| Hotline: 0983.970.780

Hành trình hơn 30 năm của 'người sót lại cuối cùng'

Thứ Sáu 19/04/2019 , 08:30 (GMT+7)

“Muốn đi dài hãy đi với người nông dân, đó cũng là cách tri ân lại niềm tin và sự cống hiến, sự đùm bọc của họ”, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm nói thế khi kể về cuộc hành trình hơn 30 năm làm nông nghiệp hữu cơ.

Là người sáng lập và xây dựng Công ty Phân bón Sông Gianh trở thành đơn vị Anh hùng Lao động, là người khai sinh và đưa Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm trở thành một doanh nghiệp hàng đầu, đóng góp rất lớn cho mục tiêu 3 triệu tấn phân bón hữu cơ vào năm 2020 của Bộ NN-PTNT, ở tuổi 71, ông Nguyễn Hồng Lam vẫn thường nửa đùa nửa thật mình là “người sót lại cuối cùng trong cuộc hành trình hơn 30 năm làm nông nghiệp hữu cơ”.

Ông Nguyễn Hồng Lam: Muốn đi dài hãy đi với nông dân

Trong hồi ký “Tôi dòng sông và những cánh đồng” phần lớn kể về cuộc đời làm nông nghiệp hữu cơ, hay trong những cuộc tiếp xúc với người dân, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo bộ, ngành, trung ương, ông Lam luôn đặc biệt nhắc nhớ về cuộc gặp gỡ với giáo sư Phạm Văn Hữu, một việt kiều Canada quê ở Quảng Bình, người mà ông bảo “thầy đưa tôi vào con đường rất dài là con đường sát cánh với người nông dân để làm nông nghiệp hữu cơ”.

Cuộc hành trình “rất dài” ấy bắt đầu vào năm 1988. Giáo sư Phạm Văn Hữu là người đã chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh duy nhất cho ông Nguyễn Hồng Lam cùng với sự kỳ vọng vào thời điểm ấy rất xa vời, rất ít người nghĩ đến: Thúc đẩy một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc Việt.

Đúng là xa vời thật. Xa vời đến mức có những lúc cay đắng. Bởi kể từ điểm khởi đầu cho đến suốt mấy chục năm sau nữa thì trên bản đồ nền nông nghiệp Việt Nam, phân bón hữu cơ luôn chỉ chiếm số lượng cực kỳ khiêm tốn so với phân bón vô cơ, phân bón hóa học. Còn người được chuyển giao “sứ mệnh hữu cơ” như ông Nguyễn Hồng Lam, không ít lần mang sản phẩm công nghệ vi sinh đi khảo nghiệm, đi xin cấp phép chứng nhận đã bị người ta thẳng thừng từ chối.

“Nhớ lại những năm đầu cuộc hành trình, công nghệ sinh học, vi sinh là thứ gì đó xa lạ lắm. Ngay cả nhiều nhà khoa học khi nghe đến cũng nghi ngại, chưa tin vào hiệu quả. Còn những ý kiến xen lẫn định kiến thì nhiều vô kể. Nào là lo ngại về biến đổi gen, nào là chưa có nghiên cứu cụ thể, chưa thí điểm áp dụng… Chính Giáo sư Hữu, thầy tôi, trong những lần thuyết minh công nghệ này phải lấy khăn lau nước mắt bởi những câu hỏi phản biện kiểu: Sử dụng công nghệ sinh học con trâu ăn vào nó phình lên bằng con voi thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Nguyễn Hồng Lam kể về cuộc hành trình mà nếu chi tiết chắc phải mất đến cả ngày.

Những người quan tâm đến công nghệ vi sinh lúc bấy giờ sau này vẫn ôn lại với nhau rằng, hành trình đó gian nan đến mức, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất phân vân khi ra văn bản công nhận công nghệ phân vi sinh hợp chuẩn hợp quy xong rồi lại ra văn bản khác để phủ nhận, tạm dừng. Còn “người mang sứ mệnh” Nguyễn Hồng Lam, những ngày ấy, chạy như con thoi hết khắp các cửa để thuyết phục sự đồng thuận, đã có lúc mệt mỏi, nản chí, nhưng rồi, sự kỳ vọng từ người thầy và niềm tin thôi thúc ông quyết tâm phải làm bằng được.

