| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh

Hiểm họa tiềm ẩn trong mùa mưa bão

Thứ Năm 08/09/2022 , 06:04 (GMT+7)

Mùa mưa bão năm 2022 đã đến, tuy nhiên, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy có thể ập đến mỗi khi mưa bão tràn về.

Cần nhanh chóng nâng cấp tuyến đê đã cũ 

Tuyến đê Điền Công (phường Trưng Vương, TP Uông Bí) là đê cấp IV dài trên 11,4km, có chức năng bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của hơn 500 hộ dân. Thời gian gần đây, tuyến đê này đang có dấu hiệu xuống cấp, khiến người dân sinh sống quanh khu vực này hết sức lo lắng.

Được biết, Điền Công trước đây là xã đảo, xung quanh là sông nước và được bao bọc bởi tuyến đê chạy vòng quanh bảo vệ khỏi triều cường. Ngoài mang lại sự an toàn cho hàng trăm hộ dân, tuyến đê này còn có chức năng bảo vệ 310ha đầm, ao nuôi trồng thuỷ hải sản và gần 800ha đất canh tác nông nghiệp.

z3645789950214_a2791482a23d3e27f24795fff1b45f1b

Tuyến đê Điền Công (TP Uông Bí) đang cần được nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: Cường Vũ

Tuyến đê này được đắp từ những năm 1992, 1993, chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Ngoài ra, đất đắp tuyến đê là đất sét pha cát mịn. Theo vị trí địa lý, tuyến đê nằm ngay cửa sông Bạch Đằng nên hàng năm bị ảnh hưởng rất lớn của triều cường, dòng chảy mạnh. Từ đó dần bị bào mòn, sụt lún, dẫn đến nguy cơ dễ bị vỡ đê mỗi khi đến mùa mưa bão.

Trước đó, năm 2005, người dân khu vực Điền Công hứng chịu trận mưa lớn kết hợp với triều cường khiến nước tràn qua thân đê, đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân.

Đến năm 2007, tuyến đê này được nâng cấp, sửa chữa chiều dài hơn 9km. Sau đó, giai đoạn 2017 - 2019, TP Uông Bí tiếp tục nâng cấp hơn 1,78km đoạn xung yếu nhất đê Điền Công. Tuy nhiên, do thân đê đắp chủ yếu bằng đất pha cát, qua nhiều năm bị xói mòn, khiến cao trình đê bị thấp dần theo thời gian.

Mặc dù đã được nâng cấp nhưng do thiếu nguồn lực đầu tư nên tuyến đê này chỉ được sửa chữa nhỏ, chưa đồng bộ. Hiện nay, toàn tuyến đê Điền Công một số đoạn đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có vị trí bị bào mòn, chân đê trơ đá, cây cối mọc um tùm. Mặt và triền đê nhiều chỗ do phương tiện lưu thông qua lại nhiều làm sụt, rạn nứt một số đoạn. Hiện tại tuyến đê này có 7 cống thoát nước, tuy nhiên các cống tiêu này cũng đang có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến khâu tiêu thoát nước.

Theo ông Nguyễn Hồng Quảng, Phó Chủ tịch phường Trưng Vương, hiện nay, tuyến đê Điền Công được giao cho địa phương quản lý. Nhiều năm gần đây, cử tri kiến nghị về tình trạng xuống cấp của tuyến đê. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư lớn, vì vậy địa phương chưa thể bố trí vốn sửa chữa ngay. Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV cử tri đã đề nghị tỉnh xem xét sớm quan tâm, đầu tư kinh phí để tu bổ, nâng cấp tuyến đê này.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Trưởng khu Điền Công 3 chia sẻ, hàng năm, vào mùa mưa bão, người dân sống quanh đê luôn thường trực lo sợ vỡ đê. Nhiều năm đê chống chọi với bão to, gió lớn chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ khiến thân đê ngày càng yếu thêm. Ông Hiền cũng bày tỏ mong muốn địa phương sớm bố trí nguồn lực để tu bổ, sửa chữa, bê tông hóa tuyến đê Điền Công để người dân yên tâm sinh hoạt và sản xuất. 

Hiện nay, trong lúc chờ đợi nâng cấp tuyến đê, hàng năm, địa phương đều xây dựng phương án chủ động phòng chống sự cố cho đê. Tuy nhiên, về lâu dài, tuyến đê này cần được tỉnh Quảng Ninh quan tâm hỗ trợ vốn nâng cấp bê tông hóa, đảm bảo an toàn cho các hộ dân.

Chông chênh bên triền sông sạt lở

Từ nhiều năm nay, mỗi khi mưa, lũ lớn, dòng sông Ba Chẽ dâng cao làm ngập hệ thống giao thông, hoa màu và nhà cửa của gần 40 hộ dân sinh sống ở khu 1, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh).

