| Hotline: 0983.970.780

Bắt tay xây dựng mã số vùng trồng trên 2.000 ha sầu riêng Phong Điền

Thứ Tư 05/10/2022 , 15:57 (GMT+7)

Cần Thơ Trên 2.000 ha sầu riêng ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ muốn đủ điều kiện xuất khẩu, nông dân cần bắt tay tạo vùng nguyên liệu lớn để xây dựng mã số vùng trồng.

Nông dân buộc phải liên kết

Huyện ngoại thành Phong Điền của TP Cần Thơ, địa phương biết đến là xứ sở của vườn cây ăn trái với hơn 8.600 diện tích. Ngoài đặc sản dâu Hạ Châu, vài năm trở lại đây, sầu riêng cũng vươn lên trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Toàn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ có hơn 8.600 diện tích trồng cây ăn trái. Ảnh: Kim Anh.

Toàn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ có hơn 8.600 diện tích trồng cây ăn trái. Ảnh: Kim Anh.

Thống kê của ngành nông nghiệp huyện, địa phương có trên 2.000 ha trồng sầu riêng cho sản lượng hàng năm 14.200 tấn. Trong đó, xã Tân Thới là đơn vị được ngành nông nghiệp quy hoạch thành vùng chuyên canh sầu riêng. Đến nay, toàn xã có gần 1.200 ha diện tích canh tác loại cây trồng này.

Ngày 5/10, Phòng NN-PTNT huyện Phong Điền phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) TP Cần Thơ và một số doanh nghiệp lớn đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản có buổi Hội thảo hướng dẫn thủ tục cấp mã số vùng trồng, các yêu cầu và chính sách liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm sầu riêng cho các thành viên tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) ở huyện Phong Điền.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố, việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ góp phần nâng vị thế và giá trị của trái sầu riêng, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều thách thức cho bà con nông dân. Bởi khi thị trường chính ngạch mở cửa, đồng nghĩa thị trường tiểu ngạch khép lại, khi nước bạn thắt chặt việc quản lý thị trường tiểu ngạch. Vì thế, bà con nông dân nếu không xây dựng mã số vùng trồng sẽ không tìm được đầu ra cho loại nông sản này.

Xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được quy hoạch thành vùng chuyên canh sầu riêng. Ảnh: Kim Anh.

Xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được quy hoạch thành vùng chuyên canh sầu riêng. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nghiêm cũng lưu ý, hiện nay để thực hiện cấp mã số vùng trồng, diện tích canh tác của nông dân phải đảm bảo trên 10ha. Trong khi đó, tại huyện Phong Điền chỉ có HTX Tân Thới 1 ở xã Tân Thới đảm bảo diện tích 25ha đủ điều kiện đăng ký. Vì thế, bà con nông dân canh tác sầu riêng trong huyện buộc phải cùng nhau liên kết, hình thành các THT, HTX để mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1 cho hay, hiện nay HTX đã liên kết được 39 thành viên cùng tham gia canh tác sầu riêng, đơn vị đang trong quá trình tìm hiểu hồ sơ, thủ tục cần thiết, đồng thời tìm kiếm doanh nghiệp cùng liên kết để xin cấp mã số vùng trồng (MSVT) trong thời gian tới.

Một thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho thấy, từ đầu năm đến nay đơn vị đã thực hiện cấp mới 7 MSVT và cấp lại 10 MSVT đã hết hạn trên cây ăn trái, với tổng diện tích 150ha. Riêng tại huyện Phong Điền, hiện tại, đơn vị đã hoàn thành thẩm định 7 hồ sơ đăng ký cấp MSVT trên cây ăn trái, trong đó 5 hồ sơ liên quan đến sầu riêng.

Giữ chữ tín

Là 1 trong 25 cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa (Công ty Vạn Hòa) đang có kế hoạch liên kết tiêu thụ 1.000 ha sầu riêng với sản lượng 25.000 tấn tại TP Cần Thơ.

Ông Lê Anh Trung, Đại diện Công ty Vạn Hòa đánh giá, bà con nông dân đang đứng trước cơ hội và doanh nghiệp sẽ là cầu nối đem sản phẩm của bà con đến với người tiêu dùng, tạo nên uy tín, thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng của huyện Phong Điền nói riêng và cả nước nói chung.

