| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ Hai 02/09/2019 , 09:26 (GMT+7)

Vị Trung là xã nông thôn mới (NTM) thứ 4 của huyện Vị Thủy và là xã thứ 30/53 của tỉnh Hậu Giang.

Nhân dịp lễ quốc khánh 2/9, UBND huyện Vị Thủy đã long trọng tổ chức lễ trao quyết định công nhận xã NTM Vị Trung. Đây là sự kiện nhằm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện.

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang trao quyết định công nhận xã nông thôn mới cho đại diện chính quyền xã Vị Trung

Vào thời điểm đầu mới bắt tay xây dựng NTM (năm 2011), Vị Trung có xuất phát điểm thấp, khi chỉ đạt 2/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt dưới 8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%. Đồng thời, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chính vì vậy, vào thời điểm đó, Vị Trung được xem là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và chung sức chung lòng của người dân nên sau gần 10 năm phấn đấu không ngừng nghỉ, Vị Trung đã về đích NTM.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp của xã Vị Trung ngày càng mang lại hiệu quả cao

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, địa phương đã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và nhân rộng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả. Từ đó, hiện trên địa bàn xã có nhiều mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn một tỉ đồng/năm.

Nổi bật là mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, trồng nấm bào ngư theo dây chuyền khép kín, nuôi cá ruộng, chuyên canh rau màu, trồng cây ăn trái... Hiệu quả từ các mô hình sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả qua từng năm.

Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,41%. Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Đồng thời cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và tình hình an ninh trật tự luôn ổn định.

Người dân xã Vị Trung chăm sóc hàng rào cây xanh, tạo môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị, chính quyền và người dân xã Vị Trung cần xác định và đề ra các bước đột phá mới. Đồng thời, tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả và thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, phải  quản lý và sử dụng các công trình đã đầu tư được hiệu quả, đồng thời hàng năm đều đề ra kế hoạch củng cố, nâng chất các tiêu chí để sớm hướng đến xã NTM nâng cao.

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, kinh tế - xã hội của huyện Vị Thủy không ngừng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người năm 1999 là 4,7 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 là 39 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách Nhà nước đến nay là 523 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết, trong thời gian qua địa phương đã luôn tập trung chỉ đạo việc đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nổi bật là xây dựng cánh đồng lớn, mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sạ thưa theo hàng, cấy máy… Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín ngày càng hoàn thiện hơn, năm 1999 diện tích trồng lúa có đê bao khép kín chỉ là là 3.541 ha, đến nay là 15.600 ha, đạt 95% diện tích sản xuất lúa.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.