| Hotline: 0983.970.780

Hãy rửa mặn thật nhanh

Thứ Hai 15/06/2020 , 09:01 (GMT+7)

Các nhà khoa học khuyến cáo, bà con nông dân không nên nôn nóng bón phân hóa học. Điều đầu tiên là phải rửa mặn thật nhanh.

Nhà vườn Bến Tre thiệt hại 1.200 tỷ đồng do ảnh hưởng của hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Nhà vườn Bến Tre thiệt hại 1.200 tỷ đồng do ảnh hưởng của hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Bến Tre thiệt hại nặng nhất

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre vừa tổ chức hội thảo “Giải pháp khắc phục thiệt hại cho cây trồng trước, trong và sau hạn mặn”.

Mùa khô 2019-2020, ĐBSCL chịu ảnh hưởng rất nặng nề của hạn mặn. Theo Trung tâm BVTV phía Nam, thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây ăn trái đến nay là khoảng 12.500 ha, thiệt hại 100% gần 2.900 ha.

Bến Tre là tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long và chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Năm 2020 sản xuất nông nghiệp tỉnh Bến Tre phải đối mặt với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn rất khốc liệt.

Mặn xâm nhập sớm, xâm nhập sâu, độ mặn cao có thời điểm trên 10‰. Thời gian mặn xâm nhập kéo dài, nên hầu hết diện tích các loại cây trồng đều bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.

Hiện, Bến Tre có gần 28.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng của hạn mặn, trong đó thiệt hại từ 30-70% trên 9.200 ha.

Ông Lao Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân Bến Tre cho biết: “Một số diện tích cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm tại 2 huyện Châu Thành, Chợ Lách bị thiệt hại nặng, năng suất và chất lượng các loại nông sản đều bị giảm... Ước giá trị thiệt hại trên lĩnh vực trồng trọt mà nông dân phải gánh chịu đến nay hơn 1.200 tỷ đồng”.

Cần rửa mặn thật nhanh

Ông Huỳnh Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre khuyến cáo: Điểm mấu chốt để khắc phục thiệt hại khi vườn cây ăn trái bị nhiễm mặn là phải tháo nước mặn ra thật nhanh.

Lúc này, cây trồng bị thiếu canxi nên bà con bón vôi sớm. Sau đó, bón phân hữu cơ, lân để phục hồi từ từ. Tùy từng loại cây trồng, bà con nên thực hiện các giải pháp khắc phục theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Ông Huỳnh Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre: Điểm mấu chốt là phải rửa mặn thật nhanh. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Huỳnh Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre: Điểm mấu chốt là phải rửa mặn thật nhanh. Ảnh: Minh Đảm.

Mưa đầu mùa còn ít, chưa đủ nước để rửa mặn. Kỹ sư Hồ Văn Xuyên, công tác tại Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương (đơn vị tặng hàng ngàn bao phân hữu cơ cho nông dân Bến Tre khắc phục hạn mặn trong năm nay) chia sẻ: Bà con khoan vội tưới nước cho cây.

Hiện đất chứa quá nhiều muối hòa tan, áp suất thẩm thấu quá lớn nên rễ cây không hút được nước. Tưới nước trong lúc này chỉ làm tăng nồng độ muối trong đất, gây thêm bất lợi cho rễ cây. Đồng thời cũng không nên bón bất cứ loại phân hóa học nào. 

Nếu có được nguồn nước sạch dù rất ít cũng có thể tận dụng cung cấp cho cây để duy trì sự sống bằng cách phun sương trên bề mặt lá vào chiều tối.

Lượng nước ít ỏi này, cộng với hơi nước của lớp sương đêm sẽ được lá cây hấp thu qua hệ thống khí khổng trên bề mặt lá, giúp cây tồn tại qua thời gian khắc nghiệt nhất của điều kiện ngoại cảnh.

Cơ chế sinh tồn này giống như trường hợp các loài thực vật sống trong điều kiện sa mạc hoặc ở các vùng bán khô hạn. Điều chúng ta có thể làm duy nhất trong giai đoạn chưa có mưa nhiều là cố gắng duy trì sự sống của cây, chờ đợi cơ hội để rửa mặn đất, cứu cây.

Cũng trong thời gian này, việc giữ lại hoa, quả trên cây cần được cân nhắc kỹ. Lúc này, cây mất khả năng huy động nước và dinh dưỡng dẫn đến rối loạn các hoạt động sinh lý. Cây nhanh chóng rơi vào trạng thái suy yếu, biểu hiện qua lá bị héo, khô đầu lá, cháy lá, thậm chí rụng lá.

Tốt nhất là loại bỏ toàn bộ hoa, quả đang có trên cây. Việc loại bỏ hoa, quả trên cây giúp cây đủ sức vượt qua các tác động xấu của hạn mặn gây ra.

