| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực nuôi tôm nước lợ: [Bài 5] Đẩy mạnh nuôi tôm công nghệ cao

Thứ Sáu 23/09/2022 , 18:13 (GMT+7)

Nam Trung bộ đang đẩy mạnh phát triển nuôi tôm áp dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái nhằm đưa nghề nuôi tôm đi theo hướng bền vững.

Bình Định quyết liệt

Bình Định là tỉnh có thế mạnh nuôi trồng thủy sản nhờ điều kiện thời tiết và vùng tiểu khí hậu phù hợp với nuôi tôm công nghệ cao. Khai thác thế mạnh này, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho ngành chức năng phối hợp với các địa phương phát triển nuôi tôm áp dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái nhằm đưa nghề nuôi tôm đi theo hướng bền vững.

Bình Định quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghệ cao, thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính và công nghệ vào đầu tư. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghệ cao, thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính và công nghệ vào đầu tư. Ảnh: V.Đ.T.

Hàng năm, Bình Định đưa vào sử dụng khoảng hơn 2.000 ha diện tích mặt nước để nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm chưa đạt hiệu quả cao nhất. Bởi, diện tích mặt nước đưa vào nuôi tôm ở tỉnh này còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức.

Tại nhiều địa phương hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt là Bình Định chưa có doanh nghiệp nào gắn kết với người dân xây dựng chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản và tiêu thụ sản phẩm, nên đầu ra và giá sản phẩm thường không ổn định, thu nhập của người nuôi tôm không cao. Do vậy, giá trị sản xuất cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trước thực tế trên, trong thời gian tới, Bình Định quyết đưa nghề nuôi tôm đi theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nhằm ổn định thu nhập cho người nuôi. Điều tiên quyết trong định hướng này là Bình Định quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghệ cao, thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính và công nghệ vào đầu tư. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng Bình Định chọn để tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bình Định quyết đưa nghề nuôi tôm đi theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định quyết đưa nghề nuôi tôm đi theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: V.Đ.T.

“Để thực hiện mục tiêu nói trên, Sở NN-PTNT Bình Định đã kiểm tra tất cả các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh quy hoạch một số vùng nuôi tôm công nghệ cao. Đến nay, Bình Định đã quy hoạch vùng nuôi tôm áp dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với diện tích 460 ha, và tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát) diện tích 150 ha”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Không dừng lại ở đây, Bình Định còn chủ động mở rộng khu sản xuất tôm giống công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc tại huyện Phù Mỹ, đồng thời hình thành chuỗi sản xuất tôm giống công nghệ cao giữa tập đoàn nói trên với các hộ nuôi tôm tại các huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Tại các khu nuôi tôm công nghệ cao được xây dựng các phân khu chức năng như nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao.

Khánh Hòa tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ

Về định hướng phát triển nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh, theo bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết, trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi tôm thâm canh của tỉnh; nuôi kết hợp và quảng canh cải tiến ở các vùng môi trường nhạy cảm (tôm sú, nhuyễn thể,..).

Trồng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi đa dạng sinh học. Đối tượng nuôi chủ lực là tôm chân trắng, ốc hương, cá biển nuôi ao… Hướng tới không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm tôm.

Khánh Hòa sẽ tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi tôm thâm canh của tỉnh. Ảnh: K.S.

Khánh Hòa sẽ tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi tôm thâm canh của tỉnh. Ảnh: K.S.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa tăng cường áp dụng khoa học-công nghệ vào quá trình nuôi tôm để tăng năng suất, tạo sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ứng dụng rộng rãi Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), nuôi trồng thủy sản có chứng nhận.

Khánh Hòa quyết tâm đầu tư phát triển ngành tôm theo chuỗi giá trị hay chuỗi liên kết; liên kết dọc giữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Khánh Hòa.

Đối với sản xuất giống tôm nước lợ, Khánh Hòa sẽ quy hoạch lại các trại sản xuất giống trên địa bàn toàn tỉnh để có thể chủ động trong việc cung cấp lượng con giống có chất lượng tốt cho người nuôi thương phẩm trong tỉnh. Tiếp tục xây dựng chính sách để hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi đối với các đơn vị sản xuất tôm giống đủ điều kiện đầu tư vào khu sản xuất giống tập trung tại xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa).

Nuôi tôm công nghệ Semi Biofloc ở xã Ninh Phú. Ảnh: KS.

Nuôi tôm công nghệ Semi Biofloc ở xã Ninh Phú. Ảnh: KS.

Với sự hỗ trợ của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển biền vững (CRSD), Khánh Hòa đã xây dựng và hình thành vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân có quy mô 110 ha với cơ sở hạ tầng đã hoàn chỉnh bao gồm: hệ thống giao thông, cấp, thoát nước biển, nước ngọt cho sản xuất giống và sinh hoạt; kênh thoát nước, ao trữ nước ngọt, ao xử lý nước thải, hệ thống cấp điện; trạm xử lý và bơm cấp nước; khu quản lý và kiểm định chất lượng tôm giống…

“Đến nay, giai đoạn 1 của dự án với quy mô 60 ha đã hoàn thành, với 29 ha dùng cho xây dựng cơ sở hạ tầng và 31 ha (9 lô) kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống, công suất dự kiến đạt 6 tỷ con giống/năm”, bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho hay.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Phối hợp xử lý tàu cá bị mất kết nối giám sát hành trình trên biển

BÌNH THUẬN Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá nhằm nỗ lực tháo gỡ 'thẻ vàng' EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.