An tâm nhờ mã số vùng trồng
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, một trong những khu vực có diện tích trồng sầu riêng lớn ở khu vực ĐBSCL. Ghé thăm HTX Tân Thới 1, đây là HTX đi đầu về trồng sầu riêng VietGAP của huyện.
Năm nay, bà con xã viên HTX “ăn Tết” vui hơn nhiều, bởi toàn bộ sầu riêng tham gia đăng ký xây dựng mã số vùng trồng đã được doanh nghiệp là Công ty TNHH đầu tư phát triển Vạn Hòa (Công ty Vạn Hòa) ký kết hợp tác bao tiêu.
Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1 bộc bạch, HTX thành lập đến nay khoảng 24 năm. Ngày trước, HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cung cấp điện thắp sáng nông thôn, rồi làm lúa cao sản. Giai đoạn 2013 - 2014, lĩnh vực này đã không còn phù hợp. Bà con xã viên dần chuyển sang kinh tế vườn, với đa dạng các loại cây ăn trái như vú sữa, chôm chôm, măng cụt…
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn sầu riêng, ông Hoảnh kể rất hăng say, nhờ sự hỗ trợ chi phí đầu tư cây giống từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm của ngành nông nghiệp huyện, nông dân ở xã Tân Thới mạnh dạn chuyển sang trồng cây sầu riêng, từ đó diện tích sầu riêng của xã ngày càng tăng. Đến nay, khoảng 98% diện tích đất nông nghiệp của xã Tân Thới đều canh tác cây sầu riêng.
Ông Hoảnh nhớ lại trước đây, việc mua bán sầu riêng của HTX khá bấp bênh. Thương lái đến mua, nếu thỏa thuận giá cả ổn thỏa thì không vấn đề gì. Nhưng khi thị trường “rục rịch”, giá cả sụt, thương lái bỏ cọc, dẫn đến đầu ra của bà con rất khó khăn. Bản thân ông cũng thường xuyên nhận nhiều lời than phiền từ xã viên.
Cạnh vườn sầu riêng của ông Hoảnh là 6,5 công đất (6.500m2) đang trồng 133 cây sầu riêng của anh Huỳnh Văn Xe. Mảnh vườn chỉ trồng duy nhất cây sầu riêng, không xen bất kỳ loại cây trồng nào khác, để cây hấp thụ được toàn bộ chất dinh dưỡng từ đất. Trải qua gần 7 năm phát triển cùng vườn sầu riêng, thu nhập của gia đình cũng ngày càng tăng cao.
Anh Xe cho biết, vụ lấy trái đầu tiên mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng, đến năm thứ hai tăng lên gần 300 triệu. Hiện nay đang bước vào vụ để trái thứ ba, anh Xe dự kiến thu tới trên 500 triệu đồng.
“Sầu riêng làm kỹ lưỡng, “ăn” hoài khoảng 30 năm. Nếu bà con để trái nhiều sẽ khiến suy cây, nên phải để trái từ từ, tăng dần qua từng năm”, anh Xe chia sẻ.
Hiện nay, HTX đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng trên diện tích 25,7ha, với 33 hộ dân tham gia liên kết. Dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất theo quy trình VietGAP, ông Hoảnh đánh giá, khi chuyển qua sản xuất theo quy định mã số vùng trồng, bà con không bỡ ngỡ, thích ứng tốt.
“Về quy trình sản xuất, bà con xã viên rất có ý thức trong việc sử dụng các chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ. Đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng danh mục cũng như khuyến cáo của Công ty Vạn Hòa, để tạo ra sản phẩm an toàn, thuận lợi cho cả doanh nghiệp và bà con nông dân, việc liên kết từ đó sẽ trở nên bền vững hơn”, ông Hoảnh bộc bạch.
Hiện tại, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương và nhà khoa học từ Trường Đại học Cần Thơ, HTX đang thí điểm thực hiện rải vụ trên cây sầu riêng, với diện tích 2ha.
Chữ tín trong chuỗi liên kết
Hành trình xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sầu riêng của Công ty Vạn Hòa trải dọc từ miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Riêng tại TP Cần Thơ, công ty lên kế hoạch liên kết tiêu thụ 1.000ha. Với sự hỗ trợ từ phía Sở NN-PTNT, Sở KH-CN, công ty có điều kiện tổ chức các hội nghị để gặp gỡ, trao đổi với các HTX để thúc đẩy việc ký kết thuận lợi hơn.