Khi có đủ lượng nước dồi dào, bà con mới nên tiến hành rửa mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Khi có đủ lượng nước dồi dào, bà con mới nên tiến hành rửa mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Khuyến cáo từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, khi có đủ lượng nước thì bà con nên khai thông nước trong mương vườn để tưới đẫm nước ngọt lên mặt liếp, rửa phèn mặn tích cực, xới đất tạo thông thoáng cho rễ cây.

Kiểm tra pH trong đất trước và sau khi xử lý vôi. Lượng vôi bón nên phụ thuộc vào pH. Nếu pH < 3,5 bón 2-5 tấn/ha. PH từ 3,5-4,5 bón 1-2 tấn/ha. Từ 4,5-5,5 bón 0,5-1 tấn/ha. Tưới liên tục trong 7-10 ngày để rửa phèn nhanh.

Sau đó, kiểm tra độ mặn bằng máy đo EC, nếu độ mặn cao hơn 1,2 mS/cm cần tiếp tục rửa mặn. Sau khi bón vôi, bà con cần bón DAP với lượng 0,1-0,15kg/cây ở giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Giai đoạn kinh doanh thì bón 0,3-0,5 kg/cây và 5-10 kg super humic/ha. Tăng cường bón phân hữu cơ (10-20 kg/cây) có bổ sung nấm Tricoderma hoặc phân hữu cơ vi sinh 3-5kg/cây. Đồng thời cần tỉa bỏ bớt hoa, trái giúp cây phục hồi sinh trưởng tốt. Việc tỉa cành chỉ thực hiện sau khi cây đã phục hồi sau hạn mặn.

Khi mưa xuống thì bà con bắt đầu rửa mặn, cải thiện môi trường cho cây phát triển. Lúc đó sẽ có một số đối tượng sinh vật gây hại tấn công.

Ông Lê Quốc Cường, nguyên Giám đốc trung tâm BVTV phía Nam khuyến cáo: “Chúng tôi đã đưa ra các đối tượng gây hại phổ biến hiện nay để bà con hiểu biết thêm về tập tính sinh hoạt và gây hại.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cần hướng đến phòng trừ mang tính thân thiện với môi trường, tránh sử dụng quá nhiều hóa chất.

Các chi cục hoặc trạm BVTV địa phương cần mở rộng tập huấn. Đồng thời phát triển các vật liệu thông tin tuyên truyền như clip, tờ rơi, poster... để làm sao người nông dân nhận biết cách chăm sóc cây sau hạn mặn đúng giải pháp kỹ thuật của các nhà chuyên môn”.

Thạc sỹ Lê Quốc Cường, nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam khuyến cáo cần sử dụng các hóa chất BVTV thân thiện với môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Thạc sỹ Lê Quốc Cường, nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam khuyến cáo cần sử dụng các hóa chất BVTV thân thiện với môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Quy hoạch lại vùng trồng thích ứng biến đổi khí hậu

Hạn hán và xâm nhập mặn đã và đang xảy ra ở vùng ĐBSCL, nơi có vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích hơn 300.000 ha, để lại tác hại nặng nề đối với đất đai và cây ăn quả, rất khó đối phó và khắc phục trong một thời gian ngắn.

Về lâu dài, TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam đề xuất một số nhóm giải pháp cần được quan tâm và đầu tư trong thời gian tới.

Điều đầu tiên, các ngành chức năng cần đánh giá nguồn tài nguyên nước từng khu vực, quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi theo từng vùng. Từ đó, quy hoạch lại vùng trồng thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.  

Thứ hai, cần đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao về hạn, mặn và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nước tưới và sử dụng nước tưới, nên có hạn mức nước tưới trên một diện tích đất cần tưới cho từng loại cây, trên từng vùng đất.

Đồng thời, tăng cường nguồn dự trữ nước mặt để cung cấp nước trong mùa khô ở quy mô và cấp độ khác nhau. Bố trí thêm nhiều hồ chứa nước, kênh mương tưới, hệ thống dẫn nước. Các vườn cây, trang trại lập thêm các hồ chứa nước mưa quy mô vừa và nhỏ để dự trữ nước cho nhu cầu tưới.

TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo về lâu dài nên quy hoạch lại vùng trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Đảm.

TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo về lâu dài nên quy hoạch lại vùng trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Đảm.

Kế tiếp là phải tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu, thủy hải văn và nông nghiệp. Tuyên truyền, vận động tiết kiệm nước, không lãng phí nước, sử dụng nước hiệu quả và trách nhiệm.

Tập trung nghiên cứu ứng dụng các hệ thống tưới, thiết bị tưới, chế độ tưới thích hợp cho từng vùng, từng giống cây trồng để tăng hiệu quả sử dụng nước.

Nghiên cứu chọn tạo giống gốc ghép và giống thương mại có khả năng chống chịu với diều kiện hạn, mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng các mô hình (canh tác, giống chống chịu) thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh hại trên cây ăn quả và xây dựng quy trình quản lý tổng hợp hiệu quả.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.