Bước tiến lớn
Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp nước nhà đã có những bước tiến rõ rệt. Theo quyết định 911/QĐ-BNN-TCLN ngày 19/3/2019 của Bộ NN-PTNT về Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2018, tổng diện tích đất có rừng cả nước là 14.491.295 ha, trong đó rừng tự nhiên là 10.255.525 ha, rừng trồng là 4.235.770 ha. Tỷ lệ che phủ rừng là 41,65%.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu lâm sản Việt Nam trong năm 2019 đạt 11,2 tỉ USD, vượt 6% so với kế hoạch đề ra ban đầu là 10,5 tỉ USD và tăng 19,2% so với năm 2018. Nguồn cung gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bài toán hội nhập và tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng gỗ toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, việc quản lý chuỗi cung và truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp là một yêu cầu nghiêm túc và chính đáng của thị trường trong nước và quốc tế đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhằm tăng cường thực thi luật lâm nghiệp; quản trị rừng và thương mại lâm sản.
Lời giải bằng ứng dụng công nghệ thông tin
Hiểu được những khó khăn thời hội nhập, Bộ NN-PTNT đã giao Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) phát triển hệ thống quản lý chuỗi cung và truy xuất nguồn gốc thông minh – iTwood, một giải pháp thông minh nhằm phục vụ các doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia chuỗi cung ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
iTwood sẽ hỗ trợ thực hiện quy trình tuân thủ pháp luật bằng giải pháp số hóa để tạo lập Hồ sơ gỗ đảm bảo đầy đủ tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu rừng trồng, nhằm tăng cường sự minh bạch, truy xuất nhanh chóng nguồn gốc gỗ hợp pháp, chính xác và hiệu quả theo chuỗi cung gỗ và sản phẩm gỗ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp của doanh nghiệp và hộ gia đình.
Đánh giá về Hệ thống iTwood, ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp cho hay: “iTwood là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng cho quản lý chuỗi cung và truy xuất nhanh, chính xác, chứng minh sự minh bạch của nguồn gốc gỗ hợp pháp, hỗ trợ đắc lực chủ rừng quản lý tài sản rừng trồng và được cập nhật thường xuyên theo chu kỳ kinh doanh rừng trồng”.
Hệ thống iTwood sử dụng mô hình công nghệ điện toán đám mây iCloud để quản lý chuỗi cung và truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp. Mỗi khâu trong quy trình tạo lập Hồ sơ gỗ hợp pháp sẽ được cấp một mã vạch QR code, đảm bảo dòng chảy thông tin về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu từ khâu tạo rừng – khai thác – thương mại gỗ được liên tục. Khai sinh ra lô gỗ đầu tiên trước khi đi vào chuỗi cung.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu của iTwood cho phép phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử gỗ và sản phẩm gỗ cho các chủ thể tham gia thị trường ngành hàng gỗ Việt Nam, góp phần dự báo, phân tích và đánh giá thực trạng tuân thủ, tính toán giá trị sản xuất kinh doanh ngành lâm nghiệp hàng năm phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất và quản lý nhà nước ngành Lâm nghiệp.
Trong 2 năm (2017 - 2019), Dự án iTwood đã khảo sát nghiên cứu theo chuỗi hành trình sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ tại 8 tỉnh (Phú Thọ, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Bình Dương và Đồng Nai) để tạo lập cơ sở dữ liệu đầu vào cho việc xây dựng và phát triển giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin.
Qua các bước đầu tiên, Dự án đã đạt được những kết quả tích cực. Có thể nói phần mềm iTwood là giải pháp công nghệ thông tin số hóa quy trình tuân thủ pháp luật và tạo lập Hồ sơ gỗ đảm bảo đầy đủ tính hợp pháp.
Mặt khác, iTwood đã tích hợp được với Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) để tự động hóa quá trình tạo lập hồ sơ lô rừng, điều kiện tiên quyết tạo lập hồ sơ gỗ hơp pháp.
“Đặc biệt, iTwood sẽ góp phần nâng cao thương hiệu uy tín của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới, góp phần chuyển đổi 4,2 triệu ha rừng trồng gỗ nguyên liệu lên phương thức sản xuất, kinh doanh hiện đại theo kịp cuộc cách mạng 4.0 của nhân loại”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp Hoàng Liên Sơn khẳng định.