Tại Thanh Hóa, ngoài các vụ nuôi chính trong năm, nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống hạ tầng để nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông, mang lại hiệu quả cao.
Trong vài năm trở lại đây, cùng với định hướng và chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thanh Hóa, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đã quyết định đầu tư, áp dụng các công nghệ mới để giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi, đặc biệt là nuôi tôm vụ đông nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường nuôi.
Tại Thanh Hóa, ngoài các vụ nuôi chính trong năm, nhiều hộ dân đã đầu tư hệ thống hạ tầng để nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông. Vụ đông thời tiết giá lạnh, con tôm chậm lớn, rủi ro dịch bệnh cao, song cũng vì khó nuôi nên tôm vụ đông thường khan hiếm và có giá rất cao. Đây chính là cơ hội để người nuôi tôm thu lãi lớn.
Anh Hồ Văn Dương (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) hiện có 6,5ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng với 34 ao nuôi tôm, trong đó có hơn 2ha nuôi trong nhà màng. Sản lượng tôm trung bình hằng năm đạt khoảng 160-200 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, anh Dương thu lãi khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Anh Dương cũng là một trong số các hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông. Theo chủ đầm tôm, nuôi tôm vụ đông cần lưu ý các yếu tố tác động khách quan để đảm bảo tôm phát triển đúng theo từng giai đoạn.
Phỏng vấn anh Hồ Văn Dương: “Trong nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông, quan trọng nhất là kiểm soát khí độc do môi trường tác động. Nếu kiểm soát được việc này thì tôm nuôi vụ đông rất hiệu quả. Do đó cần phải sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước…”
Vụ Đông năm 2023, anh Dương thả 100 nghìn con giống tại 12 ao nuôi được trang bị đầy đủ hệ thống sục nước, nhà màng, quạt nước. Vụ Đông năm nay, các ao nuôi tôm công nghệ cao của anh Dương hứa hẹn cho sản lượng khoảng 50 tấn.
Phỏng vấn ông Phan Văn Dung, PCT phường Hải Châu: “Việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên đồng đất Hải Châu trong những năm qua đạt hiệu quả cao. Ngoài vụ chính, thì nuôi tôm thẻ chân trắng có thể nuôi quanh năm, đem lại hiệu quả, năng suất tốt. Chúng tôi sẽ động viên, tạo mọi điều kiện cho người dân chuyển đổi nuôi quảng canh sang nuôi công nghệ cao để giảm rủi ro, tăng thu nhập…”.
Phường Hải Châu có 130ha nuôi tôm, trong đó có hơn 36ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. Nhiều hộ đã xây dựng được nhà màng trang bị đầy đủ cơ sở vật chát kỹ thuật để nuôi tôm quanh năm.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn, đặc biệt là nuôi vụ đông đang gặp khó về vốn, kỹ thuật nên nhiều người không mặn mà với vụ đông. Có hộ gia đình chỉ dám đầu tư dè dặt nuôi tôm vụ Đông vì sợ thua lỗ, có hộ dân thì bỏ ao đầm vì thời tiết không thuận lợi.
Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thủy, tổ dân phố Nam Châu, phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn: “Khó khăn nhất của người nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông là tài chính, con giống, khoa học kỹ thuật chưa được tiếp cận đến nơi đến chốn, chúng tôi mong muốn cấp có thẩm quyền cố gắng giúp đỡ người dân hoàn thành vụ đông.
Theo lãnh đạo phường Hải Châu, mặc dù địa phương có tiềm năng phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao, tuy nhiên, để phát huy hiệu quả mô hình này, cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm tháo gỡ khó khăn về quy hoạch, hạ tầng cho các hộ nuôi.
Phỏng vấn ông Phan Văn Dung, PCT Phường Hải Châu: “Về lâu dài, một số diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng được quy hoạch sang mục đích khác, cho nên bà con chưa thật sự yên tâm phát triển. Phường Hải Châu đề nghị các cấp các ngành nghiên cứu tạo cơ chế cính sách, giúp bà con nhân dân phát triển ổn định diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng.
Năm 2023, tổng sản lượng nuôi tôm chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa đạt 11.300 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 1.500 tỷ đồng, trong đó mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao nuôi trong nhà màng, nhà lưới đến hết năm 2023 đạt 170ha; sản lượng đạt 20-35 tấn/ha/vụ, cho lợi nhuận từ 300-600 triệu đồng/ha/vụ.
Việc phát triển nuôi tôm công nghệ cao đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng thủy sản. Với các hình thức nuôi này đã làm thay đổi tập quán nuôi tôm truyền thống của người dân. Đồng thời, góp phần tích cực trong việc thực hiện kế hoạchvề phát triển ngành tôm tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.