| Hotline: 0983.970.780

Những bờ tre đáng giá ngàn tỷ

Thứ Sáu 17/03/2023 , 16:05 (GMT+7)

PHÚ YÊN Trồng tre ven bờ sông không chỉ có tác dụng chống sạt lở đất rất hiệu quả, mà còn tạo cảnh quan môi trường.

Trồng tre dọc bờ sông chi phí thấp, dễ làm, là giải pháp bảo vệ hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi, mang lại lợi ích cả kinh tế và môi trường.

Hàng trăm ha đất nông nghiệp bị "Hà Bá" nuốt chửng

Huyện Đồng Xuân và Tuy An (Phú Yên) nằm ở hạ du sông Kỳ Lộ - con sông lớn thứ 2 ở Phú Yên sau sông Ba, địa hình trũng thấp, lòng chảo. Những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, nông dân đã trồng tre làm kè sinh thái, ngăn sạt lở bờ sông.

Nông dân trồng tre ven sông Kỳ Lộ. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Nông dân trồng tre ven sông Kỳ Lộ. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Dọc bờ sông Kỳ Lộ thuộc xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cạnh bãi cát trắng trải dài là đất trồng rau màu của ông Mạnh Cường, được che chắn bởi hàng tre xanh, nơi tiếp giáp với bờ sông. Ông Cường tâm sự: "Qua mùa mưa lũ, dòng sông gây sạt lở bồi lấp cát trắng, nhiều năm qua trên xóm Gò Ổi (xã Xuân Quang 2) sạt lở bờ sông lấn sâu vào đất sản xuất chiều ngang cả 100m. Để ngăn sạt lở, tôi trồng tre dọc theo bờ sông. Nhờ hàng tre vững chắc che chắn, khu vườn của tôi không mất tấc đất nào. Trồng tre không chỉ chống sạt lở bờ sông mà còn giúp ngăn cát bồi lấp".

Khu vườn rộng hơn 1,2ha của ông Võ Mười, cạnh bờ sông thuộc xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) trồng cây ăn trái đã cho thu hoạch. Xung quanh vườn ông Mười trồng tre và cây xanh bao quanh với chu vi 1.220m. Phía tiếp giáp dòng sông, ông Mười trồng tre, không chỉ ngăn cát bồi lấp khu vườn của ông mà còn bảo vệ nhiều diện tích đất trồng hoa màu của các hộ dân xung quanh. “Hàng trăm bụi tre của tôi trồng dọc bờ sông không khác gì bờ kè vững chắc được xây dựng hàng tỉ đồng, giúp ngăn sạt lở bờ sông”, ông Mười nói.

Cũng dọc theo bờ sông Kỳ Lộ đoạn qua xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), hàng chục ha đất trồng mía, sắn giờ đã nằm dưới lòng sông do tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đất sản xuất vùng này tiếp giáp với sông không có tre hoặc hàng cây che chắn, vì vậy vào mùa mưa lũ thường xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam, ông Hồ Văn Tá cho biết: Mỗi mùa nước lũ, lòng sông lại bị phá rộng ra, ăn sâu vào đất sản xuất. Tình trạng đất sản xuất của người dân bị sạt lở, bồi lấp bắt đầu từ đợt lũ lịch sử năm 2009, đến nay đã mất gần 90ha đất trồng hoa màu của 300 hộ dân.

Empty

Những bờ tre ven sông không chỉ chống sạt lở mà còn tạo cảnh quan môi trường. Ảnh: MHN.

Theo thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, các vị trí thường xuyên xảy ra xói lở, làm thay đổi dòng chảy dọc theo Sông Kỳ Lộ gồm: Đoạn sông Kỳ lộ chảy qua trạm bơm điện Mỏ Cày, xã Xuân Quang 1; xóm Thác Dài, Vực Miễu, Gò Cốc, xã Xuân Quang 2; khu phố Long Hà, Long An, Thị trấn La Hai… Tổng diện tích bị xói lở khoảng hơn 100ha.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, tình trạng lòng sông Kỳ Lộ bị bồi lấp khiến mực nước sông dâng cao, gây ngập úng, sạt lở vào mùa mưa bão, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân sống dọc hai bên bờ sông. Ngoài phải đầu tư xây dựng các tuyến kè, huyện mong muốn được cho phép nạo vét cát, góp phần giảm mực nước dâng cao, giảm mức độ thiệt hại của nước lũ đến sản xuất của người dân.

