Bất an mùa mưa lũ
Sau thời gian nắng nóng kéo dài, đến cuối tháng 6/2023, tại tỉnh Bắc Kạn đã có những trận mưa lớn đầu mùa. Hiện tượng sạt lở đất, đá đã xả ra khiến 1 người tử vong.
Cụ thể, chiều tối 24/6, mưa lớn đã khiến taluy dương phía sau nhà ông Vi Văn T., thôn Bản Pèo, xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn) sạt lở. Đất đá tràn từ taluy dương lấp một phần căn nhà của anh T. khiến con gái 6 tuổi của anh bị vùi lấp, tử vong.
Tại tỉnh Bắc Kạn hiện có 343 điểm nguy cơ sạt lở cao với hơn 1.700 hộ thuộc diện bị ảnh hưởng, trong đó có 210 hộ thuộc diện nguy cấp, gần 1.000 hộ nguy cơ cao.
Trong số này, đáng chú ý tại huyện Pác Nặm, 64 hộ có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở, tập trung ở các thôn: Slam Vè, Nặm Khiếu, Ngảm Váng, Vi Lạp, Nà Bẻ (xã Nhạn Môn) và một số hộ ở các thôn Phia Đeng, Nặm Vằm, Khuổi Phây (xã Nghiên Loan).
Những hộ này chủ yếu xây nhà ở dưới taluy dựng đứng, hoặc dưới chân những ngọn đồi đang có dấu hiệu bị nứt dễ xảy ra sạt lở.
Tại tỉnh Bắc Kạn, do địa hình đồi núi, người dân phải bạt đồi để làm mặt bằng nên nhiều ngôi nhà nằm lọt thỏm dưới mái taluy cao.
Nhiều khu dân cư do người dân mua đất tự san lấp mặt bằng không đúng kỹ thuật nên có mái taluy cao, dựng đứng rất dễ xảy ra sạt lở khi mưa lớn.
Thực tế cho thấy, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng xảy ra những vụ sạt lở vùi lấp nhà cửa, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người dân.
Năm nay, dự báo tình hình mưa lũ có thể diễn biến phức tạp, sau nắng nóng có thể có nhiều trận mưa lớn, kéo dài. Do đó, chủ động trong công tác phòng, ứng cứu khi có sự cố xảy ra được tỉnh Bắc Kạn rất quan tâm.
Tập trung tối đa nguồn lực
Bước vào mùa mưa năm nay, tỉnh Bắc Kạn đã sớm xây dựng phương án đối phó với các tình huống sạt lở đất có thể diễn ra.
Ông Đới Văn Thiều, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bắc Kạn cho biết, với các tình huống sạt lở đất, đá vào khu dân cư, tỉnh đã xây dựng phương án tìm kiếm người bị mất tích, sơ cứu người bị thương.
Tỉnh cũng đã xây dựng phương án chi tiết giám sát, hướng dẫn việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ sạt lở đất.
Chính quyền các địa phương chủ động di chuyển người, tài sản tới nơi an toàn, không để người dân bị đói, rét, không có nhà ở. Nếu phát hiện khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở đất cần có phương án di dời người, tài sản đến vị trí an toàn.
“Chính quyền các địa phương cần báo cáo nhanh tình hình thiệt hại về Ban Chỉ huy cấp trên để có phương án chỉ đạo khắc phục hậu quả do sạt lở, sụt lún đất gây ra. Khi có mưa liên tục và lượng mưa đạt mức 75 mm trở lên thì nguy cơ sạt lở đất rất cao, do vậy cần có biện pháp di dân ngay tới vị trí an toàn”, ông Thiều cho biết thêm.
Bên cạnh các biện pháp ứng phó khẩn cấp, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn cũng đã tập trung nguồn lực di dời các hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở cao đến chỗ ở mới an toàn.
Giai đoạn từ năm 2015 đến 2025, tỉnh Bắc Kạn đã quy hoạch 79 dự án bố trí ổn định dân cư cho 2.600 hộ.
Tuy nhiên do thiếu kinh phí nên việc di dời chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ bố trí xây dựng được một vài khu tái định cư cho những hộ thuộc diện đang rất nguy cấp.
Trong giai đoạn này, tỉnh Bắc Kạn mới chỉ bố trí được khoảng 150 tỷ đồng xây dựng 8 dự án bố trí dân cư tập trung, 5 phương án bố trí dân cư xen ghép, ổn định chỗ ở cho khoảng 300 hộ dân.
So với nhu cầu thực tế, con số này chưa thấm vào đâu, do đó, hàng năm tỉnh Bắc Kạn vẫn phải thực hiện những giải pháp tạm thời dù biết người dân phải sống trong thấp thỏm, bất an.