Mất một thời gian nữa mới có được sự đồng thuận từ Nhà nước. Thông qua Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec), công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón đã được chuyển giao và tiếp nhận thành công (mầm vi sinh sống từ Canada, Mỹ được nhập khẩu vào Việt Nam để bảo quản và nhân rộng). Sau mẻ sản phẩm 200 tấn phân bón hữu cơ vi sinh đầu tiên ra lò được Bộ NN-PTNT đánh giá cao về chất lượng, ông Nguyễn Hồng Lam thành lập Công ty phân bón Sông Gianh, để rồi, nhờ chính những sản phẩm từng gây tranh cãi, từng phải chịu nhiều khổ sở ấy mà doanh nghiệp này nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Cứ tưởng thế là gian nan đã hết, nhưng sau đó, khi rời một đơn vị Nhà nước và thành lập Tập đoàn Quế Lâm, cái sự gian nan tiếp tục đeo bám ông Lam cùng các cộng sự. Công nghệ vi sinh đòi hỏi phải đi một chặng đường dài, để thuyết phục người dân thay đổi tư duy là việc cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, bằng tinh thần, sứ mệnh mà GS Hữu giao phó, thuyền trưởng Nguyễn Hồng Lam chèo lái Quế Lâm kiên định theo kim chỉ nam công nghệ hữu cơ vi sinh.

Để rồi, hơn 30 năm của ông Lam, 18 năm của Quế Lâm, từ một đơn vị ban đầu chỉ có năng lực sản xuất 50 ngàn tấn phân bón/năm bây giờ đã trưởng thành lên thành 500 ngàn tấn phân bón hữu cơ/năm, kế hoạch năm 2020 sẽ là 1,5 triệu tấn phân bón hữu cơ/năm. Sở hữu 13 công ty thành viên, trong đó có 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ trải đều trên khắp cả nước và 1 Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ sinh học, 146 sản phẩm phân bón đã đăng ký, mức tăng trưởng bình quân 25 - 30%/năm…

Bây giờ, gần như tuần nào cũng có đoàn công tác đến Tập đoàn Quế Lâm tìm hiểu, làm việc và mong muốn hợp tác với Tập đoàn để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Từ các địa phương, các cơ quan chuyên môn trung ương đến các đoàn thể… Thì ra, con đường ông Lam chọn từ hơn 30 năm trước bây giờ đã trở thành con đường tất yếu, con đường bắt buộc trong bối cảnh nền nông nghiệp đã quá tải chất độc, sự an toàn, bền vững trở nên vô cùng bức thiết.

Ông Nguyễn Hồng Lam (bìa phải): Trước khi hợp tác với bất kỳ đơn vị nào chúng tôi cũng phải tìm hiểu xem họ có đáng tin cậy không, có thể cùng mình đi đến cuối con đường hay không, có cùng chung mục đích, lý tưởng hay không… Bởi nếu có niềm tin, có sự thật tâm thì chắc chắn sẽ thành công thôi

Nếu nhìn vào thành tựu Quế Lâm hôm nay, thì có lẽ cũng chỉ có thể kiến giải bằng niềm tin mà thôi. Ngoài thành tựu trở thành doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ hàng đầu thì niềm tin với người nông dân, niềm tin vào chiến lược hữu cơ vi sinh đã giúp Quế Lâm cùng với người dân và các địa phương xây dựng nên chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ khắp đất nước.

Ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Sơn La... bây giờ, những người nông dân, những HTX đã sản xuất hàng nghìn ha lúa hữu cơ một năm. Đó đều là những thành tựu nông nghiệp hữu cơ ứng dụng 100% phân bón hữu cơ vi sinh và hữu cơ sinh học, với 6 không (không sử dụng thuốc trừ cỏ, không phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, không trồng trên đất và nước bẩn, không gần khu công nghiệp hoặc khu chăn nuôi để tránh ô nhiễm khói bụi và nước thải, không chất đánh bóng và chất bảo quản...).

Để người dân tin mình, Quế Lâm đã thu mua lúa với giá cao hơn thị trường tự do từ 1,3 - 1,5 lần. Sau một vài năm sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi, người sản xuất đã được sống trong môi trường trong lành, không bị ảnh hưởng do hóa chất độc hại, sức khỏe được cải thiện rõ rệt, thu nhập tăng hơn khoảng 3 triệu đồng/ha.

