Những năm gần đây, việc nuôi tôm ở Cần Giờ gặp nhiều khó khăn khiến nhiều hộ nuôi phải đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và năng suất tôm.
Phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở Cần Giờ
Những năm gần đây, việc nuôi tôm ở Cần Giờ gặp nhiều khó khăn khiến nhiều hộ nuôi đã phải đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và năng suất tôm.
Nghề nuôi tôm vốn vất vả và đầy rủi ro, thường xuyên đặt người nông dân vào tình thế "được ăn cả ngã về không". Có những vụ tôm trúng kỷ lục với hàng tỷ đồng, nhưng cũng có những lúc vì nhiều lý do khác như: mưa bão, nguồn nước, kỹ thuật… khiến họ lâm vào cảnh mất trắng.
Do đó, làm thế nào để người nuôi tôm không phải chịu cảnh "tay trắng" sau mỗi mùa vụ, không chỉ là nỗi trăn trở, mà còn trở thành một "nguồn cảm hứng" kích thích các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực áp dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, cùng bắt tay vào tìm hướng giải quyết.
Những năm gần đây, việc nuôi tôm ở huyện Cần Giờ, TP.HCM gặp nhiều khó khăn Nhằm hạn chế tình trạng trên, nhiều hộ nuôi tôm đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các biện pháp công nghệ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và năng suất tôm.
do thời tiết và một số tác nhân khác khiến dịch bệnh thường xảy ra. Để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, một bộ phận người nuôi đã sử dụng thuốc, các chất hóa học không an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người.
Điển hình như giải pháp công nghệ xử lý nước đầu vào của Huetronics giúp người nuôi tiết kiệm được tối thiểu 50% chi phí, so với việc sử dụng hóa chất truyền thống nhiều rủi ro.
Đây là ao nuôi của gia đình ông Trịnh Đức Thuấn, ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Trước kia ông nuôi tôm sú chủ yếu trong ao đất, phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết và hay xảy ra dịch bệnh nên năng suất kém. Năm 2010, nhờ sự tư vấn của Trung tâm khuyến nông thành phố, ông chuyển đổi sang nuôi giống tôm thẻ chân trắng thâm canh trong ao lót bạt đáy.
Mô hình này giảm thiểu rủi ro tôm chết, vì người nuôi có thể quản lý được các chỉ tiêu môi trường, hạn chế những ảnh hưởng xấu của thời tiết lên ao tôm. Ngoài ra, hệ thống tự động hóa hút chất thải, sục khí oxy liên tục,…sẽ giúp tôm phát triển nhanh và ổn định.
Sau 2 giai đoạn nuôi (khoảng 3 tháng), tỉ lệ sống của tôm có thể đạt trên 80%. Qua đó, đem lại sản lượng cao khi thu hoạch cho người nuôi.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cần có lộ trình và thực hiện trong thời gian dài, phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, như nước, thức ăn, con giống... Mọi quy trình chăm sóc ao tôm đều được ghi chép cẩn thận vào nhật ký.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cần Giờ có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng ao nuôi và nguồn vốn còn hạn chế. Nhiều nông dân vẫn còn tập quán cũ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Do đó, ngành nông nghiệp thành phố có chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thay đổi cách nghĩ, và phương pháp nuôi tôm theo hướng bền vững, tăng cường các lớp tập huấn, hỗ trợ kiến thức cho người nuôi trồng; kêu gọi nhà đầu tư để bảo đảm chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý.
Với định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian tới địa phương sẽ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, để đảm bảo đầu ra bền vững.
Đồng thời, sẽ có các chính sách hỗ trợ vốn, hướng dẫn thủ tục cho nông dân triển khai xây dựng các mô hình nuôi công nghệ cao, để nâng tầm giá trị sản phẩm.
Đến nay mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn huyện Cần Giờ được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để nhân rộng và tiến tới thay thế hoàn toàn các quy trình nuôi tôm truyền thống, nhằm nâng cao giá trị con tôm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là tư duy sản xuất của nông dân, trong đó nguồn vốn và khoa học kỹ thuật là nền tảng cần thiết để thực hiện sự chuyển đổi có tính chất bước ngoặt này.
Nếu hội tụ đủ các yếu tố cần thiết trên thì hoàn toàn có thể hy vọng vào một ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.