Hội thảo đầu bờ giống mía mới tại NASU. |
Cùng với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) tăng cường hợp tác với Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Nghiên cứu mía đường… nghiên cứu, khảo nghiệm để tìm ra những giống mía phù hợp với vùng nguyên liệu.
Xây dựng hệ thống nhân nhanh các giống mía tốt để cung cấp cho nông dân đẩy lùi bệnh chồi cỏ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập ATIGA…
Nghiên cứu giống tốt
Cây mía thường được thâm canh trồng dày, thân cây to, sức sinh trưởng lớn, lưu gốc nhiều năm... gây khó khăn cho việc đi lại, thao tác, phòng trừ khi bị dịch bệnh gây hại xảy ra.
Biện pháp phòng trừ bệnh tốt nhất trên cây mía là tuyển chọn giống, hom mía giống sinh trưởng và phát triển tốt, sạch các loại sâu bệnh hại (đặc biệt là bệnh do Phytolasma gây ra) thông qua quá trình khảo nghiệm cơ bản và sản xuất đánh giá các đặc tính nông học, kháng sâu bệnh hại của các giống.
Bởi vì, giống mía là biện pháp kỹ thuật đầu tiên, quan trọng nhất để áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật canh tác, quản lý sâu bệnh hại.
Từ khi thành lập đến nay, NASU đã hợp tác với Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Nghiên cứu mía đường khảo nghiệm, đánh giá và so sánh 46 thí nghiệm giống, từ các nguồn giống tốt nhất được lai tạo trong nước hoặc thông qua con đường nhập nội từ nước ngoài.
Từ đó, tìm ra những giống mía tốt nhất, phù hợp với vùng nguyên liệu của công ty. Sau nhiều năm khảo nghiệm, năm 2011 giống mía LK92-11 được chuyển giao ra sản xuất và đến năm 2014, giống mía KK3 tiếp tục được chuyển giao ra sản xuất đại trà.
Ông Trần Danh Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã trồng mía xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Những năm dịch bệnh chồi cỏ phát triển, gây hại nặng trên vùng nguyên liệu, nông dân trồng mía đã mua giống từ những địa bàn cách xa hàng trăm km. Nhưng chỉ sau trồng từ 1 - 2 năm, nông dân phải cày phá để trồng lại. Giống mía LK92-11, KK3 có nhiều ưu điểm vượt trội: kháng các loại bệnh hại như than và chồi cỏ, không trỗ cờ, bấc ruột, lưu gốc tốt, năng suất và độ đường cao.
Trên cánh đồng mía lớn tại xóm Phú Hòa, xã Nghĩa Phú, mía LK92-11 được trồng từ năm 2015, đến nay đã lưu gốc 4 năm, nhưng năng suất vẫn đạt trên 70 tấn/ha. Hiệu quả sản xuất tăng lên, nông dân tiếp tục duy trì diện tích mía.
Ông Cao Chiến Thuật, kỹ sư của NASU cho biết thêm, công ty tiếp tục duy trì các ruộng nhân giống mía cấp 1 được trồng từ hom mía được xử lý nước nóng kép hoặc từ nguồn giống nuôi cấy mô tế bào.
Các ruộng nhân giống mía cấp 2 và cấp 3 gắn với vùng nguyên liệu để giúp nông dân chủ động thời vụ trồng mía, giảm chi phí vận chuyển. Những ruộng nhân giống mía này được công ty kiểm soát, cấp giấy chứng nhận, nông dân mua giống từ đây để trồng sẽ được hỗ trợ từ 1,5-3 triệu/ha tùy theo từng loại giống.
Trồng mía trên vùng mía đất bãi ven sông Hiếu, chị Ngô Thị Hoàn xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn chia sẻ, giống mía QD93-159 bị bệnh chồi cỏ, nhưng khi được xử lý nước nóng thì không còn bệnh nữa.
Vả lại, mía sau khi trồng mầm mọc nhanh và đều, năng suất tăng khoảng 30% so với mía không được xử lý, kéo dài chu kỳ lưu gốc. Nông dân trồng mía xử lý nước nóng được công ty hỗ trợ 5 triệu đồng và 40 tấn bã mùn/ha và được công nhận là ruộng nhân giống sạch bệnh, khi thu hoạch sẽ bán giống, mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với mía nguyên liệu.
