| Hotline: 0983.970.780

Hiểm họa trong vườn cao su

Thứ Tư 26/02/2014 , 10:08 (GMT+7)

Dưới tán vườn cao su, rất nhiều chủ vườn nuôi gà thả với số lượng lớn nhưng hầu hết không đăng ký với chính quyền địa phương. Khi có dịch bệnh xảy ra họ tự tiêu hủy là chính.

Dưới tán vườn cao su, rất nhiều chủ vườn nuôi gà thả với số lượng lớn nhưng hầu hết không đăng ký với chính quyền địa phương. Khi có dịch bệnh xảy ra họ tự tiêu hủy là chính.

Ngày 21/2, nhận được tin báo của một cộng tác viên, chúng tôi đến vườn cao su rộng 40 ha của ông Nguyễn P nằm trên địa bàn ấp 2, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nơi đang nuôi gần 1.000 con gà tam hoàng đang có hiện tượng chết rải rác nhưng chưa rõ nguyên nhân gì.


Đàn gà thả vườn trong khu vực cao su của ông Nguyễn P ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Đây là khu vực trồng cao su kết hợp nuôi gà tỏ ra lý tưởng vì cách xa khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường lại nằm len lỏi trong những cánh rừng cao su bạt ngàn. Từ đầu tháng 2 đến nay, hầu hết các chủ vườn đều "úp máng" ngừng cạo mủ nên gà tha hồ chạy ăn tự do.

Theo anh P, hầu hết các chủ vườn cao su tiểu điền đều có nuôi gà thả vườn, ít cũng vài trăm con, cao nhất lên đến hàng ngàn con. Việc nuôi gà chỉ là mục đích kinh tế thứ yếu đứng sau cây cao su, trước hết là dùng làm thịt cung cấp cho gia đình và công nhân cao su, sau nữa còn dư giả thì bán ra thị trường nên ít quan tâm đến việc đăng ký số lượng với chính quyền.

"Vừa qua, đàn gà thịt có dấu hiệu ủ rũ, chảy dãi, sau đó lăn ra chết mấy chục con. Nghe thông tin đang xảy ra dịch cúm gia cầm, tôi đem tiêu hủy chôn ngay trong vườn. Sau đó mua vôi rải và phun thuốc sát trùng chung quanh cho chắc ăn. Hiện nay số gà còn lại xấp xỉ 900 con khỏe mạnh. Tui nghi gà bị dịch tả chứ không phải do cúm H5N1 gây ra" - anh P nói.

"Sao anh không báo cho chính quyền và cán bộ thú y biết để họ xuống kiểm tra lấy mẫu xem thử gà bị bệnh gì?" - tôi hỏi. "Thú thật, lúc nuôi gà chẳng báo cáo với mấy ổng, nay gà chết trong lúc dịch cúm H5N1 thì cũng phải cố gắng tự xử lấy, nếu báo với họ chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này à?" - anh P đáp gọn lỏn.

Trong thực tế, xuất phát từ việc trồng cao su mang lợi nhuận là chính nên việc nuôi gà của anh P dưới tán cây cao su tỏ ra rất lơ là đến công tác chất lượng con giống, vệ sinh phòng dịch, vệ sinh chuồng trại cũng như chăm sóc đúng qui trình kỹ thuật.

Anh P thừa nhận, giống gà thả vườn mua về trôi nổi trên thị trường, không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y, mỗi năm chỉ tiêm phòng các bệnh chính như tụ huyết trùng, Newcastle... , riêng cúm gia cầm không tiêm do không mua được vacxin.

Tương tự, ông Phan Văn S ở xã An Điền, huyện Bến Cát, nuôi 1.000 con gà ngay tại vườn cao su rộng 10 ha. Theo ông S, nếu chú trọng đúng mức thì nuôi gà dưới tán cao su rất hiệu quả. Gà giống mua về chỉ úm 1 tháng đầu, sau đó thả ra vườn tha hồ thức ăn. Sau 3 tháng nuôi, với tỷ lệ hao hụt khoảng 3-4%, nếu không xảy ra dịch bệnh thì trọng lượng gà đạt bình quân 1,5 kg/con. Với giá bán khoảng 80 ngàn đồng/kg, trừ tất cả chi phí, thu lãi khoảng 30 ngàn đồng/con.

