| Hotline: 0983.970.780

Tố chất khoa học luôn 'bén rễ' khắp các làng quê nông thôn

Thứ Tư 15/05/2024 , 18:04 (GMT+7)

Mỗi cuộc trò chuyện, trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với bà con nông dân là một dịp đưa khoa học công nghệ và cuộc sống xích lại gần nhau hơn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành tham quan triển lãm công nghệ. Ảnh: Ngọc Thành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành tham quan triển lãm công nghệ. Ảnh: Ngọc Thành.

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959 - 2024), Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề "Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia".

Mở đầu phần phát biểu với thông điệp “Khoa học gặp gỡ cuộc sống”, thay mặt Bộ NN-PTNT, gần 2.000 hợp tác xã cùng với bà con nông dân cả nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi lời cám ơn chân thành đến Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã luôn kiên trì, sáng tạo, bền bỉ kết nối nhịp cầu khoa học đến cuộc sống, đến làng quê nông thôn, đến từng thửa ruộng, bờ ao và đến hàng chục triệu người nông dân.

“Giá trị gia tăng trong nông nghiệp sẽ được tích luỹ trên cơ sở gia tăng hàm lượng tri thức và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Giá trị gia tăng trong nông nghiệp bắt đầu từ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chuyển ra các khu thực nghiệm, khảo nghiệm và từng bước được đón nhận tại các trang trại, nông trại... Giá trị gia tăng trong nông nghiệp khởi nguồn từ những câu hỏi của cuộc sống ngày thường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích mối liên hệ mật thiết giữa khoa học công nghệ với nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giá trị gia tăng trong nông nghiệp sẽ được tích luỹ trên cơ sở gia tăng hàm lượng tri thức và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Ảnh: Ngọc Thành.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giá trị gia tăng trong nông nghiệp sẽ được tích luỹ trên cơ sở gia tăng hàm lượng tri thức và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo đó, Bộ trưởng đã đưa ra 4 vấn đề then chốt mà ngành nông nghiệp rất cần sự trợ lực của khoa học, công nghệ. Đó là, làm sao để nông sản đạt chất lượng và giá trị cao hơn? Làm sao để tối ưu hoá giá trị được tạo ra trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp? Làm sao để thu nhập và chất lượng sống của người nông dân ngày một tốt hơn? Làm sao tiếp cận nhanh hơn thành tựu vượt bậc trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn vào những nghiên cứu khoa học, tiếp cận nấc thang cao hơn trong nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp?

“Nhà khoa học nông nghiệp không hài lòng với những đề tài nghiên cứu được nghiệm thu, mà luôn trăn trở, đau đáu về mục tiêu, giá trị thiết thực của các đề tài, công trình nghiên cứu trong việc giải quyết những tồn tại, thách thức trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhà khoa học nông nghiệp ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận của mình, luôn biết ơn và trân trọng từng sản phẩm nông nghiệp được tạo nên từ mồ hôi, công sức lao động của hàng chục triệu người nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định, qua các năm, việc nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực “khoa học nông nghiệp” được vinh danh Giải thưởng Tạ Quang Bửu luôn là niềm cảm hứng, động lực to lớn cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tiếp tục gắn bó với ngành nông nghiệp, tích cực “ra ruộng, về làng”, về với bà con nông dân, để cùng lan tỏa giá trị sâu rộng của khoa học công nghệ khắp làng quê nông thôn.

“Mỗi cuộc trò chuyện, trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với bà con nông dân là một dịp đưa khoa học công nghệ và cuộc sống xích lại gần nhau hơn. Tố chất khoa học, niềm đam mê tìm tòi, khám phá, nghiên cứu những điều mới, những điều hay, những giải pháp thiết thực, hữu ích luôn "bén rễ" khắp các làng quê nông thôn”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đó cũng là cách tri thức hoá nông dân trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong bối cảnh nông dân cần kết hợp tri thức bản địa với tri thức mới, chủ động thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu và các hình thái thiên tai.

Đó là những bác nông dân mày mò giải pháp tưới tự động qua chiếc điện thoại thông minh để có thêm thời gian tự học, tự trang bị tri thức, tham gia công việc cộng đồng, tương tác với các kênh tiêu thụ nông sản, hoặc làm thêm các ngành nghề phụ, tăng thêm thu nhập ngoài thu nhập từ nông sản chính.

Đó là một anh thanh niên nông thôn, dù chưa hoàn thành hết chương trình phổ thông nhưng đã thành công “lai ép” đa dạng các giống cá trong tự nhiên.

Đó là những “nhà khoa học chân đất” mà chúng ta đều có thể gặp gỡ khắp đất nước Việt Nam này.

“Và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được đào tạo, trui rèn bài bản có thể giúp những ‘nhà khoa học chân đất’ chuẩn hóa, hiệu chỉnh, hoàn thiện từng lời giải cho thực tiễn canh tác, sản xuất, thương mại trong nông nghiệp. Khi ngồi lại bên nhau, không gì là không thể!”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự tin tưởng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất giải pháp phát huy năng lực của các cơ sở nghiên cứu khoa học thuộc Bộ NN-PTNT bằng cơ chế liên doanh, liên kết, hợp tác công tư về khoa học công nghệ.

Hai đơn vị cũng sẽ cùng tổ chức diễn đàn trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ trong nông nghiệp với sự tham gia của các viện, trường, hợp tác xã… giúp kết nối giữa cung với cầu, ghi nhận, lắng nghe phản hồi của người ứng dụng đối với các sản phẩm khoa học công nghệ nông nghiệp.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.