| Hotline: 0983.970.780

Hiện thực hoá tư duy rừng đa dụng

Thứ Năm 16/02/2023 , 21:20 (GMT+7)

Dược liệu của người Dao kết tinh linh khí của núi Tản, sông Đà. Mọi người muốn đến đây để trải nghiệm cuộc sống, con người, văn hoá bản địa và cảnh quan thiên nhiên.

Bản người Dao giàu lên nhờ nghề thuốc nam

Ngày 16/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã khảo sát các mô hình phát triển dược liệu truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.

Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, cho biết, cộng đồng người Dao trên địa bàn xã đang lưu giữ những tri thức sử dụng cây, cỏ làm thuốc rất đa dạng và chế biến trên 60 bài thuốc được Bộ Y tế công nhận.

IMG_9560

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm cộng đồng người Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Trước đây, đồng bào dân tộc người Dao ở xã Ba Vì sống giữa lưng chừng núi Tản Viên (độ cao từ 600 - 800m) và sinh kế gắn chặt với rừng. Nhưng từ năm 1991, khi Vườn Quốc gia Ba Vì hình thành, bà con phải di dân tái định cư xuống xuống độ cao dưới 100m (ngoài địa giới của Vườn).

Cùng với quy định không cho phát cây rừng, đốt nương làm rẫy để bảo vệ hệ sinh thái rừng của Vườn quốc gia, đời sống của người dân khó khăn do thiếu đất canh tác. Đảng bộ và chính quyền xã Ba Vì xác định: “Không có con đường nào khác, chỉ có trồng và phát triển dược liệu để chế biến thuốc nam mới có thể thoát nghèo”. Và thực tế cho thấy, đó chính là con đường đúng đắn. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn xã chiếm 60-70%, tuy nhiên đến nay số hộ nghèo chỉ chiếm 1,8%.

Cộng đồng người Dao tại Ba Vì là tác giả của nhiều bài thuốc nam truyền thống nổi tiếng, được coi như một kho tàng tri thức bản địa phong phú, cần được gìn giữ. Những bài thuốc này được biết đến với khả năng chữa nhiều bệnh như thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, các bệnh về khớp, viêm xoang, nguyên liệu đều là các cây thuốc từng được thu hái trong các cánh rừng vùng núi Ba Vì, với rất ít các loài có thể di thực về trồng ở độ cao thấp trong vườn nhà.

Tuy nhiên, hoạt động tự thu hái, khai thác nguồn lâm sản ngoài gỗ ngoài tự nhiên không phù hợp với quy định của pháp luật về bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng.

IMG_9448

 Nhờ tri thức bản địa được lưu truyền qua nhiều thế hệ, người Dao ở xã Ba Vì đã khai thác nguồn được liệu sẵn có của địa phương để sản xuất các bài thuốc rất giá trị cho sức khoẻ con người. Ảnh: Minh Phúc.

Người dân “khát đất” phát triển vùng dược liệu

Theo thống kê, tại vùng núi Ba Vì có khoảng trên 500 loài cây dược liệu, được phân thành 118 hộ và 321 chi và đều được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị 33 chứng bệnh khác nhau... Tuy nhiên, nguồn gen của các cây dược liệu quý hiếm này đang ngày càng cạn kiệt và bị đe dọa tuyệt chủng do quá trình thu hái không bền vững suốt thời gian dài.

Do bộ phận làm thuốc là thân, rễ nên hầu hết người dân đều cho biết các loài cây khi được khai thác đều theo hình thức nhổ cả gốc mang về, chặt cành hoặc đẽo lấy vỏ đối với cây to; dẫn đến nhiều loài cây thuốc hiện không còn tồn tại ở địa phương như ngồng chan, bèng miến mây, máu người, vằng đằng… dẫn đến hiện tượng chết cây và suy giảm về số lượng.

IMG_9516

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khảo sát các mô hình phát triển dược liệu truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì. Ảnh: Minh Phúc.

Lương y Lý Văn Nguyên - người tâm huyết gìn giữ và phát triển dược liệu của quê hương chia sẻ: “Người dân muốn sống thì phải có đất. Nhưng kể từ khi Nhà nước quy hoạch địa giới Vườn Quốc gia từ cost 100 trở lên, diện tích đất canh tác của người dân rất ít, từ 500 - 1.000m2/hộ). Chúng tôi rất nhiều lần kiến nghị Vườn Quốc gia cho phép sử dụng diện tích trên cost 100 để trồng xen dược liệu dưới tán rừng, vừa đảm bảo màu xanh của rừng, vừa có không gian phát triển sinh kế. Nhưng, vì vướng quy định của pháp luật nên bao nhiêu năm nay vẫn không giải quyết được. Với mức độ khai thác như thế này, nếu không có diện tích để bảo tồn thì ngày càng nhiều loài dược liệu bị tuyệt chủng. Nhiều loại thuốc chúng tôi muốn kiếm để con cháu nhìn tận mắt cũng không còn nữa”.

Từ năm 2008, UBND xã Ba Vì thành lập Hợp tác xã dịch vụ Thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì nhằm khai thác và bảo tồn hiệu quả tri thức dân gian về nghề thuốc nam cũng như bảo tồn nhiều loài dược liệu quý và đưa nghề thuốc truyền thống này phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào.

Đặc biệt, từ năm 2012, Công ty Cổ phần thuốc người Dao Ba Vì gồm những công ty nhỏ của cộng đồng người Dao (chiếm hơn 50% vốn) và do đồng bào góp vốn, góp đất, góp bí quyết bài thuốc, góp nguyên vật liệu xây dựng... chính thức đi vào hoạt động. Nhiều bài thuốc gia truyền được nghiên cứu một cách khoa học tại trường Đại học Dược Hà Nội rồi sau đó chuyển giao lại cho các lương y dưới dạng góp cổ phần. Người Dao tham gia như nhân viên công ty, hợp đồng trồng và cung cấp dược liệu cho công ty.

IMG_9376

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm nhà máy chế biến thuốc đạt chuẩn GMP của Hợp tác xã Nam dược Tản Sơn Viên tại xã Ba Vì. Ảnh: Minh Phúc.

Đến nay, trên địa bàn xã có 301 hộ kinh doanh hoạt động dịch vụ thuốc nam với các hình thức tổ chức kinh doanh: nhà thuốc gia truyền (1 nhà); hợp tác xã kinh doanh thuốc nam (24 hợp tác xã); còn lại là các hộ kinh doanh cá thể về thuốc nam, kinh doanh nguyên liệu cung cấp cho các nhà thuốc.

Đặc biệt, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn đã đầu tư nhà máy sản xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP dưới sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu khoa học về dược liệu.

Tư duy mở về rừng đa dụng

Sau khi thăm Nhà thuốc gia truyền của lương y Lý Văn Nguyên và nhà máy sản xuất thuốc của Hợp tác xã Nam dược Tản Sơn Viên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khá bất ngờ khi một hợp tác xã chế biến thuốc nam lại có những công nghệ hiện đại như vậy.

“Cách đây khoảng 6 tháng, tôi tháp tùng Thủ tướng công tác tại Pháp. Người cuối cùng tôi tiếp là đại diện một tập đoàn chuyên kinh doanh dược liệu, họ muốn tìm kiếm đối tác ở Việt Nam. Mình cứ nghĩ Pháp chỉ chú trọng sản xuất thuốc tây, nhưng giờ họ lại đi tìm những bài thuốc cổ truyền. Bởi xu hướng của người tiêu dùng thế giới là ăn xanh, uống xanh, ở xanh, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên nhiều hơn”, ông Hoan chia sẻ.

Bởi vậy, tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh: “Người Dao ở vùng núi Ba Vì là viên ngọc. Nghề làm thuốc nam, tri thức và văn hoá bản địa của người Dao nơi đây cũng là viên ngọc. Thậm chí, nó còn quý hơn viên ngọc vì không có tiền nào mua được”. Bởi vậy, chúng ta phải cùng nhau mài giũa, quảng bá để viên ngọc ấy ngày càng sáng.

coste-400

Khung cảnh Vườn Quốc gia Ba Vì tại khu vực cost 400. Ảnh: Minh Phúc.

Chúng ta đã có viên ngọc rồi, vậy thì Vườn Quốc gia Ba Vì phải gắn với người Dao, người Dao phải gắn với Vườn Quốc gia. Chúng ta cần hiện thực hoá tư duy rừng đa dụng. Bao giờ luật cũng đi sau cuộc sống. Chúng ta cũng không đi trước được nhưng đừng đi xa quá, nó sẽ tạo ra sự xung đột giữa cuộc sống và pháp luật.

“Từ câu chuyện chuỗi dược liệu của bà con người Dao, tôi sẽ báo cáo với Ủy ban Kiểm tra Trung ương một tư duy về rừng đa dụng như thế nào và chúng ta kích hoạt giá trị rừng như thế nào. Vì không gian đó còn lớn hơn cả những thứ chúng ta nhìn thấy, đó là văn hoá của người Dao, tri thức của người Dao, đó là nguồn vốn vô cùng quý để tạo nên sức mạnh của một cộng đồng”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Ở mặt nào đó, chúng ta xây dựng pháp luật để đảm bảo công bằng cho mọi người, nhưng việc vận dụng luật cần làm sao để kích hoạt được giá trị của con người. Tư duy chúng ta mở hơn thì không gian phát triển rộng hơn, giá trị mang lại nhiều hơn. Chúng ta không chỉ nhìn giá trị của rừng ở cây gỗ hay thuỷ điện, mà đó còn là không gian phát triển du lịch, không gian giáo dục con người về tình yêu thiên nhiên, bởi mỗi loài cây, mỗi sinh vật tồn tại trong hệ sinh thái rừng đều có giá trị của riêng mình, tương hỗ, cộng sinh cùng phát triển.

Chúng ta đang coi được liệu là cây xoá đói giảm nghèo, còn thế giới xem dược liệu là một nền kinh tế, nền công nghiệp dược liệu. 

“Tôi muốn mỗi người Dao đều biết kể về vùng đất của mình, về câu chuyện tạo ra sản phẩm. Bởi một sản vật địa phương đều là tinh hoa của đất trời. Dược liệu của người Dao là sự kết tinh linh khí của núi Tản, sông Đà. Chúng ta có quyền mơ một ngày xã Ba Vì sẽ là điểm đến của cả thế giới. Mọi người đều muốn đến đây để trải nghiệm cuộc sống, con người, văn hoá bản địa và cảnh quan thiên nhiên”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, chính quyền thành phố Hà Nội và xã Ba Vì cùng nhau thảo luận để từng bước tháo gỡ những khó khăn, bất cập của cộng đồng người Dao để mở rộng không gian phát triển dược liệu. Đừng để “viên ngọc” của đồng bào bị chôn vùi trong đá, từ đó tạo ra sức sống mới cho người dân xã Ba Vì.

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.