Thế nhưng, trong hành trình đó cũng không thiếu những khó khăn. Do đặc thù diện tích canh tác sầu riêng của địa phương còn nhỏ lẻ, Công ty Vạn Hòa phải tổ chức các buổi họp, gặp gỡ trực tiếp từng hộ dân. Rồi xác định năng lực của từng HTX để làm sao đưa ra được giải pháp hợp tác, hỗ trợ nông dân một cách hợp lý và bền vững nhất.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc Đối ngoại Công ty Vạn Hòa cho rằng, quan trọng nhất là phải xây dựng được chữ tín với bà con. Công ty xác định, đối tượng chính trong chuỗi liên kết là người nông dân, khi nông dân hiểu rõ cách làm cũng như thiện chí hợp tác bền chặt của doanh nghiệp, bà con sẽ phối hợp để chuỗi liên kết trở nên bài bản.
Nhờ cách làm đó, việc triển khai chuỗi liên kết tiêu thụ ở TP Cần Thơ chưa bao giờ diễn ra nhanh như vậy. Chỉ trong hai tháng, từ hội nghị triển khai chương trình liên kết tiêu thụ sầu riêng lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Phong Điền vào ngày 5/10, đến nay gần 200ha đã được Công ty Vạn Hòa liên kết thành công.
Ông Lê Anh Trung đánh giá, ban đầu khi nông dân chưa hiểu về mã số vùng trồng, bà con vẫn còn lo nghĩ. Chủ trương của Công ty Vạn Hòa xác định ngay từ đầu là doanh nghiệp không sở hữu mã vùng trồng mà quyền sở hữu thuộc về các HTX. Công ty đóng vai trò là đơn vị hỗ trợ, tập huấn thiết lập hồ sơ để mã số vùng trồng được cấp đúng quy trình. Từ đó người dân yên tâm, việc hợp tác cũng trở nên thuận lợi.
Hơn nữa, ông Trung cho biết, để hợp tác, bản thân công ty đã đầu tư lượng tài chính nhất định, giống như việc đặt cọc để người dân yên tâm. Theo ông Trung, muốn hợp tác mà ký kết trên tờ giấy, không có cơ sở để bà con nông dân tin tưởng. Vì vậy Công ty Vạn Hòa đã thực hiện đặt cọc 50 triệu/ha, số tiền này với doanh nghiệp là không lớn. Bên cạnh đó, trước thời điểm thu hoạch từ 10 - 15 ngày, công ty sẽ chốt giá thu mua sầu riêng với bà con, đồng thời cung cấp thêm tiền đặt cọc để người dân yên tâm.
Đặc biệt, trong chuỗi liên kết này cũng không thiếu vai trò của chính quyền địa phương, sở ngành thành phố cùng đồng hành với doanh nghiệp và bà con nông dân. Cách làm này sẽ làm tăng độ uy tín của doanh nghiệp nếu muốn làm bài bản, đây là giá trị mà chuỗi liên kết mang lại theo sự đánh giá của đại diện Công ty Vạn Hòa.
Để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sầu riêng tại TP Cần Thơ, Công ty Vạn Hòa đã đầu tư ngân sách trên dưới 100 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ nông dân và xây dựng cơ sở hạ tầng gồm xây dựng một cơ sở đóng gói đặt tại địa bàn TP Cần Thơ.
Thời gian thu hoạch sầu riêng chỉ kéo dài hơn 2 tháng, 1.000ha sầu riêng ở TP Cần Thơ tương ứng với sản lượng khoảng 20 - 25 nghìn tấn. Vì vậy, cơ sở đóng gói phải đảm bảo đáp ứng với sản lượng đó. Hiện công ty đang tìm kiếm quỹ đất với quy mô mong muốn khoảng 2ha, nằm trên quốc lộ để đảm bảo container ra vào thuận tiện.
TP Cần Thơ hiện có 2.500ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền. Với diện tích này, mỗi năm sản lượng sầu riêng của huyện Phong Điền cung ứng ra thị trường khoảng 14.200 tấn. Hiện nay, diện tích sầu riêng của thành phố còn ít, thời điểm chính vụ cũng lệch so với các vùng khác. Đây là một thuận lợi cho bà con nông dân nâng cao giá trị thông qua xuất khẩu chính ngạch.