Năm 2030, hơn 30.700 ha lúa đạt các tiêu chí
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Sau một năm triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án), tỉnh Trà Vinh đã thực hiện được 3 vụ (hè hu 2024, thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025).
Qua thực tiễn áp dụng mô hình sản xuất theo Đề án đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 2,6 đến 4 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt từ 31 đến 50 triệu đồng/ha/vụ (tăng thêm 5,1 đến 7,6 triệu đồng/ha/vụ so với ngoài mô hình), 100% lượng rơm được lấy ra khỏi đồng ruộng, áp dụng tưới ngập khô xen kẽ làm giảm lượng khí phát thải từ 40 đến 50%.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Lê Hùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án tỉnh cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, diện tích đất trồng lúa của Trà Vinh đứng thứ 7 của cả nước (82.499 ha). Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác giữa người trồng lúa với hợp tác xã và doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh có khoảng 20% diện tích sản xuất lúa tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh nằm ngoài Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) nên bước đầu tiếp cận Đề án gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm và chưa được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng so với các địa phương tham gia Dự án VnSAT. Một số hộ dân chưa nhận thức đầy đủ về việc tham gia thực hiện mô hình của Đề án nên chưa thực sự quyết tâm, còn sản xuất theo tập quán cũ và có tư duy trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Đồng thời, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh chưa được đồng bộ nên chưa đáp ứng yêu cầu của việc áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Phần lớn các sản phẩm lúa gạo của tỉnh chưa được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, thiếu doanh nghiệp đầu tàu để đầu tư và bao tiêu, còn thiếu máy móc, kho chứa quy mô lớn đảm bảo nhu cầu sản xuất và bảo quản lúa gạo.

Một mô hình thí điểm Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Cảnh Kỳ.
Tỉnh Trà Vinh phấn đấu đến cuối năm 2025 thực hiện 10.550 ha và đến cuối năm 2030 thực hiện 30.736 ha đạt tiêu chí theo quy định. Để thực hiện được nhiệm vụ này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia thực hiện Đề án. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao cho hộ trồng lúa, tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp cũng như xử lý rơm rạ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh cũng sẽ tổ chức lại sản xuất theo các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm và các phụ phẩm trong sản xuất; Kiện toàn và củng cố hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng tại 42 xã đăng ký tham gia Đề án. Trà Vinh xác định đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu lúa các-bon thấp.

Tỉnh Trà Vinh phấn đấu đến cuối năm 2025 thực hiện 10.550 ha và đến cuối năm 2030 thực hiện 30.736 ha đạt tiêu chí theo quy định. Ảnh: Cảnh Kỳ.
Đặc biệt để hiệu quả lâu dài, tỉnh tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi đảm bảo đủ điều kiện để áp dụng sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; khuyến khích đầu tư trang thiết bị, máy móc, kho chứa, sấy, nhà máy chế biến phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến lúa gạo.
Giai đoạn 2024 - 2030, 30.000 hộ trồng lúa Vĩnh Long tham gia Đề án
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết: Tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch đăng ký tham gia Đề án giai đoạn 2024 - 2030 là 20.000 ha, chia thành 4 khu vực sản xuất tại 49 xã của 7 huyện, thị xã với khoảng 30.000 hộ trồng lúa.
Trong năm 2024, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện lồng ghép thông qua các mô hình áp dụng tiêu chí của Đề án (mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), mô hình 1 phải 5 giảm, mô hình sản xuất lúa bền vững). Kết quả các địa phương đã đăng ký tham gia thực hiện mô hình giai đoạn 1 (2025) là 1.045 ha. Tỉnh cũng đã triển khai các nội dung của mô hình chủ yếu về thực hiện giảm mật độ gieo sạ, giảm phân đạm, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long kiểm tra quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Văn Dũng.
Tuy nhiên, do diện tích canh tác lúa của tỉnh Vĩnh Long nhỏ lẻ, không phân bố tập trung, nên công tác rà soát, đánh giá, tập hợp vùng sản xuất tập trung còn nhiều khó khăn. Theo kết quả khảo sát của Đoàn khảo sát của Cục Trồng trọt, để lựa chọn mô hình đo phát thải (thí điểm) thì hệ thống thủy lợi vận hành phục vụ ngập khô xen kẽ một vài nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên nhân là từ trước tới nay Vĩnh Long tập trung đầu tư khép kín các ô đê bao lớn có diện tích từ 400 hecta trở lên, việc kiểm soát nước tưới tiêu đạt yêu cầu về sản xuất và dân sinh, tuy nhiên trong các ô đê bao này thì nhà ở dân cư, vườn, ruộng xen lẫn nhau vì vậy chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Đề án.

Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 20.000 ha trồng lúa theo Đề án và chia thành 4 khu vực sản xuất tại 49 xã của 7 huyện, thị xã với khoảng 30.000 hộ tham gia. Ảnh: Lê Hùng.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân và người nông dân tham gia Đề án, hình thành các vùng sản xuất tập trung, từng bước hoàn thiện các tiêu chí về sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
Đồng thời từng bước hoàn thiện hạ tầng sản xuất, kỹ thuật sản xuất, tổ chức liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ, tổ chức tập huấn, chuyển giao cho hộ trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững, biện pháp xử lý rơm rạ, các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số.
Tỉnh Vĩnh Long khuyến khích nông dân áp dụng các kỹ thuật giảm phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiết kiệm nước - ngập khô xen kẽ. Tăng cường công tác khuyến nông đào tạo, chuyển giao công nghệ cho phát triển sản xuất lúa phát thải thấp, trong đó ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ chức khuyến nông cộng đồng.
Ngoài ra, sẽ tổ chức các vùng trồng lúa thành các hợp tác xã, tổ hợp tác hay các tổ chức của nông dân, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, hộ sản xuất để cung cấp đầu vào chất lượn. Hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ trồng lúa. Tổ chức thí điểm thực hiện gắn với đo đạc báo cáo đánh giá làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước.