| Hotline: 0983.970.780

Hiến tặng gan - Hành trình nối dài sự sống!

Thứ Tư 20/05/2020 , 15:55 (GMT+7)

Rạng sáng 19/5, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện thành công ca ghép gan từ người chết não. Trước đó, gan người hiến được chuyển hỏa tốc từ Hà Nội vào TP.HCM.

Người hiến gan là một phụ nữ người Hà Nội. Sau hơn một tháng điều trị căn bệnh hiểm nghèo, chị đã không qua khỏi và rơi vào trạng thái chết não. Trước đó, chị có nguyện vọng hiến tặng gan của mình.

Thông qua Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, gan của chị được xác định phù hợp với anh H.V.L (37 tuổi, ngụ tại TP.HCM) hiện đang điều trị xơ gan tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Sau 2 tháng điều trị bằng hóa trị và nút mạch hóa chất khối u (TACE), tình trạng sức khỏe anh L. tạm thời ổn định. Các bác sĩ đánh giá, nếu được ghép gan, anh L. có tiên lượng sống tốt và khả năng khỏi bệnh hoàn toàn là rất cao.

Vào lúc 19h ngày 18/5, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đánh giá hoạt động của gan và tiến hành lấy gan từ người chết não.

Sau khi nhận được thông báo xác định các chỉ số miễn dịch và sinh hóa phù hợp giữa người hiến và người nhận tạng, trưa ngày 18/5, Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã ngay lập tức triệu tập các khoa, phòng, đơn vị có liên quan hội chẩn và triển khai công tác chuyên môn để tiến hành ghép gan cho người bệnh.

Chiều ngày 18/5, hành trình nối dài sự sống cho người bệnh H.V.L. bắt đầu (Ảnh do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cung cấp):

20h tối 18/5, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Việt Đức và cán bộ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia chuyển gan của người hiến từ Hà Nội vào TP.HCM với sự hỗ trợ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Bằng nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng, sự hỗ trợ di chuyển của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Đội Tuần tra dẫn đoàn (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM) cùng sự nỗ lực của các cán bộ Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, một sự sống mới đã được hồi sinh.

Hơn 22h tối 18/5, gan của người hiến được chuyển về tới Sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM.

Nhờ sự điều phối của Đội Tuần tra dẫn đoàn Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, xe cấp cứu chở gan của người hiến được di chuyển thuận lợi từ Sân bay Tân Sơn Nhất về Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chỉ trong 10 phút.

Đúng 22h15 ngày 18/5, gan của người hiến được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và nhanh chóng được đưa vào phòng mổ.

TS.BS Trần Công Duy Long, TS.BS Nguyễn Đức Thuận cùng ê-kíp thực hiện ghép gan cho người bệnh H.V.L.

Đến 5h30 sáng 19/5, ca ghép gan được thực hiện thành công. Gan của người hiến nhanh chóng thích nghi và hoạt động tốt trong cơ thể người bệnh H.V.L. Người bệnh được chuyển về Phòng Hồi sức (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) sau ca ghép.

Trước đó, ngày 13/5, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cũng đã đưa một trái tim vào TP.HCM ghép cho một bệnh nhân suy tim nặng tại TP.HCM.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.