Tưới phân hữu cơ cho cây trồng. |
Mục tiêu của dự án là sử dụng tối thiểu 70% lượng chất thải chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, sử dụng tối thiểu 80% lượng khí gas sinh ra từ các công trình khí sinh học cho các mục đích dân sinh và giảm thời gian lao động hàng ngày của phụ nữ và trẻ em xuống từ 1,8 – 2 giờ. Trong đó, mô hình sử dụng máy tách phân bước đầu mang lại hiệu quả tốt.
Năm 2018, LCASP Tiền Giang đã giám sát thực hiện các gói thầu mô hình được trao thầu. Cụ thể, gói thầu số 33, mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ.
Các hệ thống máy tách phân hoạt động rất hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm thay đổi hành vi, nhận thức của người chăn nuôi, giải quyết nhu cầu phân bón tại chỗ và tăng thêm thu nhập cho các chủ trang trại.
Nguyễn tắc vận hành của máy tách phân là toàn bộ chất thải không được đưa vào hầm trước biogas mà được đưa vào một hầm lắng trước khi đưa vào máy tách phân. Khi tới màng lọc phần nước sẽ chảy ra và đi vào túi biogas, còn phần vật chất khô thì được đưa vào máy và được 1 motor ép nát.
Motor này có thể được điều chỉnh để ép phân bằng những ẩm độ khác nhau và có thể đạt ẩm độ dưới 25% để làm phân bón hữu cơ. Đây chính là giải pháp xử lý chất thải toàn diện đang được ngành chuyên môn khuyến cáo các trang trại heo có quy mô lớn thực hiện. Vì xử lý được cả chất thải lỏng lẫn chất thải rắn.
Anh Trần Tuấn Khải, chủ trang trại Trần Văn Sang, ngụ huyện Tân Phước cho biết: “Trước khi sử dụng máy tách phân, mình sử dụng hầm biogas thì lượng chất thải quá tải, hầm không thể xử lý hết, vì thể gây ô nhiễm môi trường. Sau khi sử dụng máy tách phân thấy hầm biogas được giảm tải và tận dụng được nguồn phân để bón cho cây trồng”.
Một số hộ dân có quy mô trên 2.000 heo đã có thể chạy máy 3 lần một tuần, mỗi lần chạy 2 - 3 giờ, mỗi lần chạy thu được khoảng 800kg phân ép, có giá bán từ 1.000 đồng/kg. Các chủ trang trại có thu nhập bổ sung hàng chục triệu đồng/tháng từ áp dụng công nghệ này.
Nhiều trang trại chăn nuôi heo sau khi được trang bị máy tách phân của dự án đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn và cung cấp một lượng lớn phân bón vi sinh cho cây trồng, giảm lượng nitrat trong đất, giảm sử dụng phân hóa học, mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi.
Để máy được vận hành tốt, theo ThS. Lê Khánh Đức, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang thì: “Đầu tiên số lượng đàn heo phải trên 2.000 con. Kế đến nữa là nguồn điện sử dụng phải là nguồn điện 3 pha. Sử dụng chế phẩm sinh học EM khi phân ra thì phun để hạn chế bụi bám vào máy, sẽ ảnh hưởng đến công sức vận hành của máy”. |
9 mô hình xử lý nước thải biogas làm phân hữu cơ Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 9 mô hình xử lý nước thải sau biogas làm phân hữu cơ lỏng tưới tiết kiệm được hỗ trợ cho bà con. Trong đó có 5 mô hình tưới nhỏ giọt, 4 mô hình tưới thường… Đặc biệt, mô hình tưới cho cây chè đã giúp cho nhiều hộ dân ở xã Bản Sen, huyện Mường Khương nâng cao năng suất. Búp chè phát triển nhanh, kéo dài thời gian thu hái đến tận cuối tháng 12. Vì vậy tăng số lứa trên một năm và hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, mô hình máy phát điện giúp các trang trại chăn nuôi quy mô lớn sử dụng triệt để nguồn khí sinh học không xả thải ra môi trường mang lại nguồn năng lượng, tiết kiệm chi phí. Một số gia đình trước đây mỗi tháng phải chi phí khoảng 3 triệu tiền điện thì nay chỉ còn 1,5 triệu đồng, tiết kiệm 50%. KẾ TOẠI |