Trong khi chờ chủ trương xây kè, huyện khuyến khích nông dân trồng tre ngăn sạt lở. Đây cũng là phương án quan trọng nhằm chỉnh trị dòng sông ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

Những bờ tre đáng giá ngàn tỷ

Sông Nhau chảy qua địa bàn xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh, Phú Yên) hiện nhiều đoạn bờ sông cũng bị nước xâm thực như hàm ếch. Mỗi mùa mưa lũ, đất sản xuất hai bên bờ sông của người dân bị mất dần. Ông Lê Văn Kim, người dân xã Sơn Giang cho hay: "Trước đây gia đình tôi có đám đất rộng 2 sào trồng hoa màu tại khu vực bờ sông. Tuy nhiên, qua nhiều năm, bờ sông sạt lở, hiện chỉ còn vạt đất trồng cỏ nhưng cũng có nguy cơ mất hết đất trong thời gian tới".

Những bờ tre ven sông bảo vệ rất tốt đất sảnh xuất.

Những bờ tre ven sông bảo vệ rất tốt đất sảnh xuất.

Không chỉ riêng xã Sơn Giang, mùa mưa lũ năm 2022, dọc theo sông Ba, nhiều diện tích đất canh tác của các xã Hòa Thắng, Hòa An (huyện Phú Hòa) cũng bị lũ lụt gây xói lở, bồi lấp cát. Thế nhưng vùng đất soi bên này sông, thuộc xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) nhờ có tre che chắn lại không mất tấc đất nào.

Trao đổi về vấn đề trồng tre chống sạt lở bờ sông, ông Bùi Văn Thân ở xã Hòa Bình 1 chia sẻ: Hàng tre xanh cạnh bờ sông giữ đất bền lâu, giá trị bằng bờ kè xây bằng bê tông ngàn tỉ. Tre trồng thành bụi, dùng rựa bén để dọn, rong gai sạch sẽ cũng có thể làm tre cảnh duyên dáng. Dịp lễ, Tết, nhiều gia đình còn rủ nhau ra bờ sông ngồi dưới hàng tre râm mát vui chơi, người lớn và trẻ con thích thú vì cảnh quan bờ kè sinh thái thân thiện với cuộc sống.

Theo kinh nghiệm của nhiều người dân, trồng tre chống sạt lở bờ sông rất hiệu quả, bởi sức sống rễ tre rất mãnh liệt. Vì vậy trong dân gian có câu đố: Ông già ổng chết đã lâu/cặp mắt trao tráo chòm râu vẫn còn. Nghĩa là khi cây tre chặt thân làm nhà cửa, đan lát các vật dụng, còn gốc tre vẫn xanh tươi, vài năm sau mới khô. Khi gốc khô nhưng rễ tre (chòm râu) hàng chục năm chưa mục, vẫn bám đất sống chung với bụi tre.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, việc sạt lở ven bờ sông đã xảy ra trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp và nhà ở của người dân. Trước mắt, UBND các huyện chỉ đạo các địa phương và người dân có đất sản xuất trong khu vực bị sạt lở dọc bờ sông triển khai đóng cọc tre và dùng đá, bao tải đựng đất, cát đổ vào những vị trí bị sạt lở và trồng cây, nhất là trồng tre nhằm hạn chế sạt lở trên diện rộng.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên (Sở NN-PTNT), ở miền quê, bà con nông dân trồng tre ngăn sạt lở bờ sông, suối và nhiều hàng tre đứng ven đường tỏa bóng râm, che nắng, che gió… Việc trồng tre cũng giúp môi trường được bảo vệ do tăng độ che phủ của cây xanh, chống sạt lở bờ sông hiệu quả, tạo cảnh quan môi trường.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm