| Hotline: 0983.970.780

Xác minh cảnh báo của EU với các sản phẩm mì ăn liền

Chủ Nhật 29/08/2021 , 10:01 (GMT+7)

Sau mì Hảo Hảo vị tôm chua cay và miến Good vị sườn heo, EU tiếp tục ra cảnh báo về mì khô vị bò gà của Công ty Thiên Hương chứa chất Ethylene Oxide.

Một số sản phẩm mì ăn liền sản xuất tại Việt Nam như mì Hảo Hảo đã bị thu hồi tại thị trường châu Âu.

Một số sản phẩm mì ăn liền sản xuất tại Việt Nam như mì Hảo Hảo đã bị thu hồi tại thị trường châu Âu.

Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT) cho biết, mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương đã nhận cảnh báo của Liên minh Châu Âu (EU) tại thị trường Na Uy, về dư lượng chất Ethylene Oxide.

Đây là thông báo thứ hai tại thị trường châu Âu, tiếp theo thông báo thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền vị tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam.

Trong ngày 28/8, Bộ Công Thương đề nghị Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm mì khô vị bò gà do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện của Ethylene Oxide - một chất bị giới hạn tồn dư trong thực phẩm tại EU.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM thực hiện 2 việc: (1) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương. (2) Lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu Ethylene Oxide đối với một số sản phẩm Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương đang lưu hành trên thị trường Việt Nam, đặc biệt lưu ý đối với sản phẩm Mì khô vị bò gà.

Với các đơn vị chức năng khác, Bộ Công Thương yêu cầu khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương hiện phân phối trong nước. Các đơn vị được chỉ đạo kiểm tra, xác minh quy trình sản xuất tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam, cũng như phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.

Hiện Bộ Công Thương trong quá trình xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook. Trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu từ các đơn vị chuyên môn, Bộ sẽ hướng dẫn và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Song song với Bộ Công thương, các Bộ, ban, ngành khác như Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế cũng vào cuộc quyết liệt để xác minh thông tin liên quan đến chất Ethylene Oxide.

Trước đó, trong ngày 28/8, Tổng Giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, Kajiwara Junichi đã tổ chức họp báo. Ông cho biết, hai sản phẩm bị thu hồi tại EU - mì Hảo Hảo vị tôm chua cay và miến Good hương sườn non - là sản phẩm xuất khẩu, dành riêng cho thị trường Châu Âu, không phải sản phẩm nội địa.

Ông Junichi  cũng nhấn mạnh, chất Ethylene Oxide được sử dụng rộng rãi với tác dụng tiệt trùng các vật tư dụng cụ trong lĩnh vực y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, chất này cũng được sử dụng để diệt vi sinh vật trong một số loại gia vị, rau say và việc này được chấp thuận tại một số quốc gia như Mỹ và Canada.

Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay, EU đã đưa ra hàng trăm cảnh báo về các sản phẩm có tồn dư Ethylene Oxide. Ông khuyến cáo, người tiêu dùng trong nước bình tĩnh bởi quy định về an toàn thực phẩm tại mỗi thị trường khác nhau.

Theo ông Hòa, Ethylene Oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) được chính thức thành lập theo Quyết định 99/2005/QĐ-TTg ngày 9/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS.

 Văn phòng có nhiệm vụ Thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Văn phòng SPS Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTN.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.