Để xây dựng “chữ tín” và mối liên kết bền chặt với bà con nông dân, Công ty Vạn Hòa đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con. Điển hình như cho nông dân vay vốn không tính lãi, trả thưởng cho nông dân tham gia liên kết, hỗ trợ thiết lập hồ sơ MSVT, ghi chép nhật ký điện tử, tập huấn kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây sầu riêng… Bên cạnh đó, Công ty cũng tổ chức thu mua sản phẩm trong chuỗi liên kết sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu, đảm bảo ổn định đầu ra, giúp bà con nông dân an tâm sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật.

Hiện Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ đã thẩm định 5 hồ sơ đăng ký cấp MSVT với cây sầu riêng Phong Điền. Ảnh: Kim Anh.

Hiện Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ đã thẩm định 5 hồ sơ đăng ký cấp MSVT với cây sầu riêng Phong Điền. Ảnh: Kim Anh.

Nhìn xa hơn, ông Trung nhận thấy ở TP Cần Thơ có một điểm khác biệt lớn để sầu riêng có khả năng phát triển mạnh, đó là đội ngũ giáo sư chuyên ngành về sầu riêng tập huấn cho bà con nông dân kỹ thuật canh tác, hệ thống truy xuất nguồn gốc. Từ đó ông tin tưởng với sự đồng hành của cơ quan ban ngành, sẽ xây dựng nên một quy trình sản xuất sầu riêng chuyên nghiệp, bài bản tại Cần Thơ. Đây cũng là lý do ông Trung lựa chọn huyện Phong Điền là vùng nguyên liệu tốt để đầu tư.

Dịp này, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cũng ngỏ ý hợp tác với bà con nông dân, HTX trồng sầu riêng ở huyện Phong Điền nhằm xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng.

Doanh nhân Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu chia sẻ, vừa qua công ty đã liên kết thành công 2 sản phẩm của huyện Phong Điền là vú sữa xuất khẩu đến Mỹ hay nhãn Ido xuất đi Trung Quốc, Úc. Đối với sầu riêng, Công ty đã xuất khẩu thành công sầu riêng tươi đến quốc gia Đài Loan, Nhật. Mới đây là sầu riêng đông lạnh cũng được xuất khẩu đến Mỹ. Điều này đã tạo động lực cho doanh nghiệp mong muốn chinh phục thị trường Trung Quốc, một thị trường lớn, sức tiêu thụ mạnh.

Doanh nhân Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu chia sẻ, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân muốn bền chặt cần đặt chữ tín lên hàng đầu. Ảnh: Kim Anh.

Doanh nhân Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu chia sẻ, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân muốn bền chặt cần đặt chữ tín lên hàng đầu. Ảnh: Kim Anh.

“Chúng tôi mong muốn liên kết với một số HTX xây dựng MSVT để mua được sản phẩm của vùng trồng đó. Vì thế, bà con nông dân cần hiểu sâu hơn về MSVT, bởi đây điều khoản để nông dân, HTX, doanh nghiệp tuân thủ khi đưa sầu riêng sang thị trường Trung Quốc”.

Bà Vy cũng “hé lộ” kế hoạch triển khai một số vùng nguyên liệu sầu riêng tại huyện Phong Điền. Trước kỳ thu hoạch từ 10-15 ngày, doanh nghiệp sẽ đàm phán với bà con nông dân, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm. Cách làm này, tạo nên trách nhiệm, chữ tín từ hai phía doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp đảm bảo việc thu mua khi nông dân sản xuất đạt yêu cầu. Ngược lại, bà con nông dân tuân thủ việc sản xuất theo hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đặt chữ tín lên hàng đầu.

Mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch, nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc. Tại các cửa khẩu, hải quan nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong vùng trồng đã được cấp MSVT sẽ bị từ chối. Để được cấp MSVT, nông sản phải được sản xuất theo quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc BVTV.

MSVT phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước vụ thu hoạch, nội dung kiểm tra tùy thuộc vào từng đối tượng cây trồng và yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Bảng lương chi tiết viên chức năm 2025

Sau đây là bảng lương của công chức 2025 dự kiến áp dụng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Bảng lương này chưa bao gồm các phụ cấp.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.