Hiện nay, ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày càng tăng. Cùng với việc sử dụng hệ thống xi phông để loại bỏ bùn đáy ao, chất thải, lượng thức ăn dư thừa, hệ thống này giúp môi trường ao nuôi sạch và ổn định hơn. Từ đó, tôm được chăm sóc, quản lý tốt trong suốt quá trình phát triển theo phương châm phòng bệnh hơn trị bệnh.
Ông Nguyễn Văn Mắn, ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên đang ứng dụng mô hình này đánh giá, trước đây việc kiểm tra môi trường ao nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm quan sát bằng mắt, không có dụng cụ đo, nên độ chính xác không cao, tôm dễ bệnh. Hiện nay, hệ thống xi phông giúp ông nhận biết chính xác chất lượng nguồn nước, phát hiện sớm dịch bệnh trên tôm, hiệu quả sản xuất mang lại cao hơn.
Huyện Trần Đề là một trong những địa phương phát triển mạnh nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng, với diện tích thả nuôi hàng năm trên 4.500ha. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, trước những diễn biến thất thường của thời tiết, loại hình kinh tế này đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh phát sinh.
Mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Hội Nông dân huyện Trần Đề tổ chức chương trình tập huấn “Kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho tôm thẻ chân trắng” cho các hộ nuôi ở xã Trung Bình.
Chương trình với mục tiêu cung cấp những kiến thức cơ bản về kỹ thuật quản lý môi trường nuôi tôm cũng như các biện pháp phòng trị bệnh cho tôm nuôi, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đánh giá, việc nâng cao kiến thức, kỹ thuật phòng, trị bệnh cho tôm nuôi là một trong những công tác quan trọng tiến đến giảm thiểu thiệt hại cho ngành tôm.
Thời gian qua, hoạt động này được ngành chăn nuôi và thú y lồng ghép trong hầu hết các chương trình hành động. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường giám sát, kiểm soát chất lượng con giống, thành lập các nhóm xét nghiệm thú y thủy sản lưu động đến tận vùng nuôi để hỗ trợ bà con nông dân.
Với những hộ mới bắt đầu phát triển mô hình nuôi tôm nước lợ, để đạt hiệu quả và năng suất, bà con nông dân được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện tốt khâu chuẩn bị ao nuôi. Điển hình, với những ao nuôi mới, cần thực hiện tốt công đoạn đào ao, đắp bờ, rải vôi xử lý phèn, sau đó tiến hành lấy nước vào và diệt khuẩn. Riêng đối với những ao nuôi cũ cần tháo cạn nước, sên vét rửa phơi ao, gia cố bờ ao. Sau đó rải vôi và cho nước vào.
Bên cạnh đó, một số yếu tố kỹ thuật như làm lưới rào quanh ao, lắp quạt nước hoặc máy cung oxy, tiến hành khử trùng nước, cấy phiêu sinh cũng cần được chú trọng thực hiện. Song song đó, việc quản lý, kiểm soát các yếu tố môi trường như: Độ pH, nhiệt độ, lượng oxy hòa tan... cũng rất quan trọng nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đa số các hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng rất chuyên nghiệp trong việc sử dụng các thiết bị giám sát môi trường nước hay lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động. Bà con cần thực hiện đo các thông số môi trường 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều, giúp nhận biết chính xác và sớm nhất dịch bệnh trên tôm.
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho thấy, chi phí thức ăn trong nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hiện chiếm từ 50 - 60% tổng chi phí đầu tư. Do đó, việc quản lý và cải tiến quy trình cho ăn là một trong những biện pháp kiểm soát dịch bệnh đúng cách và khoa học.
Với khu nuôi quy mô 4,4ha, anh Trương Rô Sa ở ấp Khu 2, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên là một trong những hộ nuôi tiên phong ứng dụng mô hình nuôi tôm trong nhà mái. Bên cạnh đó, anh đầu tư thêm sàn cho ăn tự động tại mỗi ao nuôi. Nhờ đó, thức ăn được rải đều khắp ao, hạn chế thất thoát.
Thực hiện phương châm “nuôi nước trước khi nuôi tôm”, anh Rô Sa đặc biệt thiết kế hệ thống xử lý nước tự động 24/24 giúp kiểm soát tốt khí độc và chất thải trong ao nuôi, đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho từng ao.
Nuôi tôm trong nhà mái kết hợp ứng dụng cơ giới hóa khâu cho ăn, xử lý nước đã giúp tôm nuôi của gia đình anh Rô Sa hạn chế tốt ảnh hưởng do tác động từ yếu tố môi trường, nhiệt độ. Tôm phát triển trong điều kiện đảm bảo nên đạt được kích cỡ lớn khi thu hoạch. Hai vụ nuôi liên tiếp, anh Rô Sa thu về kích cỡ tôm là 15 con/kg.
“Việc cho tôm ăn hiện nay dễ dàng rất nhiều vì có thể điều khiển bằng công tắt hay phần mềm được cài sẵn trên điện thoại. Cách làm này sẽ kiểm soát, điều chỉnh được lượng thức ăn để tránh hao hụt, tiết giảm được phần nào chi phí trong sản xuất”, anh Rô Sa bộc bạch.
Theo phương pháp nuôi thủ công, bà con nông dân thường cho tôm ăn bằng cách rải đều thức ăn xuống ao. Cách làm này khiến lượng thức ăn phân phối không đồng đều trên mặt ao, dẫn đến dư thừa, kích cỡ tôm không đồng đều, hệ số chuyển hóa thức ăn kém và chất lượng nước giảm rõ rệt. Do đó, việc ứng dụng máy móc, công nghệ trong khâu cho ăn một lần nữa khẳng định tầm quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành tôm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, hàng ngày bà con nông dân cần quan sát biểu hiện và sức ăn của tôm. Định kỳ chài tôm lên để kiểm tra sức khỏe, phát hiện bất thường và can thiệp kịp thời. Một số bệnh phổ biến trên tôm nuôi ở Sóc Trăng hiện nay là đen mang; đóng rong do vi khuẩn và Protozoa; đốm đen do vi khuẩn vibrio... Tôm mắc các bệnh này sẽ giảm hoặc bỏ ăn, chậm lớn, những trường hợp bệnh nặng ruột tôm rỗng, gan tụy nhợt nhạt.