Ông Phan Văn Toản- Giám đốc Khuyến nông của NASU cho biết, đến nay diện tích các giống mía mới LK92-11, KK3 chiếm gần 80%, bệnh chồi cỏ chỉ xuất hiện trên các giống mía cũ, tỷ lệ thấp. Thay đổi giống mía mới đã giúp công ty đẩy lùi bệnh chồi cỏ, nhà nước không phải bố trí ngân sách hỗ trợ nông dân phòng trừ…
Giải pháp phát triển bền vững
Các giống mía mới như LK92-11 và KK3 giai đoạn đầu sinh trưởng và phát triển chậm, nếu bố trí khoảng cách hàng theo khuyến cáo, rộng trên 1,2 m. Nông dân có thể tận dụng không gian, ánh sáng giữa 2 hàng mía để trồng xen cây họ đậu từ giai đoạn sau trồng hoặc thu hoạch mía đến tháng 6, khi mía chưa khép tán.
Ông Hoàng Thanh Tỵ ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết, xen canh đã mang lại thu nhập cho gia đình 15 triệu đồng/ha. Ngoài ra, trồng xen cây họ đậu trong ruộng mía có tác dụng khống chế được cỏ dại, tạo một lớp thực vật che phủ cho đất, giúp giảm lượng nước bốc hơi. Lượng đạm do vi khuẩn cố định tương đương từ 120 - 200kg đạm urê/ha, cung cấp bổ sung cho cây mía ngoài phân bón.
Khi thu hoạch, thân lá cây họ đậu cung cấp thêm cho đất từ 5 - 10 tấn phân xanh. Xen canh cây họ đậu sẽ hạn chế các loại sâu đục thân 5 vạch đầu nâu gây hại giai đoạn mía từ mọc mầm đến vươn lóng, tạo cân bằng hệ sinh thái và ổn định năng suất mía.
Sau 3 năm khảo nghiệm, 1 vụ mía tơ và 2 vụ mía gốc, giống mía K83-29 với các ưu điểm: năng suất và độ đường cao, có khả năng kháng các loại bệnh than, chồi cỏ. Mía không trỗ cờ, bấc ruột, lưu gốc tốt, chống hạn và đổ tốt đã được công ty tổ chức hội thảo vào tháng 1/2020 và bắt đầu chuyển giao, nhân giống ở 3 hợp tác xã trồng mía đầu tiên trên vùng nguyên liệu.
Ông Ngô Vân Tú, Tổng Giám đốc NASU cho biết, nhờ chuyển đổi cơ cấu giống mía, nên vụ ép 2019/2020, NASU có 680.000 tấn mía nguyên liệu, chất lượng mía tốt hơn. Công ty tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Viện Nghiên cứu mía đường và Viện Di truyền nông nghiệp để tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ KHKT và các giống mía mới. Sau khi cải tạo và nâng cấp, đến nay hệ thống xử lý nước nóng hom mía có thể xử lý miễn phí 8 tấn giống/ngày cho các hộ nông dân có nhu cầu. Ngoài ra, công ty giao trách nhiệm cho bộ phận Nghiên cứu và Phát triển quản lý, duy trì hệ thống nhân giống mía 3 cấp. Duy trì chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng ruộng sản xuất các giống mía mới. Khi hội nhập ATIGA, ngành đường trong nước sẽ chịu sự canh tranh với đường từ các nước, chỉ khi nông dân trồng mía có năng suất cao và chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao thì nông dân mới tiếp tục trồng mía; nhà máy mới có thể tồn tại và phát triển. |
Bổ sung giống mía mới K83-29 vào sản xuất Sau 3 năm (2016-2019) hợp tác khảo nghiệm giống mía với Viện Nghiên cứu mía đường, gồm 1 vụ mía tơ và 2 vụ mía gốc. Vừa qua, NASU đã tổ chức hội thảo giới thiệu giống mía K83-29. Đây là giống có ưu điểm năng suất và độ đường cao, chín trung bình, kháng các loại sâu bệnh chính như than, chồi cỏ và sâu đục thân; không trỗ cờ, bấc ruột, chống đổ và lưu gốc tốt. Giống mía sẽ được NASU chuyển giao cho 3 HTX: Tây Lợi, Nghĩa Mai và Nghĩa Phú xây dựng ruộng nhân giống từ vụ xuân 2020. Giống mía là tiền đề, cơ sở quan trọng áp dụng các biện pháp KHKT thâm canh tăng năng suất, chất lượng mía... Việc bổ sung giống mía K83-29 vào sản xuất giúp công ty ổn định vùng nguyên liệu, tăng thu nhập cho các hộ nông dân trồng mía. |