Sau khi Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Hiệp định thư cho phép trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này đã mang lại sự phấn khởi cho nông dân. Tuy nhiên, để trái sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường “tỷ dân” thì đòi hỏi phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Do đó, chỉ những diện tích sầu riêng đã xây dựng mã số vùng trồng mới có cơ hội xuất ngoại. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến các tỉnh thành ĐBSCL để liên kết với nông dân xây dựng mã số vùng trồng khai thác cơ hội này.
Tại Vĩnh Long, theo Sở NN-PTNT hiện nay tỉnh có quy mô sản xuất sầu riêng đạt trên 3.500ha, trong đó trên 70% diện tích đang cho trái. Đặc biệt, một số diện tích đang tiếp tục chuyển đổi trồng sầu riêng. Tiềm năng phát triển cây sầu riêng ở Vĩnh Long khá cao mặc dù so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL không bằng. Tuy nhiên mức lợi nhuận từ sầu riêng khá hấp dẫn đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Hiện sầu riêng tập trung tại các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Mang Thít và Trà Ôn. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp tìm đến địa phương để liên kết xây dựng mã số vùng trồng, bao tiêu trái sầu riêng cho bà con nông dân.
Hiện nay, Tập đoàn đầu tư Vạn Hoà (địa chỉ Q.7, TP.HCM) là một trong những doanh nghiệp có tiềm lực xuất khẩu sầu riêng mạnh. Hiện doanh nghiệp này đang liên kết hỗ trợ người dân trồng sầu riêng tại một số tỉnh thành trong nước tập huấn xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ cho vay vốn canh tác không lãi suất, liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có chính sách trả thưởng cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng trồng.
Mới đây, trong buổi làm việc với Sở NN-PTNT Vĩnh Long để tìm kiếm cơ hội hợp tác với nông dân trồng sầu riêng của tỉnh, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hoà cho biết: Tỉnh Vĩnh Long có tiềm năng lớn trong phát triển cây sầu riêng. Tập đoàn mong muốn được hợp tác với bà con nông dân thông qua liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã. Chọn nơi tập trung, trọng điểm để xây dựng mô hình rồi từ từ nhân rộng. Diện tích mong muốn khoảng 1.000ha. “Chúng tôi muốn hợp tác để thu mua nguyên liệu có hồ sơ”, ông Trung nói.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long: Hiện tại, tỉnh Vĩnh Long đã đăng ký xin cấp 2 mã số vùng trồng đầu tiên. Hồ sơ đã hoàn thiện gửi Cục Bảo vệ thực vật và chờ ngày được cấp.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ liên kết với công ty, doanh nghiệp để đăng ký thêm nhiều mã số vùng trồng sầu riêng, đủ điều kiện cho doanh nghiệp mua sầu riêng để xuất khẩu. Ngoài ra, cũng sẽ xin cấp mã số đóng gói cho các doanh nghiệp HTX, để đồng bộ”, ông Nguyễn Văn Liêm cho biết.
Cũng theo ông Liêm, đối với sầu riêng, hiện nay địa phương cũng có một số vấn đề khó khăn. Ngoại trừ một số vùng tập trung còn lại người dân trồng hơi rải rác, trồng xen, trồng lấy ngắn nuôi dài nên cũng bất tiện trong xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát, nhất là cập nhật các quy trình kỹ thuật giúp cho người dân trong việc thiết kế vườn và hoàn chỉnh các vườn đang canh tác để đủ điều kiện tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng. Đây là cơ sở để tiêu thụ đầu ra nông sản nói chung cũng như cây sầu riêng nói riêng. Bên cạnh đó, giúp cho giá trị cây sầu riêng ổn định hơn trong thời gian tới.
Theo ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: Tại ĐBSCL, diện tích cây sầu riêng đã đạt trên 30.000ha, trong đó tỉnh Tiền Giang có diện tích lớn nhất đạt trên 16.000ha. Để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói.