| Hotline: 0983.970.780

Cá nuôi biển chết, người nuôi lo lắng

Thứ Năm 10/04/2025 , 06:14 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Cá ở vùng nuôi biển duy nhất của Quảng Bình đang bị chết, người dân nghi do bị nhiễm váng đen trôi nổi bất thường trên biển.

Mấy ngày qua, những hộ nuôi biển của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lo lắng vì hiện tượng cá nuôi trong lồng chết không rõ nguyên nhân.

Ông Cao Minh Thái, Giám đốc Hợp tác xã cho hay: “Hiện váng đen trôi nổi trên biển đã hết nhưng cá nuôi trong lồng vẫn còn chết. Có lồng cá giống mới thả hơn tháng nay bị chết, có lồng cá đã chết khoảng 70% tổng số. Bà con sợ trường hợp này còn xảy ra”, ông Thái lo lắng nói.

Vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi người dân xã Quảng Đông phát triển nghề nuôi biển. Ảnh: T. Phùng.

Vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi người dân xã Quảng Đông phát triển nghề nuôi biển. Ảnh: T. Phùng.

Váng đen trôi nổi bất thường trên biển

Chiều ngày 7/4, anh Lê Văn Quân, một thành viên nuôi biển của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến gọi điện cho chúng tôi với giọng lo lắng: “Cá nuôi của bà con chết nhiều lắm. Mặt biển ở khu vực nuôi có nhiều váng màu đen trôi nổi. Cá bớp ăn ở tầng nổi nên ăn phải váng đen này và bị chết nhiều, kể cả cá đã nuôi 6 tháng cũng chết”.

Sáng 8/4, chúng tôi ra vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Ở vùng nuôi biển trời tạnh ráo, biển không có gió và sóng nhẹ. Mặt biển đã không còn những váng đen như bà con cung cấp thông tin nhưng cá nuôi trong lồng vẫn còn chết.

Theo anh Quân, mấy ngày trước trời có mưa và gió mạnh liên tục. Sau đó bà con ra thăm vùng nuôi thì thấy nhiều váng đen phủ trên mặt nước. “Khi tôi vớt váng đen này lên hai bàn tay thì cảm giác nó không dính nhớp như dầu, khỏa tay lên mặt nước thì tay cũng sạch và váng bọt tan chìm luôn”, anh Quân nói.

Váng đen nổi ở vùng nuôi biển. Ảnh: Người dân cung cấp.

Váng đen nổi ở vùng nuôi biển. Ảnh: Người dân cung cấp.

Vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến được bà con đưa vào nuôi biển từ 7 năm nay. Ban đầu các hộ nuôi nhỏ lẻ, tự phát, dần nhiều hộ đầu tư nuôi. Ở đây bà con chủ yếu nuôi các loại cá bớp, cá mú và một vài mô hình nuôi ốc hương, thả rong biển khai thác làm thực phẩm…

Đến nay, Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến đã có 8 thành viên nuôi 8 lồng. Mấy năm gần đây, sản lượng nuôi của Hợp tác xã đạt hơn 20 tấn cá thương phẩm, thu về khoảng 4 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, trên vùng biển này cũng đã có một số bà con đầu tư làm lồng bè nuôi cá bớp, cá mú biển.

Những người tham gia nuôi biển ở đây cũng xác nhận hiện tượng váng đen trôi nổi lần đầu tiên xảy ra trên vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến. Ông Cao Minh Thái, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại dịch vụ biển Vũng Chùa - Đảo Yến cho hay, toàn bộ diện tích vùng nuôi biển của bà con đều bị váng đen tràn lan. Bà con nghĩ đến do bụi than đá, nước mưa chảy từ bãi than bến cảng Hòn La gây nên nhưng không có căn cứ gì để kiểm chứng vì không vớt váng đen để giữ làm mẫu kiểm định và váng đen cũng không vón cục trôi dạt lên bãi biển.

Người nuôi biển kiểm tra cá nuôi trong lồng mỗi ngày. Ảnh: T. Phùng.

Người nuôi biển kiểm tra cá nuôi trong lồng mỗi ngày. Ảnh: T. Phùng.

“Nếu vùng nuôi bị ô nhiễm do nước thải, bụi than thì chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều lần vì khoảng cách gần và khó tránh khỏi. Khi đó bà con sẽ lấy mẫu lưu giữ để báo cho cơ quan chức năng”, ông Thái nói.

Chúng tôi cùng bà con đi về phía cảng Hòn La. Phía ngoài cổng, sát bên bờ biển là bãi than cao như những dãy núi lộ thiên, phơi trần trước nắng gió. Theo bà con, khoảng cách từ bãi than đến vùng nuôi biển chưa đầy 2 hải lý (khoảng 3,5km). “Không biết nước mưa từ bãi than có dẫn thẳng xuống biển không”, ông Thái đặt câu hỏi.

Lo lắng cho vùng nuôi biển

Mấy hôn nay, anh Nguyễn Thanh Chiến (xã Quảng Đông) như ngồi trên đống lửa. Trời mờ sáng anh đã ra vùng nuôi để xem cá còn chết hay không. Anh là một trong những hộ mới bắt đầu nuôi biển từ năm ngoái. Năm nay anh làm 4 lồng bè nuôi cá bớp. Lứa cá thả đầu tiên cách đây khoảng 6 tháng, đã được trên dưới 0,6kg mỗi con. Tưởng cá lớn thì không sao, nhưng rồi cũng lờ đờ và chết.