Ở thủ phủ chè như các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ... Quế Lâm cùng với người dân, HTX sản xuất 500ha chè hữu cơ, sinh thái vùng chè đã được cải thiện, người sản xuất tham gia theo chuỗi sản xuất hữu cơ không chỉ loại bỏ hóa chất trong sản xuất và chế biến chè mà còn sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó, tăng thu nhập hơn 10 triệu/ha so với sản xuất thông thường.

Xem ra, cái sự gian nan của người từng mang sứ mệnh phân bón hữu cơ chưa hết được. Nhưng tin rằng đó là sự gian nan rất đáng để tự hào.

Những thành tựu được xây dựng từ niềm tin ngày càng lan tỏa. Nhiều địa phương khắp cả nước đã tìm tới Quế Lâm để liên kết sản xuất cây ăn quả hữu cơ, hiện đã có 500 ha hữu cơ tại nhiều vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của cả nước...

Rồi cả những đóng góp vào mục tiêu 3 triệu tấn phân bón hữu cơ vào năm 2020 theo đề án của Bộ NN-PTNT, ông Lam nói, mỗi mình Quế Lâm có thể không nhanh được, nhưng nếu tiếp tục đi cùng với người dân thì lại là chuyện khác.

Bằng chứng là chỉ mới hợp tác với tỉnh Sơn La có vài ba tháng, Quế Lâm đã hỗ trợ người dân ở nơi vốn xa la với hữu cơ này sản xuất 12.000 tấn phân hữu cơ vi sinh, kế hoạch năm 2019 là sản xuất 50.000 nghìn tấn. 

”Mình nghiên cứu, sản xuất công nghệ men vi sinh rồi chuyển giao cho người nông dân, họ làm được hết. Với tiềm năng, với những phế phẩm, chất thải trong chăn nuôi, từ các nhà máy, từ sản xuất ở các địa phương, tôi nghĩ rằng nếu thực hiện tốt, người nông dân hoàn toàn có thể tự sản xuất hàng triệu tấn phân bón hữu cơ mỗi năm. 

Khi niềm tin đã đủ, Tập đoàn Quế Lâm sẽ truyền và cung cấp quy trình công nghệ, hỗ trợ bà con sản xuất phân bón từ phế phụ phẩm hữu cơ tại chỗ, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, góp phần gia tăng sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Kể cả những mục tiêu cao hơn nữa mà có sự chung tay ắt sẽ thành”.

Ông nói với tôi, niềm tin chính là thứ giúp ông vượt hành trình hơn 30 năm ấy. Niềm tin vào sự lựa chọn của bản thân, niềm tin vào người nông dân, mình tin họ và làm sao để họ tin mình thì có gian nan mấy rồi cũng sẽ thành công.

Dù là thời điểm khó khăn hay đến lúc vững mạnh như hiện tại, niềm tin tiếp tục là thứ ông Lam luôn nhắc tới trong những lần hợp tác với đối tác để cùng nhau sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cùng nhau đi tiếp cuộc hành trình: “Con đường mình đi nó đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại nên bắt buộc phải tin tưởng lẫn nhau. Trước khi hợp tác với bất kỳ đơn vị nào chúng tôi cũng phải tìm hiểu xem họ có đáng tin cậy không, có thể cùng mình đi đến cuối con đường hay không, có cùng chung mục đích, lý tưởng hay không… Bởi nếu có niềm tin, có sự thật tâm thì chắc chắn sẽ thành công thôi”.

 

Xem thêm
Nắng nóng kéo dài cộng mùa vụ liên tục, cây lúa đối mặt nhiều bất lợi

Plastimula 1SL là giải pháp hỗ trợ cây lúa vượt qua ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài trong giai đoạn đầu vụ hè thu.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Aquavina đồng hành cùng người nuôi tôm ĐBSCL

Aquavina đặt nền móng cho sự thành công của người nuôi tôm tại ĐBSCL bằng việc cung cấp các sản phẩm thuốc thú y thủy sản chất lượng cao.

Bình luận mới nhất