| Hotline: 0983.970.780

'Năm thật' và 'sáu dám' của tỉnh Quảng Ninh

Thứ Tư 20/07/2022 , 15:34 (GMT+7)

QUẢNG NINH Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về cách làm việc "5 thật" và "6 dám" trong quá trình quản lý, điều hành của tỉnh.

Ngày 20/7, Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu kết quả Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số đo lường hài lòng về sự phục vụ hành chính tỉnh Quảng Ninh năm 2021; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính năm 2022 và những năm tiếp theo.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cường Vũ

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Cường Vũ

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, cho biết những năm qua tỉnh Quảng Ninh liên tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; xây dựng nền hành chính Quảng Ninh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp gắn với định vị thương hiệu tỉnh Quảng Ninh giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS và PAPI.

Để quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại sớm trở thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; đáp ứng niềm mong mỏi, kỳ vọng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã dành cho hệ thống chính trị và chính quyền các cấp; Bí thư Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các sở ban ngành, địa phương phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong công cuộc cải cách hành chính, đặc biệt trong giai đoạn mới 2021-2030 được Chính phủ xác định là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức phải đối diện nhưng bằng những chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, khoa học, bám sát phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện... tỉnh Quảng Ninh đã chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thích ứng linh hoạt, an toàn, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội. Từ đó, nhân lên niềm tự hào, củng cố niềm tin, tạo ra khí thế mới, động lực mới đưa Quảng Ninh tiếp tục phát triển ở tầm cao mới.

Cụ thể, Quảng Ninh là một địa phương thực hiện có hiệu quả Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới. Tỉnh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 diện rộng toàn dân mũi 1, 2, 3 bảo đảm tuyệt đối an toàn, hiệu quả; là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc đi đầu thực hiện thành công Chiến lược vắc xin đã tạo hiệu quả rõ rệt, giảm sâu các ca mắc mới, đưa nhịp sống sôi động trở lại và nhanh chóng phục hồi vững chắc các ngành kinh tế.

Từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 27.189 tỷ đồng, tăng 18% cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 20.740 tỷ đồng, tăng 14% cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 42.310 tỷ đồng, tăng 10,9% cùng kỳ. Ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, vững chắc, 6 tháng đầu năm ước đạt 5,5 triệu lượt khách, gấp 2,2 lần cùng kỳ, tăng 19,57% so với kịch bản. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng triển khai; niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền được củng cố.

Đặc biệt, tỉnh đã đăng cai tổ chức chu đáo, thành công 7 môn thi đấu SEA Games 31, lan tỏa hình ảnh một Quảng Ninh an toàn, ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại tới bạn bè quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cường Vũ

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cường Vũ

Quảng Ninh đặt ra mục tiêu cả năm 2022 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt trên 11%, tổng thu ngân sách Nhà nước không thấp hơn 52.600 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, cần thực hiện tốt quan điểm kế thừa, đổi mới và phát triển, tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh".

Quảng Ninh cũng sẽ đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số toàn diện để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển.

"Mọi sự thay đổi, nỗ lực, cố gắng, phát triển, tất cả là để phục vụ cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân", ông Ký nêu rõ.

Cuối bài phát biểu, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cũng chia sẻ thêm về phương châm làm việc "5 thật" và "6 dám" của tỉnh Quảng Ninh, đó là: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và thứ 5 là người dân và doanh nghiệp phải đo đếm được hiệu quả thật đấy.

Còn "6 cái dám" của tỉnh Quảng Ninh, theo Bí thư Nguyễn Xuân Ký, là: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và quan trọng nhất là dám đương đầu với khó khăn thử thách.

Ông Nguyễn Xuân Ký cho rằng "5 cái thật" và "6 cái dám" này là những nội dung xuyên suốt trong quá trình quản lý, điều hành của tỉnh Quảng Ninh, góp phần làm nên những kết quả tốt trong thời gian qua.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.