Cách đây hơn 1 tháng, anh Chiến mua 300 con giống cá bớp thả nuôi. Sáng 8/4 anh kéo thử lưới lên thì vẫn thấy cá chết hơn chục con và thêm mấy con lờ đờ bơi. “Mấy con cứ lờ đờ như vầy là sẽ chết. Số cá giống này giờ chỉ còn lại chừng 70 - 80 con. Mấy hôm trước cá chết nhiều lắm”, anh Chiến nói.

Cá bớp nuôi chết ở lồng trong những ngày qua. Ảnh: T. Phùng.

Cá bớp nuôi chết ở lồng trong những ngày qua. Ảnh: T. Phùng.

Hộ anh Lê Văn Quân nuôi cả cá bớp và cá mú với lượng cá giống thả gần 7 ngàn con. Năm nay, anh mở rộng diện tích lồng nuôi và thả thêm rong biển với hi vọng sẽ có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên tuần qua, cá trong lồng thi nhau chết nên mỗi ngày anh vớt cá chết lên đầy một rá nhựa lớn.

Anh lo lắng cho hay: “Gần tháng trước tôi thả thêm 3 ngàn cá giống thì nay cá chết lai rai nên rất lo. Tính đến nay hơn 1 nghìn con cá đã chết, không biết hiện tượng này có dừng lại hay không”. Anh Quân cũng cho hay, cả tuần qua, váng đen cứ lởn vởn quanh khu vực nuôi biển. “Lúc đêm qua có gió Bắc thổi mạnh nên sáng ra không còn thấy váng đen nữa nhưng cá vẫn tiếp tục chết”, anh Quân lo lắng.

Hộ anh Bùi Anh Tuấn (thành viên của Hợp tác xã) cá nuôi bị chết nhiều, thiệt hại nặng nhất. Mấy tháng trước anh Tuấn thả 1.500 con giống cá bớp (cá giống từ 18 - 20cm) với giá từ 40 - 45 ngàn đồng/con. Thức ăn chủ yếu của cá nuôi là các loại cá biển nhỏ được thả vào lồng cho ăn hằng ngày. Thấy cá ăn khỏe, chóng lớn, anh Tuấn rất vui và hi vọng vụ nuôi bội thu.

Anh Lê Văn Quân: 'Người nuôi biển ở đây lo lắng nhất là cá chết lại tái diễn do váng đen'. Ảnh: T. Phùng.

Anh Lê Văn Quân: “Người nuôi biển ở đây lo lắng nhất là cá chết lại tái diễn do váng đen”. Ảnh: T. Phùng.

Thế nhưng khoảng 2 ngày sau khi phát hiện váng đen bao vây khu nuôi biển thì cá bắt đầu chết. Do sáng nào mọi người cũng phụ nhau kéo lưới trong lồng lên để kiểm tra cá và vớt cá chết nên nắm rõ lượng cá còn lại trong lồng.

“Cá chết phải vớt lên ngay chứ không để cá sình nổi lên mặt nước sẽ làm ô nhiễm đến lồng nuôi. Đến nay kéo lưới kiểm tra, lượng cá chỉ còn lại khoảng 300 con. Như vậy, số cá chết đã hơn 1.200 con, tính sơ sơ thiệt hại cũng khoảng 50 triệu đồng”, anh Tuấn buồn bã.

Do bà con không báo cáo vụ việc nên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng chưa thể vào cuộc để xác định nguyên nhân. Sau khi váng đen không còn, một số bà con đã liên hệ bên cung cấp cá giống để tái thả nhằm bổ sung vào số cá đã chết.

Điều khiến bà con lo lắng nhất là hiện tượng váng đen tràn về có còn xảy ra nữa hay không. Nếu váng đen còn tiếp tục xuất hiện thì có thể phải tạm dừng nuôi biển ở đây. 

Xem thêm
Nuôi gà đồi sinh học bán theo con giá nửa triệu đồng

QUẢNG BÌNH Cơ sở này nuôi gà thả đồi thời gian dài 7-8 tháng, thịt gà săn chắc, thơm ngon nên bán lẻ theo con 500.000 - 600.000 đồng/con.

15 năm phát triển chương trình đào tạo ngành thú y theo chuẩn quốc tế

TPHCM Chiều 12/4, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức kỷ niệm 15 năm chương trình đào tạo tiên tiến ngành thú y - chương trình duy nhất đào tạo thú y bằng tiếng Anh.

Từ cánh đồng truyền thống đến vùng lúa phát thải thấp

ĐBSCL An Giang và Đồng Tháp đang tạo dấu ấn trong hành trình chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững vùng ĐBSCL.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Chuyện nước mắm, tương, nem chua... và vấn đề amin sinh học

Nhóm nghiên cứu amin sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam muốn giúp những sản phẩm lên men truyền thống của người Việt an toàn hơn, giá trị hơn, hướng tới xuất khẩu.

Đồng Tháp tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan

Đồng Tháp Việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Vương quốc Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng nhằm bảo tồn sếu đầu đỏ.