Đối với các nhà vườn cao su có diện tích lớn, nuôi chừng 4.000 con gà, trong 3 tháng bán ra sẽ có lãi trên 100 triệu đồng. Đây quả là con số ý nghĩa trong khi giá mủ cao su ngày một giảm. Tuy nhiên, ông S thừa nhận gần như năm nào đàn gà của ông cũng sinh bệnh, lý do chính là chuồng trại không đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học.


Tiêm phòng vacxin CGC ngay từ gà giống bắt về nuôi là một trong những quy trình kỹ thuật bắt buộc nhằm phòng chống dịch CGC

"Tụi này nuôi tay ngang, không có cán bộ thú y, công nhân cao su kiêm luôn nghề chăm sóc gà bằng kinh nghiệm thực tế nên khi gặp dịch bệnh thì khó điều trị có hiệu quả". Mới đây, đàn gà của ông S chết lác đác, ông tự tiêu hủy, sau đó chôn ngay trong vườn cao su.

Theo tìm hiểu, việc nuôi gà trong vườn cao su hầu hết "ba không" (nguồn gốc gà giống không rõ, không tiêm phòng dịch bệnh, không đảm bảo chất lượng chuồng trại). Thế nhưng, khi chúng tôi đặt câu hỏi về chuyện nuôi nhốt gà trong vườn cao su, liệu có quản lý được không? Ông Tạ Trọng Khang, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết, tổng đàn gà toàn tỉnh là 5,3 triệu con, trong đó có 800 ngàn con thuộc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (kể cả đàn gà trong vườn cao su), còn lại là các trang trại chăn nuôi tập trung.

"Mùa lạnh thì nhiều bệnh, chứ chưa hẳn là H5N1 đâu. Mình phải nắm bắt để tiêm phòng chứ. Theo qui định, cứ nuôi dưới 2.000 con là tiêm phòng vacxin CGC "free" (miễn phí) hết, còn tiêm trên 2.000 con mới mua. Nên chủ vườn cao su nói không có vacxin CGC để mua là không đúng".

Còn ông Phạm Văn Chiến, Trạm trưởng Thú y huyện Phú Giáo, khi nghe chúng tôi thông báo có hiện tượng gà chết ở một vài vùng trồng cao su thì ông Chiến hỏi lại "ở đâu", sau đó ông cho rằng, các xã đều nắm được hết số lượng gà trong vườn cao su. Tuy nhiên, nếu các chủ vườn cao su không chịu báo cáo thì xã lấy cái gì mà "thống kê" thì thú thật chưa ai trả lời một cách thuyết phục.

Một vị cán bộ có trách nhiệm (xin không nêu tên) của xã Phước Hòa thừa nhận: "Các chủ vườn cao su ở gần đường nuôi gà có thể phát hiện, nhưng ở vùng xa rất khó kiểm soát, nếu họ không báo cáo mình cũng bó tay. Thậm chí, nếu có phát hiện họ nuôi gà số lượng nhiều, muốn vào kiểm tra công tác vệ sinh tiêm phòng dịch bệnh cũng rất khó bởi danh chính ngôn thuận là họ trồng cao su chứ nuôi gà nào đâu mà đến kiểm tra?".

+ Theo thống kê, tỉnh Bình Dương hiện có 65 ngàn ha cao su tiểu điền, nếu chỉ cần 50 ha cao su để nuôi 1.000 con gà thì có đến 1,3 triệu con gà đang nuôi nhốt "nhỏ, lẻ" trong vườn cao su. Trong đó, có bao nhiêu đàn gà không được tiêm phòng vacxin CGC định kỳ hàng năm, chắc là không ai có thể thống kê được.

+ "Hiện nay, trạm không bán vacxin mà phải đăng ký số lượng và lấy từ Chi cục Thú y đưa xuống. Ở xã có Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh vật nuôi và cây trồng, còn khi tiêm phòng vacxin CGC thì có trưởng ấp kết hợp cùng chủ hộ nuôi" (Ông Phạm Văn Chiến - Trưởng trạm Thú y huyện Phú Giáo)

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Gần 1 triệu lượt khách tới Khánh Hòa dịp lễ 30/4 - 1/5

Dịp lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Khánh Hòa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 1.300 tỷ đồng.