| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang: Tích cực chuyển đổi cây trồng

Thứ Sáu 11/10/2019 , 13:10 (GMT+7)

Với mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế, cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước nên người dân xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), đã và đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

10-05-50_hinh_chuyen_doi_cy_trong
Người dân xã Phụng Hiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi từ đất lúa, mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.

Phụng Hiệp là xã thuần nông, đa phần người dân nơi đây đều trồng hai cây trồng chủ lực là lúa và mía. Tuy nhiên, những năm gần đây, do việc canh tác lúa, mía không mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều nông dân ở xã Phụng Hiệp đã quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn trái với hy vọng sẽ cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình.

Một trong những mô hình chuyển đổi nổi bật hiện nay là bà con được Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh hỗ trợ cây giống bưởi da xanh (500 cây/ha), cộng với phân bón và khi bưởi có trái sẽ hỗ trợ thêm lưới bao trái, với tổng diện tích đang thực hiện là 25ha.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi rộng hơn 2ha của gia đình được hơn một năm tuổi, chị Lê Thị Thuyền ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp, phấn khởi thông tin: “Hơn 1.000 cây bưởi da xanh của tôi hiện nay đều được Văn phòng điều phối NTM tỉnh hỗ trợ cây giống, nhờ vậy mà tôi đỡ tốn một khoản chi phí.

Ngoài cây giống thì từ khi trồng đến nay, tôi và bà con trong mô hình còn được hỗ trợ 3 lần phân bón, đồng thời cán bộ kỹ thuật của xã thường xuyên đến hướng dẫn bà con cách chăm sóc, cũng như phòng trừ một số dịch bệnh trên cây bưởi. Từ đó, các vườn bưởi trong mô hình đang phát triển tốt”.

Hiện tại, các mô hình chuyển đổi đều mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho bà con. Nhờ việc chuyển đổi cây trồng đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đến cuối năm 2018 đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm, phấn đấu cuối năm nay đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 7,7% (157 hộ), cố gắng cuối năm nay giảm 77 hộ nghèo để còn tỷ lệ 3,94%.

Cũng theo chị Thuyền và nhiều bà con trong mô hình, trước đây khu vực này là đất trồng lúa và mía, tuy nhiên khoảng 2-3 năm gần đây nguồn thu nhập từ hai loại cây trồng này không mấy hiệu quả. Do đó, sau khi chính quyền địa phương vận động và có dự án hỗ trợ nên bà con quyết định bỏ lúa, mía để trồng bưởi da xanh.

Điều thuận lợi khi chuyển đổi là đã có liếp sẵn, chỉ cần đắp mô cao hơn mặt đất là có thể trồng bưởi nên chi phí ban đầu không nhiều. Mặt khác, vào thời gian cây bưởi còn nhỏ, người dân tận dụng đất trống để trồng xen rẫy dây như: bầu, bí, mướp... nhằm lấy ngắn nuôi dài.

Song hành cùng với dự án là chính quyền địa phương đã và đang tích cực thực hiện nạo vét kênh thủy lợi xung quanh và kết hợp làm bờ bao, cống hở, trạm bơm điện để khép kín diện tích, từ đó giúp người dân chủ động nguồn nước. Hiện tại, toàn xã Phụng Hiệp có 2 trạm bơm điện, 6 cống hở đảm bảo khép kín cho 425ha đất sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Ông Lê Văn Chí, Bí thư Đảng ủy xã Phụng Hiệp cho biết: Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế hơn là một trong những giải pháp trọng tâm được xã tích cực thực hiện trong những năm gần đây nhằm giúp người dân cải thiện nguồn thu nhập và giảm nghèo hiệu quả.

Qua đây, giúp địa phương đạt 2 tiêu chí số 10 và 11 trong xây dựng NTM. Do đó, ngoài 25ha bưởi da xanh và 17ha chanh không hạt được các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ, còn có không ít bà con khác cũng đẩy mạnh việc chuyển đổi từ cây lúa, mía, vườn tạp sang trồng mãng cầu xiêm, cam, sầu riêng, riêng diện tích dưa hấu chiếm trên 60ha.

Ông Lê Văn Chí: Để đạt các mục tiêu trong xây dựng NTM đề ra thì một trong những giải pháp quan trọng là địa phương tiếp tục khuyến khích người dân phát triển sản xuất kết hợp với chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời tạo thuận lợi cho hộ gia đình mở rộng thương mại - dịch vụ, cũng như quan tâm tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Mặt khác, không ngừng củng cố và nâng chất các tổ kinh tế hợp tác, đặc biệt là theo dõi thực hiện mô hình liên kết trồng bưởi da xanh, chanh không hạt và nhiều mô hình khác của người dân để có hướng tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới...

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất