngăn chặn khiến người dân vô cùng bức xúc.

“Khai tử” cả cánh rừng

Theo chân người dân địa phương, chúng tôi tiếp cận cánh rừng dương có chức năng phòng hộ ở thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) chứng kiến cảnh tan hoang, bị tàn phá không thương tiếc. Cánh rừng này được trồng để chắn gió, chắn cát cho vùng dân cư có trên 500 hộ với 2.000 nhân khẩu.

20-30-54_1
Tan hoang cánh rừng phòng hộ.

Theo người dân địa phương, trước đây, cánh rừng dương này có diện tích khoảng 250ha, nhưng hiện đã bị phá trắng gần 60%. Hiện đã có khoảng 140ha rừng bị phá trắng nằm trong khu vực được tỉnh Bình Định giao cho Cty CP Phong điện Phương Mai đầu tư dự án phong điện Phương Mai 1.

Đưa chúng tôi len lỏi trong rừng dương còn trơ những gốc cây to đùng, ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Chi bộ thôn Huỳnh Giản Bắc, không giấu được vẻ xót xa: “Bà con thôn Huỳnh Giản Bắc và các vùng lân cận xem rừng dương này như lá phổi xanh. Cánh rừng này có nhiệm vụ chắn gió, chắn cát, chống bão lũ, giữ ẩm, cải tạo môi trường cảnh quan, nuôi dưỡng mạch nước ngầm. Sống sau rừng dương bà con rất yên tâm làm ăn. Vậy mà rừng dương bạt ngàn xanh trước đây giờ đã bị phá trắng. Cả cánh rừng mênh mông thế mà từ tháng 4 đến tháng 6/2019 đã bị “khai tử” gần sạch”.

Cũng theo ông Năm, cánh rừng này thuộc địa phận xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) đã có từ lâu đời, có nhiều cây dương cổ thụ to đến 2 vòng tay ôm của người lớn, độ che phủ của cánh rừng là rất lớn. Sau này, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã bổ sung cho cánh rừng ngày càng dày thêm, diện tích tăng dần đến lên 250ha. Trong chiến tranh, khu rừng dương trở thành căn cứ địa để bộ đội ém quân vào giải phóng Quy Nhơn. Các tiểu đoàn 50, 52, D30, D40, Huyện đội Tuy Phước, Thị đội Quy Nhơn (nay là TP Quy Nhơn) đều lấy rừng dương này làm căn cứ địa.

Vào năm 2005, cánh rừng dương nói trên được giao khoán cho người dân thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa) chăm sóc, bảo vệ. Hiện nay, nhiều hộ dân vẫn còn giữ sổ giao khoán bảo vệ rừng thời hạn 50 năm được UBND huyện Tuy Phước và Hạt Kiểm lâm liên huyện Quy Nhơn - Tuy Phước – TP Quy Nhơn chứng nhận. Thế nhưng mới 14 năm qua cánh rừng này đã bị chuyển đổi chức năng và được giao cho doanh nghiệp (DN) quản lý và kết quả là… bị phá trắng!

20-30-54_2
Những cây dương cổ thụ bị cưa sát gốc.

Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh (huyện Phù Cát), địa phương có trên 130ha rừng dương đã được giao cho Cty CP Phong điện Phương Mai bị phá trắng, cho biết: “Dự án phong điện được giao đất vào năm 2009, trong quá trình triển khai dự án, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu DN phải giữ lại rừng cây để chắn gió chắn cát cho người dân. Thế nhưng sự thể đã xảy ra ngược lại, DN đã thiếu trách nhiệm hợp tác với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ rừng. Giờ điện gió đâu chẳng thấy, rừng dương thì bị phá trụi mà chủ đầu tư chẳng có một lời báo cáo với chính quyền, đơn vị chức năng để kịp thời ngăn chặn”.
 

Phá rừng có tổ chức

Theo ghi nhận của PV, ước tính có đến hàng trăm ngàn cây dương cổ thụ có độ tuổi từ 5 – 40 năm, đường kính từ 10cm – 50cm, đã bị cưa sát gốc. Hiện trường cho thấy, đây là một vụ phá rừng rất quy mô, có hệ thống. Đối tượng phá rừng bằng cưa máy, thậm chí sử dụng cả phương tiện cơ giới để mở đường vào rừng. Sau khi cưa hạ, cây lớn được vận chuyển khỏi cánh rừng, còn hiện trường thì được đốt cháy để xóa dấu vết, nhằm làm cũ đi vết cưa. Có điều khó hiểu ở đây là chỉ diện tích rừng được giao cho Cty CP Phong điện Phương Mai là bị phá?

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đây là một vụ phá rừng có tổ chức, rất chuyên nghiệp. Số cây dương cổ thụ bị cưa hạ khoảng 100.000 cây, ước tính bán gỗ cũng được khoảng 5-6 tỷ đồng.

20-30-54_5
Ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Chi bộ thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa), đứng tiếc nuối rừng dương bị tàn phá.

Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, chính quyền xã nắm ý kiến của người dân địa phương về việc rừng dương bị chặt phá và đã báo cáo vụ việc lên Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định, đơn vị này đã yêu cầu Cty CP Phong điện Phương Mai phải có biện pháp khắc phục trước mùa mưa năm 2019, đồng thời phải có biện pháp bảo vệ, trồng lại rừng.

Ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban QLKT tỉnh Bình Định, đơn vị được giao quản lý dự án phong điện Phương Mai 1, cho biết: “Chúng tôi đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Bình Định vào cuộc điều tra nguyên nhân rừng bị phá. Theo quy hoạch, chủ đầu tư dự án phong điện chỉ được phép chặt một số diện tích rừng đủ để trồng trụ điện gió, không được phá trắng”.

Thanh tra tỉnh Bình Định và Cảnh sát Môi trường tỉnh này đang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên. Một đại diện Công an tỉnh Bình Định nhận định rằng, vụ phá rừng này rất phức tạp, chưa có tiền lệ, các đối tượng huy động phá rừng rất quy mô ngay địa bàn sát nách TP Quy Nhơn. Nếu cánh rừng này còn chức năng phòng hộ thì xét theo mức độ nghiêm trọng có thể khởi tố và xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, năm 2015, diện tích rừng này đã chuyển đổi không còn chức năng phòng hộ nên việc xử lý sẽ rất phức tạp.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.