| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả xây dựng nông thôn mới từ chuỗi liên kết sản xuất

Chủ Nhật 09/06/2024 , 09:26 (GMT+7)

Liên kết sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới.

Những chuỗi liên kết trồng mía tạo động lực quan trọng về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tuấn Anh.

Những chuỗi liên kết trồng mía tạo động lực quan trọng về xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tuấn Anh.

‘Đòn bẩy’ trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn đang trở thành rào cản lớn nhất để các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Nhận thức được vấn đề này, thời gian gần đây, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của người đồng bào dân tộc thiểu số. Chính điều nay đã đóng góp rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 HTX và 150 tổ hợp tác với số lượng 5.000 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 20 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp của người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đạt hiệu quả cao, mang lại giá trị, giúp nâng cao đời sống cho người dân.

Trong các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả phải kể đến xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) nơi có 115 hộ dân là người đồng bào Xơ Đăng tham gia liên kết trồng hơn 33ha mía. Tại đây, người dân được Công ty cổ phần Đường Kon Tum hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc mía. Đặc biệt, Công ty cũng sẽ bao tiêu sản phẩm với giá bảo hiểm mía nguyên liệu đạt trữ lượng đường từ 10% trở lên là 800-1000 đồng/kg (tùy theo thời điểm). Nhờ vậy, người dân rất yên tâm về đầu ra sản phẩm, có nguồn thu nhập ổn định để từng bước thoát nghèo.

Liên kết trồng dứa tại xã Đăk Trăm giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Tuấn Anh.

Liên kết trồng dứa tại xã Đăk Trăm giúp người dân nâng cao thu nhập. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông A Ngực, Trưởng thôn Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) cho biết, trên địa bàn thôn Đăk Rô Gia đang hình thành 2 tổ liên kết trồng mía với 35 thành viên và trồng dứa xen mắc ca với 8 hộ dân tham gia.

“Đối với các hộ dân liên kết trồng mía, trong niên vụ 2023-2024, năng suất mía đạt từ 70-80 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 40-55 triệu đồng/ha. So với cây lúa, trồng mía cho lợi nhuận cao hơn rất nhiều và đầu ra ổn định. Nhờ tham gia liên kết trồng mía nên người dân nơi đây rất yên tâm, đời sống được nâng cao, nhiều gia đình đã được thoát nghèo”, ông A Ngực chia sẻ.

Tương tự, tại xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông đã liên kết với 30 hộ dân người Xơ Đăng trên địa bàn tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đẳng sâm và các loại dược liệu khác với quy mô khoảng 20 ha. Theo đó, HTX đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và được bao tiêu sản phẩm nên rất phấn khởi.

Người dân tham gia liên kết trồng đẳng sâm tại xã Ngọc Lây. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân tham gia liên kết trồng đẳng sâm tại xã Ngọc Lây. Ảnh: Tuấn Anh.

Liên kết trồng 4 sào đẳng sâm, ông A Quy (thôn Đăk Kinh 1, xã Ngọc Lây) cho biết, từ khi liên kết với HTX, gia đình ông đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ phân bón để có sản phẩm chất lượng và được bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm. Chỉ tính riêng năm qua, gia đình đã thu được hàng triệu đồng từ đẳng sâm nên đời sống được cải thiện rất nhiều.

Cần chú trọng hơn nữa chuỗi liên kết sản xuất

Đến cuối năm 2023, xã Đăk Trăm đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, có một số tiêu chí khó như nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất cũng đã đạt được. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 47 triệu đồng/năm.

Theo lãnh đạo UBND xã Đăk Trăm, để hoàn thành các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024 theo lộ trình đặt ra, xã Đăk Trăm tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, tiếp tục chú trọng các mô hình liên kết trồng mía, dứa, ký kết bao tiêu sản phẩm để người dân có nguồn thu ổn định, thoát nghèo bền vững.

Với nhiều nỗ lực, mới đây xã Ngọc Lây đã đạt thêm tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết, để đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân thành lập các mô hình HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 HTX, 16 tổ liên kết hợp tác trồng tập trung hiệu quả, gắn với liên kết vùng nguyên liệu.

“Đăc biệt, trên địa bàn xã đang đẩy mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ các loại dược liệu với HTX dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông. Qua đó, góp phần tích cực vào việc giúp xã đạt chuẩn tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí còn lại như thu nhập, hộ nghèo”, ông Vũ cho biết.

Bộ mặt nông thôn mới ở các xã vùng sâu của huyện Tu Mơ Rông ngày càng thay đổi. Ảnh: Tuấn Anh.

Bộ mặt nông thôn mới ở các xã vùng sâu của huyện Tu Mơ Rông ngày càng thay đổi. Ảnh: Tuấn Anh.

Thực tế cho thấy, hiệu quả từ các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, HTX với người nông dân góp phần quan trọng trong việc triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, từng bước thoát nghèo.

“Các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là động lực quan trọng góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”, ông Hòa chia sẻ.

Theo ông Hòa, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, xác định HTX, tổ hợp tác là cầu nối thực hiện liên kết với doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm để giúp người nông dân hạn chế rủi ro, phát huy vai trò của kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
Bình Thuận giải quyết thiếu nước sinh hoạt cho huyện đảo Phú Quý

Tỉnh Bình Thuận đã thống nhất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt cho huyện đảo Phú Quý, trong đó cho đầu tư các hạng mục công trình, nâng cấp công suất nhà máy nước.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

2 sản phẩm sâm Ngọc Linh có tiềm năng đạt OCOP 5 sao

Theo đó, có hai sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao là rượu sâm Ngọc Linh K5 Premium và rượu Quốc Tửu K5 của Công ty cổ phần Vingin.