Do địa hình trũng thấp, dòng chảy của sông Ba Chẽ lại xói thẳng vào phía khu dân cư ven sông Ba Chẽ đoạn từ UBND huyện Ba Chẽ đến Xí nghiệp nước miền Đông (khu 1, thị trấn Ba Chẽ) khiến vùng này thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục hộ dân sinh sống tại khu 1, thị trấn Ba Chẽ đang phải đối mặt với nguy cơ vườn cây, nhà cửa có thể bị sạt xuống lòng sông bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa bão đang hoành hành.

z3620983515895_04e120e13f4dce59b9dd1f307e49dbaf

Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ lớn tại huyện Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Lê Văn Chí (khu 1, thị trấn Ba Chẽ) cho biết, nhà ông ở đây từ năm 1989. Lúc ấy, dòng sông Ba Chẽ còn cách tường nhà hơn chục mét, nhưng giờ đây, lũ lớn đã gây sạt lở đất vào sát nhà.

"Đặc biệt là trận lũ lớn năm 2008, toàn bộ khu dân cư bị ngập ngang mái nhà, giao thông qua khu vực tê liệt, cánh đồng canh tác nông nghiệp bị nhấn chìm trong biển nước gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân", ông Chí nhớ lại.

Theo ông Chí, hơn chục năm nay, sau mỗi trận lũ lớn, đất ở ven sông lại bị cuốn trôi thêm một ít. Hiện nhiều nhà dân đã bị xói vào tận móng.

Cách nhà ông Chí không xa là căn nhà và khu bể nuôi ba ba nằm chênh vênh sát ngay bờ sông Ba Chẽ của gia đình bà Lã Thị Đang. Bà Đang cho biết, trận lũ lịch sử năm 2008, nước sông dâng lên đến lưng tường nhà, đồ đạc trong nhà bị hư hỏng gần hết, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Nay gia đình đang có bể nuôi ba ba nằm ngay bờ sông, mỗi khi có mưa to, lũ đổ về đột ngột thì lại có nguy cơ mất trắng.

Trung bình mỗi năm, tổng lượng mưa trên địa bàn huyện Ba Chẽ dao động từ 1.800-2.000mm. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự suy giảm chất lượng phòng lũ rừng đầu nguồn, tình hình lũ lụt, sạt lở đất trên lưu vực sông Ba Chẽ diễn ra phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Chẽ, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2008-2018, mưa, lũ đã gây ra thiệt hại cho địa phương này khoảng 246 tỷ đồng.

Riêng năm 2018, mưa lũ đã khiến 317 nhà dân bị ngập, 30 ngôi nhà bị sập đổ, 9ha hoa màu của người dân bị phá huỷ, nhiều công trình thuỷ lợi, giao thông, nước sinh hoạt, cột điện bị hư hỏng. Trong đó, thị trấn Ba Chẽ là địa bàn vùng trũng nhất, nên cũng thường xuyên xảy ra ngập, lụt và thiệt hại lớn nhất.

Ông Nguyễn Hợp Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Chẽ đã thừa nhận trên địa bàn thị trấn có rất nhiều điểm nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt, ách tắc giao thông khi có mưa lũ.

“Dù biết rằng hàng chục hộ dân sống trong cảnh hiểm nguy khi lũ lớn đổ về. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng của huyện đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh để bố trí kinh phí làm cầu, xây kè sông, suối theo dự án đã xây dựng nhưng vẫn chưa được. Do vậy, huyện đành phải chờ, khi nào có vốn thì sẽ làm ngay", ông Toàn cho biết.

Được biết, tháng 6/2022, huyện Ba Chẽ đã trình dự án cầu nối Tỉnh lộ 330 với trung tâm thị trấn Ba Chẽ kết hợp với kè chống sạt lở tuyến đường trục chính khu dân cư thị trấn Ba Chẽ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng kinh phí của các công trình này dự kiến là 250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, một số dự án, kế hoạch kè sông, đảm bảo công trình giao thông trên địa bàn thị trấn Ba Chẽ nói chung và khu 1 nói riêng, trong đó có dự án nêu trên vẫn chưa bố trí được kinh phí.

Cuối năm 2021, huyện Ba Chẽ đã thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo lũ trên sông Ba Chẽ” với mục tiêu xây dựng một hệ thống đồng bộ bao gồm các trạm đo mưa, lũ và phần mềm tin học với mục tiêu dễ vận hành, thời gian tính toán nhanh chóng, đảm bảo độ chính xác cao trong cảnh báo, dự báo lũ cho lưu vực sông Ba Chẽ. 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.