9 tháng đầu năm 2022, diện tích cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ đạt trên 24.000 ha, trong đó diện tích đang cho trái là hơn 17.300 ha, với sản lượng lên tới trên 168.200 tấn. Sầu riêng được biết đến là một trong những sản phẩm cây ăn trái chủ lực của thành phố bên cạnh xoài, nhãn, vú sữa. Vài năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn thành phố tăng lên đáng kể, nếu như năm 2015 chỉ có khoảng 537 ha thì đến nay đã tăng lên gần 2.500 ha, cho sản lượng trên 8.000 tấn. Tập trung chủ yếu tại các huyện Phong Điền, Thới Lai và Ô Môn. Chủ lực là giống sầu riêng Ri6 chiếm trên 86%.
Từ thế mạnh đó, ngày 15/11, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp với ngành nông nghiệp thành phố, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tổ chức chương trình phát triển cây sầu riêng gắn với mã số vùng trồng.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, toàn thành phố đã có 8 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng sầu riêng được chứng nhận VietGap với diện tích trên 117 ha, có 154 hộ tham gia sản xuất, khả năng cung ứng 2.852 tấn/năm.
Việc xây dựng mã số vùng trồng trên cây ăn trái nói chung và mặt hàng sầu riêng nói riêng theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đánh giá là bước dẫn dắt bà con nông dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất. Hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố đang định hướng nông dân tập trung sản xuất theo quy mô lớn, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, ông Hè nhấn mạnh, đối với mặt hàng sầu riêng cần được chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap, GlobalGap, gắn với chuỗi giá trị, sản xuất theo tín hiệu thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Sầu riêng Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là có lợi thế lớn khi thu hoạch rải vụ gần như quanh năm. Hơn nữa, nhờ đội ngũ chuyên gia, giáo sư, kỹ sư, cộng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp sầu riêng có khả năng canh tác không phụ thuộc vào thời tiết. Dựa vào đó, bà con nông dân có thể tính toán được thời vụ, thời điểm cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp để có được giá mức giá tốt nhất.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư Vạn Hòa (Công ty Vạn Hòa) dự đoán, thời gian tới, việc kiểm tra hồ sơ mã số vùng trồng ở phía nước bạn Trung Quốc có thể dịch chuyển từ hình thức kiểm tra trực tuyến sang kiểm tra trực tiếp. Như vậy, việc cấp mã số vùng trồng sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn, đòi hỏi bà con nông dân phải tổ chức liên kết chặt chẽ theo quy định của nước nhập khẩu.
“Chỉ có con đường làm thật, không ai có thể làm thay được người sản xuất trực tiếp là nông dân. Và mã số vùng trồng là trách nhiệm của người nông dân. Nếu nông dân không liên kết làm sao đủ điều kiện tổ chức sản xuất cũng như không thể tiếp cận được những doanh nghiệp lớn”, ông Trung nhận định.
Nói theo quan điểm của doanh nhân này, để thúc đẩy việc xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, cần xây dựng mối liên kết giữa nông dân với nông dân để hình thành những tổ hợp tác. Từ đó, các tổ hợp tác liên kết với nhau để hình thành những hợp tác xã đủ lớn và những HTX này sẽ đứng ra liên kết với các doanh nghiệp.
Ông Trung đánh giá, TP Cần Thơ là một trong những địa phương có tiềm năng xuất khẩu sầu riêng ở khu vực ĐBSCL. Công ty Vạn Hòa mong muốn tổ chức liên kết 1.000 ha sầu riêng ở TP Cần Thơ. Hiện nay, Công ty đã ký kết hợp tác với một số đối tác uy tín phía Trung Quốc với sản lượng cung cấp 300.000 tấn sầu riêng/năm. Đây sẽ là cơ hội lớn để trái sầu riêng của TP Cần Thơ chinh phục thị trường tỷ dân.
Hợp tác xã Tân Thới 1 ở huyện Phong Điền là đối tác đầu tiên được Công ty Vạn Hòa thực hiện liên kết tiêu thụ sầu riêng tại TP Cần Thơ. Hợp tác xã có khả năng cung ứng từ 380 – 400 tấn sầu riêng/vụ cho Công ty thực hiện xuất khẩu, mở đầu cho chuỗi liên kết tiêu thụ sầu riêng lớn của thành phố.
Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1, cho biết, Công ty Vạn Hòa có chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã đối tác 50 triệu đồng/ha từ đầu vụ, không tính lãi. Bên cạnh đó, Công ty cũng cam kết thu mua theo giá thị trường từ 10 – 15 ngày trước thời điểm thu hoạch. Ngoài ra, còn một số chính sách trả thưởng cho bà con nông dân và hợp tác xã tham gia liên kết trực tiếp dựa trên tổng sản lượng thu cuối vụ.
Từ năm 2018 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đã cấp 67 mã số vùng trồng cho 45 vùng trồng, với tổng diện tích 752 ha trên các đối tượng xoài, nhãn, vú sữa. Tạo cơ sở để đưa mặt hàng trái cây của thành phố xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc. Riêng trong năm 2022, đơn vị đã cấp 28 mã số cho 13 vùng trồng với tổng diện tích 205 ha.