| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống thủy lợi ‘ăn ké’, tôm nuôi thiếu nước biển sạch

Chủ Nhật 03/12/2023 , 15:18 (GMT+7)

Kiên Giang Tôm nuôi nước lợ đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành nông nghiệp Kiên Giang nhưng hệ thống thủy lợi vẫn phải ‘ăn ké’ từ nông nghiệp nên tôm nuôi ‘khát’ nước biển sạch. 

Tôm công nghiệp khó phát triển do thiếu thủy lợi

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2023 của tỉnh đạt 136.241 ha, gồm nuôi thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp, tôm – lúa và quảng canh cải tiến, sản lượng thu hoạch ước đạt 121.000 tấn. Trong đó, loại hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp có tỷ trọng thấp nhất về diện tích, với 4.341 ha thả nuôi nhưng cho sản lượng lớn với trên 40.800 tấn.

Nhiều vùng nuôi tôm ở Kiên Giang chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi chuyên biệt, chưa có đường cấp và thoát nước riêng biệt, nên tôm nuôi luôn trong tình trạng 'khát' nguồn nước biển sạch. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều vùng nuôi tôm ở Kiên Giang chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi chuyên biệt, chưa có đường cấp và thoát nước riêng biệt, nên tôm nuôi luôn trong tình trạng “khát" nguồn nước biển sạch. Ảnh: Trung Chánh.

Tuy diện tích thả nuôi và sản lượng tôm công nghiệp, bán công nghiệp đều tăng, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu về diện tích theo kế hoạch hàng năm. Nguyên nhân tôm nuôi công nghiệp của tỉnh Kiên Giang chậm phát triển có một phần là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, giao thông, điện... chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng diện tích nuôi tôm.

Trong đó, nhiều vùng nuôi tôm chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi chuyên biệt, vẫn phải "ăn ké" từ nông nghiệp, chưa có đường cấp và thoát nước riêng biệt, nên tôm nuôi luôn trong tình trạng “khát" nguồn nước biển sạch.

Kiên Lương là huyện có diện tích thả nuôi tôm công nghiệp tập trung và lớn nhất tỉnh Kiên Giang. Ông Võ Quang Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương cho biết, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện hiện đạt 2.800 ha, với 120 hộ nuôi và 4 doanh nghiệp, tổng sản lượng hàng năm khoảng 29.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 884 ha, năng suất bình quân 20-25 tấn/ha/vụ.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh và UBND huyện đã tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất, nhất là lĩnh vực nuôi tôm. Cụ thể, đã tiến hành nạo vét được 29 tuyến kênh để cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản với chiều dài hơn 37 km. Gia cố 2 tuyến bờ bao với chiều dài trên 110 km, sửa chữa 17 cống, 2 tuyến đê bao... với tổng giá trị khối lượng hoàn thành hơn 25,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với tiềm năng lợi thế và nhu cầu phát triển nuôi tôm công nghiệp hiện nay thì mức đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực trạng kết cấu hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn huyện Kiên Lương còn yếu kém và chưa đồng bộ. Nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đang gặp nhiều khó khăn, khó có thể đáp ứng được nhu cầu.

Chính sách có nhưng khó tiếp cận

Xác định tôm nuôi nước lợ là một trong những ngành sản xuất quan trọng của tỉnh, nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp là mô hình đặc trưng và quan trọng trong cơ cấu nuôi tôm của tỉnh Kiên Giang, theo định hướng phát triển chung, địa phương sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm tôm nuôi.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cần tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp tiếp cận và áp dụng các chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đã ban hành trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Phần lớn công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Kiên Lương trước đây được đầu tư phục vụ cho nông nghiệp, giờ phục vụ cho cả nuôi tôm nên khó đáp ứng được yêu cầu. Ảnh: Trung Chánh.

Phần lớn công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Kiên Lương trước đây được đầu tư phục vụ cho nông nghiệp, giờ phục vụ cho cả nuôi tôm nên khó đáp ứng được yêu cầu. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể, HĐND tỉnh Kiên Giang đã có Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn.

Theo đó, hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm hỗ trợ đầu tư hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện, cấp thoát nước đến vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện với mức hỗ trợ tối đa 30% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình, 20% mua máy móc thiết bị.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hợp tác xã nuôi trồng thủy sản còn nhiều khó khăn. Các dự án nuôi thủy sản chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, thủ tục để tiếp cận vốn vay của dự án nuôi thủy sản còn phức tạp, rườm rà.

Đặc biệt là các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp để ngân hàng thẩm định và cho vay. Việc cho vay đối với nuôi thủy sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên các ngân hàng thường ngại cho vay nên phạm vi các đối tượng được vay vốn ưu đãi trong nuôi trồng thủy sản còn hạn chế.

Hạ tầng phục vụ sản xuất như thủy lợi, điện, giao thông của một số vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp tại Kiên Lương như khu vực núi Mây (xã Dương Hòa) và khu vực phía bắc kênh Rạch Giá - Hà Tiên (xã Hòa Điền) chưa được đầu tư đầy đủ, đúng mức nên rất khó mở rộng diện tích vùng nuôi.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.